Từ năm 2002 đến nay, thực hiện đề án quy hoạch, sắp xếp lại ngành sản xuất gạch ngói (SXGN) trên địa bàn xã, UBND xã Bình Nghi (Tây Sơn) đã vận động được nhiều hộ di dời cơ sở sản xuất trong khu dân cư đến khu SXGN tập trung Hóc Bợm, đạt được những thành công bước đầu đáng phấn khởi. Thế nhưng hiện nay việc quy hoạch sắp xếp ngành SXGN ở Bình Nghi vẫn còn lắm khó khăn.
* Chủ trương đúng
|
Một góc làng nghề SXGN Hóc Bợm |
Năm 2001 UBND xã Bình Nghi triển khai đề án quy hoạch, sắp xếp lại ngành SXGN, xây dựng làng nghề SXGN tập trung ở khu vực Hóc Bợm (thôn 1 xã Bình Nghi) với diện tích 8 ha, trên một vùng đất gò, cách quốc lộ 19 gần 1 km, xa khu dân cư. Xã đã chi 300 triệu đồng từ ngân sách xã để san ủi mặt bằng, xây dựng 750m đường giao thông từ quốc lộ 19 vào Hóc Bợm; làm đường giao thông nội bộ và hệ thống thoát nước ở khu vực này. Trong 2 năm 2002-2003 Bình Nghi đã vận động di dời được 67/120 cơ sở SXGN nằm xen lẫn trong khu dân cư vào làng nghề Hóc Bợm, mỗi cơ sở được cấp 1.000 m2 đất để xây dựng cơ sở sản xuất và làm sân phơi. Ông Lê Ngọc Ba - cán bộ kế hoạch của UBND xã Bình Nghi - cho biết: "Tuy phải tốn khoảng 15-20 triệu đồng để xây dựng lại nhà xưởng, lò nung… nhưng nhiều chủ cơ sở SXGN đã tự nguyện di dời. UBND huyện hỗ trợ tiền di dời với mức 1 triệu đồng/cơ sở, nhưng cho đến nay cũng chỉ mới hỗ trợ được 50/67 cơ sở". Hiện nay, mặt bằng 8 ha của làng nghề Hóc Bợm đã được lấp đầy với 67 cơ sở SXGN. Vì vậy xã Bình Nghi quy hoạch mở rộng về phía tây của khu Hóc Bợm thêm 9 ha nữa nhằm phục vụ số cơ sở sắp di dời. Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Ngọc Ba, xã đang gặp khó khăn về kinh phí đầu tư; đồng thời đang "đau đầu" về chuyện điện, nước sinh hoạt và sản xuất cho làng nghề Hóc Bợm.
* Thiếu vốn đầu tư
Làng nghề SXGN Hóc Bợm đi vào hoạt động đã giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương, phù hợp với định hướng phát triển, nâng công suất, mở rộng sản xuất. Đầu năm 2003, UBND xã Bình Nghi đã làm dự án đầu tư di dời các cơ sở SXGN ra khỏi khu dân cư và phát triển làng nghề truyền thống. Dự án này được UBND huyện Tây Sơn phê chuẩn (9-2003). Tháng 11-2003, Sở Công nghiệp cũng đã đưa cụm công nghiệp Hóc Bợm vào danh mục đăng ký vốn đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2004, với tổng vốn đầu tư 5,6 tỉ đồng, trong đó vốn đối ứng của tỉnh là 2,8 tỉ đồng, vốn của huyện là 2,8 tỉ đồng, nhưng không được tỉnh phê duyệt.
Bình Nghi có 290 lò SXGN, chiếm gần 2/3 số lò gạch ngói ở huyện Tây Sơn, mỗi năm sản xuất được gần 40 triệu viên gạch, 10 triệu viên ngói, tổng doanh thu khoảng 9 tỉ đồng. Bình Nghi còn 53 cơ sở SXGN nằm xen lẫn trong khu dân cư, mặt bằng chật hẹp, khó mở rộng sản xuất. Theo kế hoạch, đến hết quý 1-2005 sẽ tiếp tục di dời 85 cơ sở SXGN nữa vào Hóc Bợm. |
Vừa qua, nghe "phong thanh" sẽ được tỉnh hỗ trợ kinh phí 150 triệu đồng, UBND xã Bình Nghi rất phấn khởi vì "trong lúc khó khăn, có thêm được đồng nào hay đồng ấy" nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Việt Hoa - Phó Giám đốc Sở Công nghiệp - cho biết: "Đầu năm 2004, ngành công nghiệp và các ngành liên quan đã thống nhất đề nghị phân bổ 300 triệu đồng từ kinh phí phát triển hạ tầng làng nghề cho làng dệt thảm xơ dừa Tam Quan (Hoài Nhơn) và làng nghề SXGN Hóc Bợm, mỗi nơi 150 triệu đồng. Sở Công nghiệp đã làm văn bản trình UBND tỉnh phê duyệt. Cho đến nay tỉnh vẫn chưa đồng ý vì cho rằng cụm công nghiệp Hóc Bợm không phải là làng nghề".
Như vậy, dự án nói trên của UBND xã Bình Nghi sẽ tiếp tục được "treo" và việc di dời 85 cơ sở SXGN ở rải rác trong khu dân cư cũng sẽ khó thực hiện trong quý 1-2005.
* Nỗi lo điện, nước
|
Dịch vụ cấp nước ở làng nghề Hóc Bợm |
Anh Trịnh Tuấn Anh - chủ một trong những cơ sở SXGN đầu tiên di dời vào làng nghề Hóc Bợm - cho biết: "Tôi dời cơ sở vào đây từ năm 2002; xây dựng nhà xưởng, lò nung hết 25 triệu đồng, đổ đất nâng mặt bằng hết mấy triệu nữa. Cái được là mặt bằng thoáng, rộng; lại không lo chuyện ô nhiễm môi trường nên sản xuất tốt hơn. Khi vận động chúng tôi vào đây, xã hứa rằng trong một thời gian ngắn sẽ có điện và nước. Thế nhưng bà con chúng tôi cứ trông chờ… mỏi mắt! ". Theo nhiều chủ cơ sở SXGN ở Hóc Bợm, việc đóng gạch thì sử dụng máy chạy dầu diezel nhưng rất cần có điện để chạy quạt gió cho chất đốt (mùn cưa và vỏ hạt điều trộn chung) cháy hết. Vả lại, còn điện thắp sáng, bảo vệ, nghe đài, xem ti vi để biết tin tức thời sự và giải trí, chứ không chỉ chuyện kiếm sống bằng lò gạch.
Ông Lê Minh Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn: UBND huyện đã làm việc với Chi nhánh điện Tây Sơn để đưa điện vào Hóc Bợm trong năm 2005. Riêng việc cấp nước, huyện đang tiến hành hợp đồng với các đơn vị tư vấn, khảo sát để đưa nước từ sông Côn vào, hoặc là sẽ khoan giếng tại chỗ. |
Bên cạnh chuyện điện, việc thiếu nước sinh hoạt và sản xuất cũng là nỗi lo lớn. Nếu như ở nơi sản xuất cũ, các lò sử dụng nước bơm từ giếng, ít tốn kém, thì từ khi vào đây phải chịu tốn kém gấp chục lần. Hóc Bợm là khu đất cao nên không thể đào giếng, các chủ lò đành dùng nước dịch vụ với giá 15.000 đồng/1,2m3. Hiện có 6 xe độ chế chuyên cấp nước cho 67 cơ sở ở làng nghề. Được biết, UBND xã Bình Nghi đã giao cho HTXNN Bình Nghi 1 khoan giếng làm dịch vụ cấp nước cho làng nghề Hóc Bợm, nhưng HTX không dám nhận. Xã chuyển sang thuyết phục một chủ cơ sở sản xuất bên cạnh làng nghề để làm dịch vụ này, nhưng cũng chưa có kết quả. Điện, nước không có, nguyên liệu phải vận chuyển xa hơn… đã đẩy chi phí sản xuất lên cao, mà giá gạch 6 lỗ (sản phẩm chính của làng nghề) lại hạ còn 200 đồng/viên so với năm 2003, nên người sản xuất không còn lãi bao nhiêu.
Những khó khăn của Hóc Bợm khiến cuộc vận động di dời các lò gạch đang còn sản xuất trong khu dân cư của UBND xã Bình Nghi trở nên khó khăn bội phần. Làng nghề SXGN Hóc Bợm đi vào hoạt động đã 2 năm nay mà chưa có điện, nước là điều UBND huyện Tây Sơn cần rút kinh nghiệm khi quy hoạch xây dựng 4 cụm công nghiệp đa ngành nghề ở địa phương.
. Bùi Lợi
|