Làm giàu từ nghề cung ứng cây giống
10:50', 9/1/ 2005 (GMT+7)

"Nhà nước xóa bỏ cơ chế bao cấp, nhiệm vụ của cơ quan mỗi ngày một nặng nề hơn, mình lại chưa có bằng cấp, ở lại sẽ là một gánh nặng cho tập thể". Đó là lời tâm sự của ông Đinh Văn Bình, chủ Cơ sở hoa viên Đinh Bình (Tuy Phước) - nguyên là công nhân kỹ thuật của Xí nghiệp Giống lâm nghiệp Vùng Nam Trung bộ. Tôi có cảm tình với ông ngay từ sự mở đầu rất cởi mở này.

Ông Bình giới thiệu giống mây nếp

Về, nhưng không có nghĩa là nghỉ ngơi vì sau lưng ông còn có cả một gánh nặng gia đình. Để có nguồn thu nhập, sau đó ông đã phải trải qua rất nhiều công việc mà không phải là sở trường của mình: làm bảo vệ cho các doanh nghiệp, làm thuê bất cứ công việc gì... Những tháng ngày lận đận ấy đã giúp ông "ngộ ra" và quay lại với nghề của chính mình. Nhưng làm cây giống ra biết bán cho ai, rồi vốn liếng để xây dựng vườn ươm cũng không có? Nhưng cái khó ló cái khôn. Ông bắt đầu từ quy mô hộ gia đình để phục vụ cho phong trào trồng cây nhân dân. Một người rồi năm - bảy người tìm đến với vườn cây giống của ông. "Hữu xạ tự nhiên hương" - uy tín về cung cấp cây giống lâm nghiệp đảm bảo chất lượng của ông mỗi ngày một lan tỏa qua "con đường" lặng lẽ, kiên trì đó. Tuy nhiên, phải đợi đến đầu năm 1997, khi phong trào trồng cây bóng mát trong các trường học nở rộ, nghề sản xuất cây giống của ông mới thật sự để lại dấu ấn. Kế tiếp là phong trào trồng cây xanh ở các công sở, trồng cây xanh tạo cảnh quan đô thị và "sự kiện" nhiều lâm trường bị vỡ kế hoạch trồng rừng vì thiếu hụt cây giống... đã tạo cho cơ sở của ông thêm những bước đi vững chắc.

Song những kết quả đạt được bước đầu ấy vẫn không làm cho ông vừa lòng, khi mà trong tương lai sự cạnh tranh của nghề sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Muốn tồn tại bền vững không chỉ có kinh nghiệm là đủ mà cần phải có nhiều điều kiện khác, trước hết là chuyên môn. Vậy là trong 3 năm liền (2000-2002), mặc cho gánh nặng tuổi tác và vượt qua một chặng đường dài cách xa hàng trăm km, ông vẫn miệt mài làm người "học trò" của Trường trung học Lâm nghiệp Tây Nguyên (Gia Lai). Trò chuyện cùng tôi, ông khoe: "Mình đã lấy xong bằng tốt nghiệp trung học chuyên ngành lâm nghiệp rối đấy!". Điều đáng quý còn ở chỗ, người ta đi học thì tốn "cơm nhà, áo vợ" nhưng ông thì lại khác. Tranh thủ những lúc nghỉ ngơi sau giờ học, ông lặng lẽ đến các lâm trường để "móc nối" tìm công việc. Nhờ đó đã không những giúp cho ông có điều kiện củng cố thêm kiến thức vừa mới học, có thêm thu nhập để giải quyết bài toán học phí; mà còn mở ra một hướng đi mới trong chiến lược mở rộng thị trường của nghề trồng cây giống.

Không dừng lại ở cây giống lâm nghiệp, cây bóng mát; hơn một năm trở lại đây, trong chức năng đăng ký kinh doanh của cơ sở, ông đã bổ sung thêm nghề sản xuất cung cấp hoa viên. Rất có lý khi nghe ông giải thích: "Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu trang trí hoa viên cho các công sở, thậm chí cho các hộ gia đình sẽ ngày càng phát triển, nên nghề của tôi khó mà thất nghiệp".

Sự cần cù chịu khó, cộng thêm một chút năng động, nhạy bén trong cơ chế thị trường đã giúp ông thành công trong nghề sản xuất, cung cấp cây giống. Từ chỗ tay trắng, nghề không ra nghề, sau gần 10 năm hoạt động đến nay ông đã tạo dựng ra cơ sở sản xuất cây giống rộng hàng ha, không thiếu bất cứ một cây gì... Mỗi năm từ cơ sở của ông đã sản xuất và cung cấp ra thị trường từ 50.000 - 70.000 cây ăn quả các loại; 200.000 - 300.000 cây phục trồng rừng; và từ 500 - 1.000 mét vuông hoa mini..., doanh thu lên tới 400 - 500 triệu đồng. Toàn bộ số cây giống trước khi xuất vườn, đều được cơ quan có chức năng kiểm nghiệm chất lượng chặt chẽ. Đáng kể nữa là, không những tham gia đóng góp ngân sách nhà nước 15-20 triệu đồng/năm mà cơ sở của ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động trong vùng. Ngay trong đầu năm này, trong vườn cây giống của ông đã có thêm một giống cây mới đầy triển vọng. Đó là cây mây nếp - do chính ông du nhập từ Phú Yên, Thanh Hóa về nhân tạo thành công. Triển vọng vì nó đang "hút" các lâm trường ở Tây Nguyên để phục vụ cho chương trình làm giàu dưới tán rừng.

. Hưng Thịnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Xông" nhà tỉ phú ngư dân   (07/01/2005)
Kiến trúc Quy Nhơn: Nhìn qua những công trình   (07/01/2005)
Loại bỏ xe ô tô quá "đát": Hoạt động vận tải ở Bình Định vẫn ổn định  (07/01/2005)
Nông dân Vân Canh lạt lòng với cây mía  (06/01/2005)
Thực hiện chương trình XĐGN ở các xã ĐBKK: Những kết quả khả quan  (06/01/2005)
Công nghiệp Bình Định: Với mục tiêu tăng trưởng 23%  (05/01/2005)
Hoạt động xuất khẩu: Còn nhiều thách thức   (04/01/2005)
Làm gì để phục hồi nghề nuôi tôm ?  (04/01/2005)
Loay hoay… nuôi cừu trên núi   (04/01/2005)
Năm mới - mục tiêu mới và giải pháp mới!   (03/01/2005)
Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế Bình Định trong năm 2005  (02/01/2005)
Cà Bưng từng bước đổi thay   (31/12/2004)
Tái diễn "cuộc chiến" mía đường  (31/12/2004)
Thị trường điện thoại di động sôi động những cuộc đua  (30/12/2004)
Vân Canh: Nước về làng xa   (30/12/2004)