Nông dân Vân Canh lạt lòng với cây mía
10:50', 6/1/ 2005 (GMT+7)

Phần lớn diện tích mía ở Vân Canh đều thiếu nước tưới nên khó đầu tư thâm canh. Năng suất mía thấp dẫn đến thu nhập từ nghề trồng mía trong vài năm gần đây cũng giảm dần. Vì thế nông dân ở huyện này đã chuyển đất trồng mía sang trồng các loại cây trồng khác ngày càng nhiều.

Nông dân xã Canh Thuận thu hoạch mía

Năm 2001, Vân Canh có trên 1.700 ha mía thì nay chỉ còn chừng 900 ha. Phần lớn diện tích mía ở Vân Canh trồng trên đồi gò, nước tưới rất hạn chế, nên năng suất, chất lượng mía không cao. Trong mấy năm gần đây chi phí sản xuất (phân bón, tiền công vận chuyển, làm cỏ…) lại tăng đều nên hiệu quả sản xuất cứ thế giảm dần. Vì thế, nông dân đành bỏ mía để chuyển sang trồng giống cây khác.

Vụ mía 2004-2005, do nắng hạn, mía sinh trưởng và phát triển kém, năng suất bình quân chỉ đạt từ 30-35 tấn mía/ha. Theo tính toán của bà con nông dân: bình quân 1 sào mía năng suất đạt 2 tấn, sau 1 năm chăm sóc chỉ thu được 480.000 đồng, trừ tiền giống, phân bón, công làm đất… chỉ còn lãi khoảng trên 100.000 đồng. Ông Lê Văn Đen ở thôn Canh Tân, xã Canh Thuận cho biết: "Năm nào mưa thuận gió hòa, cây mía phát triển tốt thì còn có lãi chút đỉnh, nếu gặp thời tiết dở nắng dở mưa thì cả làng cùng buồn. Mình đã chuyển 1 ha mía sang trồng mì rồi". Ông Nguyễn Cảnh Ngay, một nông dân ở thị trấn Vân Canh, cho biết: "Năm trước tôi trồng 1,3 ha mía, thu hoạch được trên 40 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi 2 triệu đồng. Năm nay, tôi không trồng mía mà cho một số hộ dân ở Tuy Phước thuê đất để trồng dưa trong thời gian 3 tháng, họ trả tiền thuê đất gọn một lần 3 triệu đồng/ha. Thời gian cho thuê ngắn hơn thời gian canh tác, mình lại thu được một số tiền khá lớn để đầu tư sang trồng thứ cây khác. Làm như thế vừa chắc ăn vừa ổn định hơn".

Những người đã từng bỏ công đi vận động nông dân trồng mía nghe chuyện này chắc không thể vui. Nhưng trên thực tế với cách cho thuê một phần đất kết hợp chuyển hướng sang trồng loại cây khác (bắp, rau các loại, mì…) thay vì mía đã hấp dẫn nông dân do hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân không còn mặn mà với cây mía còn do thời gian qua, Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) chưa thu mua nguyên liệu mía kịp thời. Cái điều tưởng như là... chuyện bịa giữa mùa cạnh tranh thu mua nguyên liệu này tiếc thay lại là điều có thực ở vùng trọng điểm nguyên liệu mía Vân Canh. Phần lớn diện tích mía ở Vân Canh không thể rải vụ, bà con xuống giống cùng một lúc, thu hoạch đồng loạt nên khi muốn bán mía nhanh để tái sản xuất bà con phải đợi khá lâu. "No dồn, đói góp" như thế nên có nhiều vụ mía, nông dân đốn mía xong nhưng BISUCO không thể mua kịp. Nông dân có cái lý của nông dân, công ty có lý của mình. Hai cái lý đều có chỗ đúng riêng, nhưng không gặp nhau nên chuyện nông dân lạt lòng với cây mía cũng dễ hiểu.

Ông Nguyễn Văn Sơn, ở thôn Canh Tân, xã Canh Thuận, cho biết: "Những năm trước, nông dân trong huyện thành lập câu lạc bộ người trồng mía để hỗ trợ kỹ thuật và giúp nhau tiêu thụ mía hợp lý. Nhưng nay, nhiều hộ đã chuyển sang trồng mì. Không còn ai nhắc đến các câu lạc bộ người trồng mía nữa". Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Đào, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Vân Canh cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp với BISUCO quy hoạch vùng tác động để nguyên liệu mía thâm canh. BISUCO nâng giá thu mua mía và tạo nhiều điều kiện thuận lợi khác cho nông dân để phấn đấu trong năm 2005 nâng diện tích mía trong huyện lên 1.000 ha. Nhưng giờ phải nói thật là rất khó, bởi ở Vân Canh, đến nước uống còn thiếu nữa là nước tưới để thâm canh mía".

Quả thật, ngay trong vụ trồng mía đầu năm 2005, thêm hơn 100 ha đất trồng mía đã được cày tung lên để trồng loại cây khác, hoặc cho nông dân ở các địa phương khác thuê để trồng dưa hấu… Một cán bộ ở UBND huyện Vân Canh phân tích: "Thật ra không khó giải thích lắm đâu. Dù nông dân đã nhận hỗ trợ vốn, giống, đã học kỹ thuật nhưng khi đã lỗ vốn là họ dứt áo liền. Trăm sự cũng là do thiếu nước tưới. Nói cho hung nhưng không có hồ chứa nước, không công trình thủy lợi thì cũng như không. Mà ở Vân Canh thì đã có cái hồ nào cho ra hồn đâu?".

Vì vậy, điều có thể thấy trước là kế hoạch nâng diện tích mía mà huyện Vân Canh và ngành Nông nghiệp cũng như BISUCO đã xây dựng khó có thể thực hiện được.

. Phạm Tiến Sỹ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thực hiện chương trình XĐGN ở các xã ĐBKK: Những kết quả khả quan  (06/01/2005)
Công nghiệp Bình Định: Với mục tiêu tăng trưởng 23%  (05/01/2005)
Hoạt động xuất khẩu: Còn nhiều thách thức   (04/01/2005)
Làm gì để phục hồi nghề nuôi tôm ?  (04/01/2005)
Loay hoay… nuôi cừu trên núi   (04/01/2005)
Năm mới - mục tiêu mới và giải pháp mới!   (03/01/2005)
Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế Bình Định trong năm 2005  (02/01/2005)
Cà Bưng từng bước đổi thay   (31/12/2004)
Tái diễn "cuộc chiến" mía đường  (31/12/2004)
Thị trường điện thoại di động sôi động những cuộc đua  (30/12/2004)
Vân Canh: Nước về làng xa   (30/12/2004)
Chế biến lâm sản xuất khẩu: Bước tăng trưởng mạnh mẽ  (29/12/2004)
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát: Thắt chặt công tác phòng chống dịch  (29/12/2004)
Chuyện làm giàu của một cựu chiến binh   (28/12/2004)
Vân Canh: Đối mặt với hạn  (28/12/2004)