Kiến trúc Quy Nhơn: Nhìn qua những công trình
11:14', 7/1/ 2005 (GMT+7)

Cùng với sự phát triển không gian đô thị là sự đổi thay của kiến trúc ngay trong từng công trình. Đi vào mỗi công trình, sẽ nhìn nhận một cách chân xác hơn diện mạo kiến trúc Quy Nhơn hiện tại…

* Từ nhà dân...

 

Đường Trường Chinh ở Quy Nhơn

Mươi năm trở lại đây, bộ mặt các khu phố ở Quy Nhơn đã có sự thay đổi nhanh chóng. Bên những con đường mới được phóng tuyến, những khu dân cư mới được mọc lên là sự phong phú, đa dạng của nhà dân tự xây. Đây là loại công trình vận dụng nhiều loại chất liệu mới, nhiều dáng vẻ kiến trúc khác nhau. Chỉ tính đơn giản về số lượng không thôi, nhà dân đóng góp rất nhiều vào diện mạo đô thị.

Một nét mới là nếu trước đây, nhà dân khi xây dựng rất ít thấy vai trò của kiến trúc sư (KTS), mô hình ngôi nhà chủ yếu vẫn là cóp nhặt. Để được cấp giấy phép xây dựng, người ta chỉ phải bỏ ra vài trăm ngàn mua một bản thiết kế làm sẵn để đối phó. Gần đây, một số nhà dân bắt đầu có dấu ấn của KTS. Đã bắt đầu xuất hiện những ngôi nhà có tìm tòi trong đường nét kiến trúc, có nét độc đáo và dấu ấn chủ nhân. Tuy nhiên, số này chưa phải nhiều. Đáng chú ý là những xu hướng chạy theo thời thượng vẫn còn trong tâm lý người dân. Chẳng hạn, xu hướng sơn mặt tiền hiện nay. Vài công trình đầu tiên thì thấy cũng hay hay, nhưng rồi khi đã thành một xu thế thời thượng: nhà nhà đều sơn, dùng những màu sắc chẳng mấy ăn nhập với nhau, rồi dùng kính mặt tiền, chưa hẳn là phù hợp với khí hậu địa phương.

Công bằng mà nói, không ít ngôi nhà dân hiện nay là đẹp. Đẹp nếu đứng tách riêng ra từng công trình, nhưng khi nhìn tổng thể dãy phố, mỗi ngôi nhà một kiểu khác nhau, dùng những màu sơn sặc sỡ khác nhau, cao thấp khác nhau nên vẫn thiếu đồng bộ. Ngoài nguyên nhân đến từ ý thức người dân như trên, không thể phủ nhận một điều là bản thân các KTS cũng ít lưu tâm đến lĩnh vực này.

* ... đến công sở

Trụ sở Sacombank Quy Nhơn

Trước đây, công sở chưa có công trình kiến trúc lớn mà chỉ mang tính chất của trụ sở hành chính đơn thuần. Một số công trình lớn mới xây dựng nhưng nhìn chung kiến trúc vẫn ở mức tầm tầm. Gần đây, thấy xuất hiện một vài công trình có đóng góp vào đường nét kiến trúc chung như Life resort, Hoàng Anh resort, trụ sở Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Quy Nhơn-  (Sacombank  Quy Nhơn).

Một trong nhiều nguyên nhân làm công sở không tạo được điểm nhấn là việc xây dựng công trình khá manh mún vì quỹ đất đô thị quá hạn chế. Thay vì những liên cơ quy mô để có những công trình lớn thì mỗi trụ sở lại "chiếm" một mảnh đất, không có diện tích phụ trợ cần thiết để tạo dáng bên ngoài. Có những công trình, nếu đem ra các thị trấn xây dựng thì cũng vậy; ngược lại, những công trình phố huyện nếu đem vào thành phố Quy Nhơn thì cũng chẳng sao. Đó là chưa kể, trụ sở các UBND xã, phường, thị trấn, cái nào cũng giống cái nào, cái nào cũng một kiểu, bất kể miền xuôi hay miền ngược. Nghĩa là xét về thiết kế công trình, chưa có sự phân biệt trong giới kiến trúc; về phía quản lý đô thị vẫn còn khập khiễng.   

* Và các khu công nghiệp

Ngoài Khu công nghiệp (KCN) Phú Tài và KCN Long Mỹ, trong tương lai, Quy Nhơn sẽ có thêm nhiều khu, cụm công nghiệp khác. Và như vậy, tất yếu cảnh quan và kiến trúc KCN sẽ là một phần của dáng nét đô thị Quy Nhơn trong tương lai. Tuy nhiên, việc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan môi trường KCN lại chưa được quan tâm.

Hãy nhìn từ KCN Phú Tài. Nhà máy và doanh nghiệp xây dựng không theo một chuẩn nào, hàng rào cái thấp, cái cao. Có doanh nghiệp còn trang trí mặt tiền, tường rào, nhà xưởng bằng những chi tiết rất hoa hòe. Nhìn vào đó, chẳng thấy đâu là tính "hoành tráng, hiện đại" như tiêu chí kiến trúc công trình sản xuất.

Thời gian qua, chúng ta chỉ mới dừng lại ở công việc quy hoạch, xây dựng xong cơ sở hạ tầng KCN, còn việc kiến trúc, xây dựng các công trình nhà xưởng là của các doanh nghiệp. Bởi thế, KCN Phú Tài giống như một số nhà máy đứng lại với nhau. Và chính trong những công trình sản xuất này lại là nơi hiện hữu rõ nhất của chủ nghĩa hình thức trong nghệ thuật kiến trúc. Cảnh quan không gian cũng chưa được các nhà chuyên môn cũng như quản lý quan tâm đúng mức. Hệ quả là các KCN dù là một bộ phận quan trọng của đô thị nhưng hầu như không có ấn tượng nổi bật trong không gian đô thị.

Rõ ràng, quy hoạch không phải là một cây đũa thần nếu bên cạnh quy hoạch mà thiếu đi sự tự ý thức của mỗi người dân và sự tham gia tích cực hơn của các cơ quan quản lý đô thị. 

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Loại bỏ xe ô tô quá "đát": Hoạt động vận tải ở Bình Định vẫn ổn định  (07/01/2005)
Nông dân Vân Canh lạt lòng với cây mía  (06/01/2005)
Thực hiện chương trình XĐGN ở các xã ĐBKK: Những kết quả khả quan  (06/01/2005)
Công nghiệp Bình Định: Với mục tiêu tăng trưởng 23%  (05/01/2005)
Hoạt động xuất khẩu: Còn nhiều thách thức   (04/01/2005)
Làm gì để phục hồi nghề nuôi tôm ?  (04/01/2005)
Loay hoay… nuôi cừu trên núi   (04/01/2005)
Năm mới - mục tiêu mới và giải pháp mới!   (03/01/2005)
Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế Bình Định trong năm 2005  (02/01/2005)
Cà Bưng từng bước đổi thay   (31/12/2004)
Tái diễn "cuộc chiến" mía đường  (31/12/2004)
Thị trường điện thoại di động sôi động những cuộc đua  (30/12/2004)
Vân Canh: Nước về làng xa   (30/12/2004)
Chế biến lâm sản xuất khẩu: Bước tăng trưởng mạnh mẽ  (29/12/2004)
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát: Thắt chặt công tác phòng chống dịch  (29/12/2004)