Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng quy trình kỹ thuật dẫn tới thiệt hại là chuyện đương nhiên. Nhưng làm đúng theo quy trình mà cũng bị "tiền mất, tật mang" thì không còn gì bức xúc hơn. Đó là trường hợp của các hộ nông dân ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. "Tai nạn" vừa xảy ra ngay trong vụ đông xuân này.
|
Ông Phi bên đám ruộng bị thuốc trừ cỏ... hại chết |
"Cũng tại tui ham thuốc mới nên mới sinh ra cớ sự như vầy" - giọng lão nông Phạm Ngọc Lân ở thôn An Dõng, xã Bình Thành, chùng xuống, khi dẫn chúng tôi ra tận bờ ruộng để mục sở thị 1,2 sào lúa của gia đình ông đang "gặp nạn". "Mấy vụ trước bà con tụi tui quen dùng các loại thuốc trừ cỏ SOFIT, SIRIUS rồi. Vụ này nghe mấy ông BVTV huyện khuyến cáo ZOSET 30SC là loại thuốc mới, giá rẻ nhưng lại dùng rất hiệu nghiệm nên tui muốn "phá rào" làm thử. Ai ngờ!". Cũng theo ông Lân, vì là thuốc mới nên ông đã thực hiện các thao tác rất cẩn thận, nhất nhất đều làm theo quy trình kỹ thuật hướng dẫn của nhà sản xuất, phun đi phun lại nhiều lần cho thấm đều thuốc, 3 ngày sau khi phun ông đưa nước vào ruộng ngay. Thế nhưng không hiểu sao, thuốc thì phun rồi mà cỏ vẫn cứ lên dày đặc. Ông Lân nhẩm tính với mật độ cỏ như hiện nay, ông phải tốn thêm tiền để trả cho 16 công lao động mới mong dọn sạch.
Cỏ không chết thì đã đành, nhưng lúa lại... chết vì thuốc trừ cỏ mới thật là bức xúc. "Đau" nhất là trường hợp của lão nông Văn Phi ở đội 5, thôn Kiên Ngãi. Cũng như ông Lân, nghe đại lý quảng cáo thuốc mới nên ông đã không ngần ngại dốc túi bỏ ra 44.000 đ để mua cùng một lúc 2 chai ZOSET về "thử nghiệm" cho gần 5 sào ruộng lúa của mình. Nào ngờ mấy ngày sau đó ra thăm ruộng, quả đúng là cỏ không lên thật nhưng có điều cả lúa cũng... "tịt" luôn. Biểu hiện đầu tiên là cây lúa quăn ngọn, cuốn lá. Ban đầu, ông Phi nghĩ rất có thể là do trời rét lạnh nên nấn ná chờ đợi không muốn làm phiền người bán thuốc. Nhưng càng đợi càng nóng ruột vì từng chòm lúa cứ lụn dần rồi đứng đó với số lượng lớn.
|
Trên đám ruộng của ông Phi, lúa chết để lại nhiều vùng loang lổ như vậy |
Đến sáng 8-1, khi chúng tôi có mặt vẫn còn kịp nhìn thấy lúa queo lại thành từng chỏm loang lổ, thành luống cục bộ trên toàn bộ các đám ruộng của gia đình ông Phi. Ước tính thiệt hại khoảng 20% diện tích. Đáng quan ngại hơn trên những chỗ có diện tích bị thiệt hại, hiện tượng lúa bị queo đầu lá không dừng lại mà có chiều hướng "ăn" lan dần ra. Bà Nguyễn Thị Lời - một đại lý bán thuốc ở địa phương - còn cho biết: "Không chỉ có thuốc mới ZOSET, hôm qua bà Huỳnh Thị Tư ở thôn An Dõng còn đến "mắng khéo" bà bán thuốc trừ cỏ loại PREFIT 300 EC cũng không hiệu nghiệm, cả 1 mẫu ruộng phun rồi cỏ vẫn cứ lên xanh rờn...".
Vì sao phun thuốc trừ cỏ, cỏ không chết mà lúa lại chết? Câu trả lời xin được nhường lại cho cơ quan có chức năng. Vấn đề cần phải làm rõ ở đây là thái độ thiếu trách nhiệm của Trạm BVTV huyện Tây Sơn. Ông Phi bức xúc cho biết: "Mấy ngày sau khi xảy ra tình trạng lúa chết, tui đã trực tiếp mang 2 vỏ chai thuốc ZOSET lên Trạm BVTV của huyện báo cáo và khẩn thiết đề nghị Trạm cử cán bộ kỹ thuật xuống hiện trường kiểm tra để xác định mức độ thiệt hại, nhưng họ không thèm xuống mà bảo tui về chịu khó xin lúa của các hộ khác dặm vào. Thiệt là thiếu trách nhiệm hết sức".
Một ngày sau khi ông Phi lên Trạm BVTV huyện báo cáo, chúng tôi cũng đã có buổi làm việc với ông Huỳnh Thanh Hải - Trưởng Trạm BVTV huyện, nhưng ông vẫn trả lời tỉnh queo: "Cho đến thời điểm này Trạm không hề nhận được một thông tin nào của nông dân phản ánh". Vì sao ông Hải có thái độ lạ lùng như vậy, phải chăng vì lý do theo như lời bà Lời: "Toàn bộ số thuốc có sự cố nói trên là do Trạm BVTV của huyện chở xuống bỏ cho bà tiêu thụ"?
. Hưng Thịnh |