Nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích và thu hút đầu tư của tỉnh, sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN), nền công nghiệp tỉnh nhà đã từng bước ổn định và phát triển. Nhiều sản phẩm công nghiệp đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.
* Tiền đề phát triển
|
Sản phẩm cống bê tông ly tâm của Công ty cổ phần Xây lắp An Nhơn được tiêu thụ mạnh trên thị trường |
10 năm về trước, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt mức rất thấp - 148,1 tỉ đồng. Vì vậy, phương châm của ngành công nghiệp tỉnh nhà là phải: Tăng cường đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, được thị trường chấp nhận. Đầu năm 1996, Xí nghiệp gạch tuynen, công suất 20 triệu viên/năm đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Tiếp đến là Liên doanh khai thác khoáng sản Bình Định Việt Nam - Malaysia (Bimal); rồi nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp lớn của tỉnh như: nhà máy bia, nhà máy đường, nhà máy sữa… đã lần lượt ra đời. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 200 đơn vị sản xuất công nghiệp có quy mô lớn và hàng ngàn cơ sở sản xuất nhỏ. Đặc biệt là sự ra đời và phát triển của các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã thu hút nhiều DN đầu tư sản xuất. KCN Phú Tài ra đời năm 1998 và ngay lập tức trở thành "cực" hút các DN nhờ nhiều điều kiện thuận lợi và có cơ chế thông thoáng, hấp dẫn.
Đến nay, ngoài các KCN, toàn tỉnh đã xây dựng được 4 CCN, thu hút 174 cơ sở đầu tư sản xuất. Tiêu biểu nhất là CCN Gò Đá Trắng (An Nhơn), với diện tích gần 17 ha, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, có 52 DN đầu tư, trong đó 30 DN đã đi vào sản xuất, năm 2004 đạt giá trị sản xuất 48 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động. CCN Quang Trung (Quy Nhơn) cũng được lấp đầy với 32 DN đăng ký, trong đó có 20 DN đi vào sản xuất…
* Triển vọng mới
KCN Phú Tài hiện có 70 DN đi vào sản xuất và hơn 40 DN đã đăng ký đầu tư; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2004 đạt 840 tỉ đồng, chiếm 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. KCN Long Mỹ, hiện có 18 DN đăng ký thuê đất, trong đó có 2 DN đã đi vào hoạt động. Theo quy hoạch đến năm 2010 toàn tỉnh có 5 KCN với tổng diện tích 2.088 ha và 33 CCN ở 10 huyện và thành phố với diện tích 671 ha. |
Năm 2004 tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 2.800 tỉ đồng, tăng 20,3% so với năm 2003 và chiếm 26,3% trong GDP toàn tỉnh. Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công nghiệp, cho biết: "Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư tìm đến Bình Định để đầu tư sản xuất, nhưng mặt bằng không đáp ứng đủ. Bởi vậy, tỉnh đang tiến hành quy hoạch và mở rộng thêm các KCN, CCN để đáp ứng nhu cầu này. Hiện tỉnh đã hoàn thành quy hoạch tổng thể các khu, CCN đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020". Ông Nguyễn Đức Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt, cho biết: "Hiện nay đơn vị chúng tôi có nhiều đơn đặt hàng nhưng năng lực sản xuất không đáp ứng đủ. Bởi vậy, chúng tôi đã xây dựng phương án mở rộng sản xuất và đang chờ cấp đất để triển khai". Ông Nguyễn Mậu Thân, chủ một cơ sở sản xuất nhôm ở Bằng Châu (Đập Đá), khẳng định: "Chỉ có sản xuất ở khu tập trung thì mới có đủ diện tích mặt bằng để đầu tư công nghệ, lao động và làm ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Hiện nay tôi đang chuẩn bị xin chuyển cơ sở của mình vào CCN Gò Đá Trắng để có điều kiện phát triển sản xuất, đồng thời giảm thiểu tối đa tác động xấu tới môi trường, cảnh quan nông thôn".
Ngoài ra, các dự án dài hơi khác cũng chuẩn bị xúc tiến hoặc đang chọn đối tác thực hiện. Hiện đã có nhiều nhà máy đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị chuẩn bị đưa vào sản xuất như: Nhà máy phân bón NPK công suất 50.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất cồn rượu công suất 9 triệu lít/năm; xưởng sản xuất kháng sinh đông khô công suất hơn 11 triệu lọ/năm; nhà máy cán kéo thép công suất 30.000 tấn/năm. Một số nhà máy khác cũng đang được khẩn trương thi công xây dựng, như: nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu công suất 15.000 tấn/năm; nhà máy chế biến hoa quả công suất 5.000 tấn/năm…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh gặp khó khăn đầu ra, như giày dép, bia, thức ăn gia súc… Công tác giải phóng mặt bằng giao đất cho các DN đầu tư xây dựng còn chậm. Việc tổ chức thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ trong quản lý sản xuất kinh doanh, đổi mới thiết bị công nghệ chưa được các DN quan tâm đúng mức…
Khắc phục được những hạn chế nêu trên, phát huy tốt những kết quả đã đạt được, ngành Công nghiệp Bình Định mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 23% trong năm 2005 này.
. Ngọc Thái |