Thực hiện chương trình XĐGN ở các xã ĐBKK: Những kết quả khả quan
10:44', 6/1/ 2005 (GMT+7)

Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) là một trong những chương trình công tác lớn của Bình Định, được thực hiện trên bình diện cả tỉnh, tuy nhiên đối với những xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thì chương trình này được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Kết quả của việc thực hiện chương trình thời gian qua là rất quan trọng, góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống của bà con nơi đây, dù vẫn chưa hết những khó khăn, bức xúc.

Cầu An Hưng (An Lão) được xây dựng kiên cố (dài gần 100m, rộng 5m, trọng tải 13 tấn) đã tạo thuận lợi phát triển đời sống, kinh tế trong vùng

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH trong 4 năm (2001-2004) toàn tỉnh đã đầu tư 342 tỉ đồng để xây dựng 619 công trình cơ sở hạ tầng cho các xã ĐBKK. Trong đó năm 2001 đầu tư 92,2 tỉ đồng cho 90 dự án; năm 2002: 87 tỉ đồng cho 157 dự án; năm 2003: 79,5 tỉ đồng cho 149 dự án; và năm 2004: 83,3 tỉ đồng cho 223 dự án.

Nhờ sự đầu tư tập trung đó cùng với việc lồng ghép nhiều chương trình khác đến nay các xã ĐBKK của tỉnh cơ bản đã có đủ các công trình hạ tầng thiết yếu như: điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân, phục vụ sản xuất, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông đi lại, trao đổi hàng hóa, nâng cao hiệu suất tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đến nay tất cả các xã ĐBKK đều có trạm y tế được xây dựng kiên cố; có y, bác sĩ điều trị tại trạm nên chất lượng khám - chữa bệnh được cải thiện một bước. Từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh đã cấp thẻ BHYT cho 419.246 lượt người nghèo (trong đó các xã ĐBKK cấp 100% cho nhân dân) với tổng số tiền là 19,762 tỉ đồng. Đồng thời đã khám chữa bệnh miễn phí cho 295.424 lượt người với tổng chi phí là: 12,622 tỉ đồng.

Theo Quyết định số 84/2001/QĐ-UB ngày 5-9-2001 của UBND tỉnh về việc cho vay vốn XĐGN của tỉnh; thì hộ nghèo thuộc diện chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở các xã ĐBKK được vay vốn với lãi suất ưu đãi thấp hơn mức lãi suất của hộ nghèo khác và của Trung ương (0,3%/tháng); với mức vay đến 5 triệu đồng/hộ và thời gian cho vay tối đa là 5 năm; riêng các loại cây lâu năm là 6 năm.

Ngoài việc thực hiện chế đôï tín dụng ưu đãi, tỉnh còn có các chính sách khác hỗ trợ cho chương trình XĐGN ở các xã ĐBKK như cấp giống cây, con; lai tạo đàn bò; cung cấp máy phát điện và dầu cho những nơi không kéo được điện lưới; thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho con em hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách trợ cước trợ giá; chính sách định canh định cư, di dân kinh tế mới; chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp... Những chính sách đó đã tác động tích cực đến hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi nâng cao đời sống cho nhân dân nên tỉ lệ hộ nghèo ở các xã ĐBKK hàng năm đều giảm.

Thực hiện chương trình xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo, trong 2 năm 2002-2003, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho 1.308 hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng lại nhà ở với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/nhà (tổng kinh phí hỗ trợ là 3.924 triệu đồng). Ngoài ra, một số địa phương tiết kiệm chi ngân sách hỗ trợ thêm từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/hộ, đồng thời huy động sự giúp đỡ của cộng đồng và thân nhân nên đã xây dựng nhiều ngôi nhà khang trang hơn so với dự kiến. Đến nay 31 xã ĐBKK đã cơ bản giải quyết xong việc hỗ trợ nhà ở đơn sơ cho hộ nghèo, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.

Ngoài sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, tỉnh đã phân công 62 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trợ giúp các xã ĐBKK. Tính đến hết tháng 6-2004 đã có 56 DN trợ giúp cho 29 xã với tổng số tiền 1,61 tỉ đồng. Sự giúp đỡ của các DN chủ yếu là xây dựng công trình giao thông, trường học, trạm y tế, đào giếng nước, xây dựng thủy lợi nhỏ, kéo đường điện sinh hoạt vào nhà các hộ nghèo...

Tuy nhiên, nhìn chung hiệu quả của chương trình XĐGN ở các xã ĐBKK là chưa bền vững và vẫn còn nhiều yếu kém, tồn tại. Một số dự án thực hiện từ chương trình này ít hiệu quả, gây lãng phí. Theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số xã và làng có đồng bào dân tộc thiểu số đang trong tình trạng thiếu đất sản xuất nên khó tạo dựng một cuộc sống ổn định lâu dài. Một vài xã đường sá đi lại còn khó khăn. Một số DN chưa thật sự nhiệt tình giúp đỡ các xã ĐBKK đúng với khả năng của mình; một số DN chỉ giúp một lần coi như xong nhiệm vụ, không có kế hoạch trợ giúp tiếp.

Chương trình XĐGN ở các xã ĐBKK vẫn đang tiếp tục. Nhìn lại kết quả một chặng đường qua chỉ là để rút kinh nghiệm làm tốt hơn trong thời gian tới. Cái đích cuối cùng vẫn còn ở phía trước.

. Minh Hiếu

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công nghiệp Bình Định: Với mục tiêu tăng trưởng 23%  (05/01/2005)
Hoạt động xuất khẩu: Còn nhiều thách thức   (04/01/2005)
Làm gì để phục hồi nghề nuôi tôm ?  (04/01/2005)
Loay hoay… nuôi cừu trên núi   (04/01/2005)
Năm mới - mục tiêu mới và giải pháp mới!   (03/01/2005)
Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế Bình Định trong năm 2005  (02/01/2005)
Cà Bưng từng bước đổi thay   (31/12/2004)
Tái diễn "cuộc chiến" mía đường  (31/12/2004)
Thị trường điện thoại di động sôi động những cuộc đua  (30/12/2004)
Vân Canh: Nước về làng xa   (30/12/2004)
Chế biến lâm sản xuất khẩu: Bước tăng trưởng mạnh mẽ  (29/12/2004)
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát: Thắt chặt công tác phòng chống dịch  (29/12/2004)
Chuyện làm giàu của một cựu chiến binh   (28/12/2004)
Vân Canh: Đối mặt với hạn  (28/12/2004)
Màu xanh của một trang trại   (27/12/2004)