Năm 2002, làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp - huyện Vĩnh Thạnh) được chọn để thí điểm triển khai Dự án thí điểm giao đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên cho 76 hộ với 300 ha rừng, thời hạn 50 năm. Ngày nhận sổ đỏ, người dân Hà Ri, khấp khởi vui mừng. Sau hai năm giờ lại nghe: "Mấy hộ tụi tui đang tính trả lại rừng cho Nhà nước".
* "Chúng tôi xin... trả lại rừng"
|
Để Hà Ri mãi xanh với những tán rừng |
Nghe hỏi chuyện về việc giao đất giao rừng, giọng Bok Đinh Krăng, già làng Hà Ri, chùng xuống: "Nhiều người làng đang tính trả lại rừng!".
"Chẳng là - Bok Đinh Krăng giải thích - Nhà nước giao cho tụi tui nhưng lại không cấm được dân các nơi khác đi chặt phá rừng. Bởi vậy, trên giấy tờ thì người dân được thu hái lâm sản phụ, được khai thác cây gãy đổ, cây sâu bệnh lấy đó làm nguồn thu nhập. Nhưng rồi có khai thác được gì đâu, vì chủ rừng chưa kịp khai thác thì đã có người "giúp" mất rồi. Vậy là tiền giao khoán bảo vệ rừng không có mà thu nhập từ rừng cũng không".
Anh Đinh Pong, một hộ nhận rừng khác cũng tâm sự: "Thật ra, cũng biết là rừng của mình ở chỗ đó, nhưng xa quá, mỗi lần lên thăm mất cả nửa buổi nên chỉ thỉnh thoảng mới lên được!".
* Thiếu sự hợp lực
Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp cho biết: "Lâm tặc vẫn lén lút xâm hại rừng từ phía Hoài Ân. Tuy chính quyền và kiểm lâm đã tích cực tuần tra bảo vệ nhưng do ở địa bàn giáp ranh nên rất khó". Bok Đinh Krăng khẳng định: "Làng này từ cả chục năm nay không còn người phá rừng làm rẫy trái phép, không có ai vào rừng chặt phá cây gỗ, chỉ có người từ nơi khác đến đây phá rừng thôi. Bình thường đã vậy mà sang mùa ươi thì ôi thôi, người ta không hái ươi mà cứ chặt nát cả cành, cả cây…". Năm 2002, Hà Ri đã thành lập hẳn một tổ bảo vệ cửa rừng. Tổ có 38 người, cộng thêm hai người của xã thành 40 người, cắt cử để thay nhau giữ rừng. Hiềm một nỗi, dân làng thì ngoài chuyện giữ rừng còn phải lo làm ăn sinh sống. Bok Đinh Krăng kết luận: "Nếu nói là người giữ rừng phải có trách nhiệm, thì đúng rồi. Nhưng rừng thì xa, bà con mình phải đi cả buổi mới đến nơi, nếu không có sự trợ lực của Nhà nước thì làm sao quản lý cho hết được. Rồi khi phát hiện mà không có lực lượng kiểm lâm hỗ trợ thì cũng chịu".
* Phương án thì hay, nhưng…
|
Hãy để cho rừng có chủ thật sự (trong ảnh: Anh Đinh Pong với sổ đỏ trên tay) |
Theo phương án giao đất lâm nghiệp được lập năm 2002, thì người nhận đất lâm nghiệp sẽ được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất được giao, được hưởng các chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Hộ gia đình nhận rừng cũng được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên như thu hái lâm sản phụ, khai thác cây gỗ chết khô, cây đổ gãy, cây sâu bệnh; được phép khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn khi rừng được đưa vào khai thác với mức tối đa không quá 20%… Trên lý thuyết thì phương án này rất hay. Bởi thay vì như trước đây, rừng được khoán cho dân bảo vệ với mức 50.000đ/ha/năm, mối liên hệ giữa người dân với rừng không có tính bền vững, ổn định, lâu dài, người dân không dám đầu tư dài hạn vào diện tích rừng được giao khoán bảo vệ để làm giàu rừng và khai thác. Với việc được giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên, người dân được cấp sổ đỏ trong 50 năm, trở thành những chủ nhân thật sự của rừng, được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên phần diện tích được giao và nhiều quyền lợi khác. Tuy nhiên, từ phương án trên giấy đến thực tế rõ ràng đã có một khoảng cách.
Ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: Đầu năm 2005 này, huyện sẽ tổng kết việc giao đất rừng ở Hà Ri để tiếp tục nhân rộng. Huyện đã lập xong phương án giao đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên cho 63 hộ dân ở thôn M2, xã Vĩnh Thịnh từ năm 2003 và đang đề nghị cho triển khai. Tuy nhiên, với cách giao cho cá nhân như hiện tại, nếu không có sự hợp sức từ các ngành chức năng trong việc ngăn chặn nạn phá rừng thì sẽ không hiệu quả. Hơn nữa, không phải vùng rừng nào cũng đẹp như vậy để có thể tiến hành giao khoán dễ dàng. Do vậy, khi triển khai ở những vùng rừng khác, chính quyền và các ngành có liên quan cũng cần có chế độ hỗ trợ ban đầu cho bà con và hướng dẫn bà con đầu tư thêm để nâng hiệu quả kinh tế trên những vùng rừng.
Nhân đây xin nói thêm một cách làm khác, rừng đầu nguồn A Vương (tỉnh Quảng Nam) tiến hành dự án giao đất giao rừng nhưng cho cộng đồng cùng quản lý. Cách làm này khá phù hợp với các tập tục đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn chung, cả hai phương thức giao cho hộ và giao cho cộng đồng đều là những cách làm mới, nhưng rất cần được tổng kết và rút kinh nghiệm thấu đáo trước khi triển khai rộng.
. Lê Viết Thọ |