Hoạt động xuất khẩu: Còn nhiều thách thức
14:54', 4/1/ 2005 (GMT+7)

Trong những năm qua, Bình Định đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu và đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Song, để hoạt động xuất khẩu ổn định và phát triển thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

* Thuận lợi

Một góc phân xưởng chế biến hàng đông lạnh xuất khẩu của Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn

Năm 2004, mặc dù kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhiều nước áp dụng các rào cản "kỹ thuật" đối với hàng nhập khẩu... nhưng xuất khẩu hàng hóa của Bình Định vẫn có tốc độ tăng trưởng cao. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 190 triệu USD, tăng 37% so với năm 2003. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước ước đạt 78,4 triệu USD, tăng 16,8%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 104,5 triệu USD, tăng 60,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 7,2 triệu USD, tăng 10,8%. Thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đến nay, Bình Định đã có quan hệ buôn bán với 66 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm châu Âu - 29 nước, châu Á - 19 nước, châu Mỹ - 9 nước, châu Đại Dương- 6 nước và châu Phi - 3 nước.

Xác định phát triển xuất khẩu để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa tiếp cận với công nghệ mới và mở rộng năng lực sản xuất, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế... trong những năm qua, Bình Định đã phát triển theo hướng đa dạng hóa loại hình doanh nghiệp và thành phần kinh tế hoạt động xuất khẩu. Đã có hơn 80 doanh nghiệp, phần lớn là của tỉnh, tham gia hoạt động xuất khẩu hàng hóa, trong đó có 60 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Các loại hình và thành phần kinh tế phát triển đa dạng và bình đẳng, bước đầu đã phát huy tốt nội lực, lợi thế so sánh và tiềm năng của một số ngành hàng xuất khẩu, chủ động hội nhập phù hợp với yêu cầu và khả năng của tỉnh. Từ chủ trương này, Bình Định đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Bình Định mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ mà Bình Định có lợi thế và khả năng cạnh tranh, như sản phẩm gỗ, thủy sản, nông sản, giày dép...

* Hạn chế

Có thể thấy rằng, do trình độ kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, nên hiệu quả và sức cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu chưa có chuyển biến đáng kể dù kim ngạch xuất khẩu có tăng. Các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu ở Bình Định hầu hết chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, một số nguyên liệu phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu. Một số ngành hàng, doanh nghiệp chưa tích cực, chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, còn tư tưởng ỷ lại và trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước. Sự hiểu biết về thị trường thế giới, những định chế cơ bản của thông lệ quốc tế và các cam kết song phương, đa phương của Nhà nước Việt Nam với các nước, cũng như trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Các lĩnh vực dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thương mại nói chung, xuất khẩu nói riêng, phát triển chậm...

Với những hạn chế, yếu kém nói trên, năm 2005, hoạt động xuất khẩu sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa thể lường hết.

* Một số giải pháp

Để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và bền vững, Bình Định còn nhiều việc phải làm, nhưng trước hết cần tập trung vào một số nhiệm vụ hết sức cấp thiết như sau:

- Rà soát công tác quy hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, điều chỉnh một số chính sách hợp lý; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, các chương trình mục tiêu có trọng điểm, tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu phù hợp với nhu cầu thị trường.

- Tạo chuyển biến thực sự về sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ để có thể đứng vững và phát triển thị phần xuất khẩu. Các doanh nghiệp phải tăng cường sự liên kết, phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng trong quá trình tiếp thị, phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng mạng lưới bán hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

- Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm đang có thị trường như: sản phẩm gỗ, nông sản, thủy sản, may mặc, giày dép; tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, địa phương với các doanh nghiệp trong việc giải quyết những vấn đề có liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, xuất khẩu...

. Nguyễn Đình Thứ

(Phó giám đốc Sở TM-DL)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm gì để phục hồi nghề nuôi tôm ?  (04/01/2005)
Loay hoay… nuôi cừu trên núi   (04/01/2005)
Năm mới - mục tiêu mới và giải pháp mới!   (03/01/2005)
Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế Bình Định trong năm 2005  (02/01/2005)
Cà Bưng từng bước đổi thay   (31/12/2004)
Tái diễn "cuộc chiến" mía đường  (31/12/2004)
Thị trường điện thoại di động sôi động những cuộc đua  (30/12/2004)
Vân Canh: Nước về làng xa   (30/12/2004)
Chế biến lâm sản xuất khẩu: Bước tăng trưởng mạnh mẽ  (29/12/2004)
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát: Thắt chặt công tác phòng chống dịch  (29/12/2004)
Chuyện làm giàu của một cựu chiến binh   (28/12/2004)
Vân Canh: Đối mặt với hạn  (28/12/2004)
Màu xanh của một trang trại   (27/12/2004)
Bình Định đăng ký tham gia CLB 1.000 tỉ là có cơ sở   (27/12/2004)
Đăng ký thương hiệu cho nem chua Chợ Huyện - đừng để mất bò mới lo làm chuồng  (26/12/2004)