Thị trấn Diêu Trì: Trên đường đô thị hóa
16:16', 30/9/ 2004 (GMT+7)

Thị trấn Diêu Trì là điểm nối trục đông - tây của huyện Tuy Phước; có ga đầu mối Diêu Trì, có trên 2 km Quốc lộ 1A chạy qua, là nơi trung chuyển các loại nông sản tươi sống của các xã phía tây huyện, cung cấp cho TP Quy Nhơn… nên có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa ở Diêu Trì đang diễn ra khá nhanh.

* Phát triển thương mại, dịch vụ, TTCN

Một góc thị trấn Diêu Trì hôm nay

Thị trấn Diêu Trì gồm 4 thôn: Vân Hội 1, Vân Hội 2, Diêu Trì, Luật Lễ, với 2.421 hộ dân gồm 12.573 nhân khẩu. Có thể nói Diêu Trì là thị trấn sầm uất nhất huyện Tuy Phước. Cuối năm 2003, khi quốc lộ 1A chạy qua thị trấn hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng với con đường đôi khang trang, hiện đại, thì cũng là lúc Diêu Trì "điểm trang" lại diện mạo của mình. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát ngày càng nhiều với các hoạt động thương mại, dịch vụ tấp nập, đông vui. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên trước tốc độ đô thị hóa khá nhanh ở đây. Song, điều này đã được chuẩn bị từ lâu. Theo ông Nguyễn Hóa - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của UBND thị trấn Diêu Trì: "Cơ cấu kinh tế của địa phương là: thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) rồi mới đến nông nghiệp. Vì vậy Đảng bộ, chính quyền thị trấn rất quan tâm đến công tác đô thị hóa để tạo điều kiện phát triển các loại hình kinh tế mũi nhọn".

Trên địa bàn xã hiện có trên 800 hộ hoạt động ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ từ vừa đến lớn, trong đó có nhiều hộ kinh doanh, mua bán xe máy, xăng dầu, vàng bạc, các sản phẩm mộc dân dụng… và còn có trên 400 hộ mua bán nhỏ. Ngoài một số doanh nghiệp tư nhân hoạt động ở nhiều lĩnh vực, nổi bật lên là Doanh nghiệp tư nhân Viễn Thông, chuyên sản xuất các mặt hàng mộc dân dụng, mỹ nghệ, trang trí nội thất cao cấp, cung ứng cho khách hàng trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu, thu hút trên 100 lao động có tay nghề khá tại địa phương. Các cơ sở sản xuất bánh kẹo, bao bì nhựa, ống nước PVC… cũng góp phần làm đa dạng hóa ngành nghề, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Riêng khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn) đã thu hút trên 600 lao động ở thị trấn Diêu Trì vào làm việc. Các nghề mộc, nề, chẻ đá.. được giữ ở mức ổn định, có trên 900 lao động tham gia, bình quân thu nhập từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/người/ngày.

Trong tổng thu ngân sách trên địa bàn khoảng 12 tỉ đồng/năm thì các ngành thương mại, dịch vụ, TTCN chiếm 65%. Theo ông Nguyễn Hóa, nếu như so với 10 năm trước, cơ cấu kinh tế công -  nông nghiệp của địa phương là 50-50 thì hiện nay là 65-35. Mức tăng tuy chậm nhưng ổn định. Ngành nghề và thương mại, dịch vụ phát triển đã nâng thu nhập bình quân đầu người ở thị trấn lên 4,2 triệu đồng/người/năm.

Đô thị hóa ở Diêu Trì không chỉ thể hiện qua những ngôi nhà cao tầng đang mọc lên ngày càng nhiều ven Quốc lộ 1A, mà cơ sở hạ tầng cũng ngày càng được nâng cao, các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Trong 2 năm 2003-2004, từ nguồn kinh phí 2,3 tỉ đồng của huyện, xã và nhân dân đóng góp, thị trấn Diêu Trì đã cơ bản hoàn thành bê tông hóa giao thông nông thôn ở các tuyến chính (có chiều rộng 3m trở lên) với tổng chiều dài gần 8 km. Công trình nước sạch phục vụ nhân dân thị trấn cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng… Ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thị trấn Diêu Trì có 290 ha đất sản xuất, trong đó có 217 ha lúa, còn lại là đất màu, đất vườn. Ngoài sản xuất lúa, bà con nông dân ở 2 thôn Luật Lễ, Diêu Trì còn trồng rau, cây kiểng, chăn nuôi (đàn trâu bò trên 800 con, đàn gia cầm trên 240.000 con) cho thu nhập khá. Kinh tế phát triển, giải quyết được việc làm, đời sống ổn định, các tệ nạn xã hội giảm mạnh, an ninh trật tự được giữ vững… cũng là điều kiện để thị trấn Diêu Trì vững bước đi lên.

* Hướng đến tương lai

Trong kế hoạch phát triển kinh tế của thị trấn, đến năm 2005, cơ cấu công - nông nghiệp sẽ là 70-30 và đến 2010 sẽ là 80-20. Trước thực tế phát triển của thị trấn Diêu Trì, con số này là hoàn toàn khả thi. Hiện nay, UBND thị trấn đang thực hiện một số dự án lớn nhằm tích cực thay đổi bộ mặt đô thị, mở hướng phát triển mới. Trong đó, dự án lớn nhất là việc di dời chợ Cây Da đến địa điểm mới, gần đường lên ga Diêu Trì, để chống ngập úng và tạo điều kiện cho nhân dân dễ giao lưu buôn bán, mở rộng thương mại, dịch vụ. Kinh phí đầu tư xây dựng chợ mới là 21 tỉ đồng (chưa kể kinh phí giải tỏa, đền bù) theo phương thức "đổi đất lấy công trình". Dự án tổng thể đã được UBND tỉnh phê duyệt, hiện đang làm dự án chi tiết. Vị trí khu chợ cũ sẽ trở thành công viên cây xanh, phục vụ nhân dân vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, Sở TM-DL cũng đang làm dự án quy hoạch 5 ha tại Diêu Trì để xây dựng khu chợ đầu mối của tỉnh. Trong thời điểm này, Công ty cổ phần Hà Thanh ở địa phương đang san ủi mặt bằng rộng 2 ha gần sông Hà Thanh để xây dựng khu văn hóa - thể thao gồm bể bơi, nhà thi đấu, các công trình phụ trợ với kinh phí đầu tư gần 8 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2005. Có thể nói, đây là công trình văn hóa thể thao đầu tiên ở Bình Định do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng và khai thác. UBND thị trấn cũng đang trình UBND tỉnh phê duyệt dự án khu dân cư đa chức năng, rộng khoảng 2 ha ở thôn Diêu Trì; đồng thời đang quy hoạch mở rộng khu đô thị về phía nam khoảng 10 ha…

Tuy cũng còn nhiều khó khăn, thử thách, song có thể nói là "đường lên đã mở", thị trấn Diêu Trì đang vươn lên trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của huyện Tuy Phước, xứng đáng là đô thị vệ tinh của thành phố Quy Nhơn.

. Thúy Vi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng nghề sản xuất gạch ngói Hóc Bợm: Vẫn còn khó khăn về nhiều mặt   (30/09/2004)
Nghề nuôi cá chua ở Nhơn Hội   (29/09/2004)
Phù Cát: Cát Tiến chuyển mình  (29/09/2004)
Xe khách chất lượng cao được tín nhiệm   (28/09/2004)
Ân Hảo: Nghề tằm tang đang trở lại   (28/09/2004)
Nạp tiền vào tài khoản - Một tiện ích mới cho khách hàng VinaPhone và MobiFone   (27/09/2004)
Tuy Phước: Khi nông dân thi đua sản xuất giỏi   (27/09/2004)
Thi công các khu tái định cư tránh lũ ở Ân Hảo: Ách tắc từ nhiều phía  (26/09/2004)
Lung linh "mắt biển" Nhơn Châu   (24/09/2004)
Vân Canh: Khi cơn hạn đi qua   (23/09/2004)
Nhơn Châu và nỗi lo mùa mưa bão   (23/09/2004)
Liên kết, liên doanh ở các HTXNN: Vẫn còn nhiều vướng mắc   (22/09/2004)
Người góp phần phát triển làng rượu Bầu Đá   (22/09/2004)
Nuôi tôm he chân trắng trên cát ở Phù Mỹ: Từ cảnh báo đến những thiệt hại   (21/09/2004)
Thị trường bánh trung thu đã khởi động  (21/09/2004)