Quên đi quá khứ, chăm lo làm giàu
15:51', 10/1/ 2005 (GMT+7)

Đã hơn mười năm nay, nếu bạn có dịp về xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, hỏi thăm ai là người chăn nuôi giỏi, chắc hẳn không ít người mách bạn: Đó là anh Trần Quang Phúc ở thôn Đệ Đức 1.

Anh Phúc vào "nghề" chăn nuôi heo từ năm 1985-1986, khi anh ở mãn hạn tù trở về. Ngày mới trở về, anh tính bỏ làng xóm đi thật xa làm ăn để mọi người chung quanh không ai biết cái quá khứ "thằng tù" của mình. Nhưng cha mẹ anh đã già yếu, các em còn đang tuổi ăn học, anh có trách nhiệm nặng nề là làm trụ cột gia đình phụng dưỡng cha mẹ và nuôi các em ăn học đến nơi đến chốn, nên anh quyết định ở lại quê hương, cưới vợ và xây dựng sự nghiệp. Vả lại, anh xác định mình phải đứng lên ngay tại quê hương để cái quá khứ đáng buồn kia sớm được xóa đi trong tâm trí mọi người.

Quên nỗi buồn và sự mặc cảm, Phúc lao vào công việc. Tuy học được nghề mộc khi ở trại cải tạo Kim Sơn (Hoài Ân), nhưng Phúc lại chọn chăn nuôi heo làm nghề chính. Từ chỗ nuôi 5-10 con mấy năm đầu, dần dần anh nuôi nhiều hơn, cả heo nái, heo giống và heo thịt. Thời kỳ bao cấp mua thức ăn còn khó khăn, anh xoay trở làm dầu dừa để lấy phụ phẩm chăn nuôi. Mỗi năm anh chế biến đến mấy chục tấn dừa quả nên đàn heo tăng nhanh. Trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có hàng trăm heo đủ các hạng cân, hàng chục heo nái cung cấp đàn giống nền nạc cho nhân dân trong huyện, trong tỉnh phát triển chăn nuôi. Mỗi năm, anh bán ra thị trường trên dưới chục tấn heo (khoảng 150 con) chưa kể heo giống, heo nái giống, thu lãi 40-50 triệu đồng. Nhờ vậy, anh nuôi 2 đứa em ăn học đại học, trở thành bác sĩ và về làm việc ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn. Hai đứa con trai của anh cũng đang học lớp 10, lớp 11 tại trường THPT huyện nhà.

Năm 2001, Trần Quang Phúc lập Dự án nuôi heo nạc, theo phương hướng là Trại heo giống cấp 2. Anh vay vốn 140 triệu đồng từ Quĩ Đầu tư phát triển Bình Định để phát triển chăn nuôi. Sau 36 tháng, anh đã trả nợ sòng phẳng cả vốn lẫn lãi, có cơ sở chuồng trại, vốn liếng tiếp tục mở rộng chăn nuôi.

Năm 2004, anh đầu tư khoảng 400 triệu đồng cho chăn nuôi heo (riêng tiền thức ăn mỗi tháng hết 33 triệu đồng). 7 tháng đầu năm anh đã bán gần 17 tấn heo thịt. Năm 2005 này, anh tính bán 600 con heo, trong đó có 10 heo nái giống, 50 heo giống, còn lại toàn là heo thịt, thu lãi khoảng 100 triệu đồng, chưa kể 15 triệu tiền nuôi cá tra.

Chưa dừng lại ở đó, với đầu óc làm ăn lớn và đa dạng sản phẩm, anh còn đấu thầu gần 14 ha điều của HTX để kinh doanh điều và trồng dứa kết hợp nuôi heo. Anh thuê người chặt phát cỏ dại, thuê máy cày, cày xới 4 lượt đất và trồng dứa theo kỹ thuật phủ ni lông lên luống. Đến cuối năm 2004, anh đã trồng được gần 200.000 chồi dứa trong tổng số 350.000 chồi (khoảng 7 ha đất). Mỗi ngày anh giải quyết việc làm cho 10-15 lao động với mức thu nhập 20.000 đồng/ngày. Sắp tới, anh sẽ di chuyển trại heo vào rẫy dứa, xây dựng qui mô nuôi 1.000 con trong chuồng/ năm để cung cấp toàn heo nền nạc cho thị trường.

Hồi mới đi cải tạo về, có người đã "cắc cớ" hỏi Phúc: "Hình như anh bị đi cải tạo vì có ý định vượt biên phải không?". Phạm Quang Phúc không e dè, trả lời :"Không bao giờ tôi lại bỏ quê hương, đất nước này mà đi. Trong cuộc sống có những cái bất đồng hoặc va vấp thì rút kinh nghiệm. Mình phải tự đứng vững để làm giàu ngay tại quê hương mình chứ".

Trần Quang Phúc đã biết quên đi quá khứ, khép lại nỗi buồn và sự tự ti để vươn lên làm giàu bằng nghị lực và ý chí của mình. Với trang trại mới và dự định đang hình thành, anh còn nhiều "đất" để làm giàu cho chính gia đình mình và cho quê hương.

. Nguyễn Văn Chương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm giàu từ nghề cung ứng cây giống   (09/01/2005)
"Xông" nhà tỉ phú ngư dân   (09/01/2005)
Kiến trúc Quy Nhơn: Nhìn qua những công trình   (07/01/2005)
Loại bỏ xe ô tô quá "đát": Hoạt động vận tải ở Bình Định vẫn ổn định  (07/01/2005)
Nông dân Vân Canh lạt lòng với cây mía  (06/01/2005)
Thực hiện chương trình XĐGN ở các xã ĐBKK: Những kết quả khả quan  (06/01/2005)
Công nghiệp Bình Định: Với mục tiêu tăng trưởng 23%  (05/01/2005)
Hoạt động xuất khẩu: Còn nhiều thách thức   (04/01/2005)
Làm gì để phục hồi nghề nuôi tôm ?  (04/01/2005)
Loay hoay… nuôi cừu trên núi   (04/01/2005)
Năm mới - mục tiêu mới và giải pháp mới!   (03/01/2005)
Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế Bình Định trong năm 2005  (02/01/2005)
Cà Bưng từng bước đổi thay   (31/12/2004)
Tái diễn "cuộc chiến" mía đường  (31/12/2004)
Thị trường điện thoại di động sôi động những cuộc đua  (30/12/2004)