Nghề nuôi cá chua ở Nhơn Hội
15:41', 29/9/ 2004 (GMT+7)

Mấy năm nay, người nuôi tôm ở Nhơn Hội (TP. Quy Nhơn) liên tục lâm vào cảnh thất thu do tôm bị dịch bệnh. Đứng trước tình hình ấy, nhiều hộ đã tìm hướng đi mới cho mình bằng cách nuôi sìa, nuôi ghẹ và đến nay đang phát triển nuôi cá chua trong hồ tôm.

Một hộ nông dân đang thu hoạch cá chua ở Nhơn Hội

Anh Trần Bình, ở thôn Hội Bình là người đầu tiên ở Nhơn Hội tìm tòi nuôi cá chua từ 3 năm về trước với diện tích mặt nước là 4ha. Giống cá chua được anh ra tận Đề Gi (Phù Cát) mua về. Cá giống khi đưa về chỉ nhỏ bằng cây tăm nhang, ươm nuôi được 4 tháng cá lớn bằng ngón chân cái. Số cá giống này một phần anh giữ lại để nuôi cá thịt, một phần anh bán cho những hộ nuôi cá chua khác. Theo anh Bình, con cá chua rất dễ nuôi. Hồ để nuôi cá chỉ cần đào sâu 1m, đắp bờ cao từ 1m - 1,5m là có thể thả cá; thức ăn là rong, tảo trong hồ. Nếu nuôi cá thịt, để cho cá mau lớn, người nuôi cho ăn thêm thức ăn công nghiệp. Nuôi cá chua không cần nhiều công sức chăm sóc. Cá giống thả từ tháng 4 thì đến tháng 12 là có thể thu hoạch được.

Điều thuận lợi nhất trong việc nuôi cá chua là người nuôi có thể thả chung cá chua cùng với tôm, cua. Chính vì cá chua dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, có thể chuyển từ hồ nuôi tôm không hiệu quả sang nuôi cá nên nhiều hộ đã học hỏi theo anh Bình nuôi cá chua.

Hộ chị Ngô Thị Thanh Thúy cùng ở thôn Hội Bình mấy năm vừa rồi cũng điêu đứng vì con tôm, chị đã phải bán mấy hồ nuôi tôm trả nợ cho ngân hàng. Trả nợ xong, chị tìm hướng làm ăn mới bằng cách học tập anh Bình nuôi cá chua vì thấy anh nuôi cá chua có lời mà lại không gặp rủi ro nhiều như nuôi tôm. Chị Thúy mua lại 4.000 con cá giống nuôi được một tháng của anh Bình. Đến nay, lứa cá nuôi thử nghiệm đầu tiên của chị đã được 3 tháng, có chiều hướng phát triển tốt.

Hiện nay, ở xã Nhơn Hội có 7 hộ đang nuôi cá chua, người nuôi nhiều nhất là anh Bình có 4ha. Một số hộ khác cũng đang tìm hiểu để theo nghề nuôi cá chua. Cán bộ khuyến ngư xã Nhơn Hội đã hướng dẫn cách nuôi cá chua cho các hộ nuôi cá vì thấy được con cá chua có giá trị kinh tế, được tiêu thụ khá mạnh trên thị trường. Giá cá chua luôn ổn định ở mức 35.000- 40.000 đồng/kg. Cá nuôi bằng thực phẩm công nghiệp lớn rất nhanh, sau 8 tháng nuôi có trọng lượng từ 0,8 đến 1kg/con. Vụ thu hoạch cá năm 2003 anh Bình lãi được 35 triệu đồng, tuy chưa cao nhưng ít rủi ro. Song, để phát huy giá trị kinh tế của cá chua thì phải có đầu ra ổn định. Bởi theo anh Bình, trung bình một ngày anh bán trên dưới 50 kg cá thịt cho các nhà hàng, quán ăn đặc sản, nhưng đến mùa thu hoạch rộ người nuôi cá sẽ lâm vào cảnh "được mùa mà mất giá".

Đó cũng là điều băn khoăn nhất của người nuôi cá chua ở một số địa phương trong tỉnh chứ chẳng riêng gì ở Nhơn Hội.

. Thanh Thảo

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phù Cát: Cát Tiến chuyển mình  (29/09/2004)
Xe khách chất lượng cao được tín nhiệm   (28/09/2004)
Ân Hảo: Nghề tằm tang đang trở lại   (28/09/2004)
Nạp tiền vào tài khoản - Một tiện ích mới cho khách hàng VinaPhone và MobiFone   (27/09/2004)
Tuy Phước: Khi nông dân thi đua sản xuất giỏi   (27/09/2004)
Thi công các khu tái định cư tránh lũ ở Ân Hảo: Ách tắc từ nhiều phía  (26/09/2004)
Lung linh "mắt biển" Nhơn Châu   (24/09/2004)
Vân Canh: Khi cơn hạn đi qua   (23/09/2004)
Nhơn Châu và nỗi lo mùa mưa bão   (23/09/2004)
Liên kết, liên doanh ở các HTXNN: Vẫn còn nhiều vướng mắc   (22/09/2004)
Người góp phần phát triển làng rượu Bầu Đá   (22/09/2004)
Nuôi tôm he chân trắng trên cát ở Phù Mỹ: Từ cảnh báo đến những thiệt hại   (21/09/2004)
Thị trường bánh trung thu đã khởi động  (21/09/2004)
Kỹ thuật viên mạng: Dễ mà khó   (20/09/2004)
Hệ thống đê khu Đông: Những công trình vượt lũ   (20/09/2004)