Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm
9:22', 13/1/ 2005 (GMT+7)

Thời gian gần đây, dịch cúm gia cầm (DCGC) đã tái phát và đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Ở Bình Định, hiện chưa có dấu hiệu xảy ra dịch bệnh. Song theo cảnh báo của ngành Thú y, khả năng tái phát dịch là rất lớn. Hiện nay, tại các cơ sở sản xuất con giống gia cầm, trang trại chăn nuôi, các điểm đầu mối tiêu thụ gia cầm… các biện pháp phòng chống dịch đang được triển khai khá chặt chẽ.

* Nguy cơ tái phát dịch

Tiêu độc, sát trùng tại một trại chăn nuôi gà ở Nhơn Tân (An Nhơn)

Theo thống kê của ngành Thú y, trong đợt DCGC xảy ra vào đầu năm 2004, trên địa bàn Bình Định có 8/11 huyện, thành phố có gia cầm mắc bệnh cúm với tổng số gia cầm bị tiêu hủy 295.934 con; tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 70 tỉ đồng. Sau dịch cúm, nhiều cơ sở sản xuất giống, trang trại chăn nuôi lâm vào cảnh khốn đốn, khó khăn. Theo Sở NN-PTNT, đến nay, sau gần một năm khôi phục, đàn gia cầm ở Bình Định đã phục hồi được 90% tổng đàn so với thời điểm trước khi xảy ra dịch cúm đầu năm ngoái.

Trước thông tin DCGC đang tái phát tại một số địa phương, hầu như các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất giống đều lo lắng, và triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch. Theo Chi cục Thú y, trên địa bàn Bình Định, tuy tình hình dịch cúm đang được khống chế khá tốt, nhưng tại các ổ dịch cũ, các trang trại chăn nuôi khả năng tái phát dịch hiện đang rất lớn. Nhất là vào thời điểm hiện nay, thời tiết ở Bình Định đang thay đổi, nhiệt độ xuống thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển. Bên cạnh đó, gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ gia cầm tăng cao làm tăng thêm khả năng xảy ra dịch và rất dễ lan ra diện rộng… Trong đợt kiểm tra mới đây, ngành Thú y đã phát hiện 14 hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi ở các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát và thành phố Quy Nhơn nhập trái phép 1.300 con gà giống (giống CP, Cargill) và 4.800 quả trứng giống từ các tỉnh phía Nam về nhưng không khai báo với cơ quan thú y, không có giấy chứng nhận về kiểm dịch thú y… Đây là vấn đề đáng quan tâm và cần có sự cảnh báo đến tận các hộ chăn nuôi.

* Chủ động đối phó với dịch cúm

Để chủ động phòng chống dịch cúm tái phát, từ đầu tháng 12-2004 đến nay, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với lực lượng Công an giao thông tăng cường công tác kiểm dịch tại 2 chốt đèo Cù Mông và đường Quy Nhơn - Sông Cầu, kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm và giống gia cầm từ các địa phương khác vào địa bàn tỉnh. Ông Phan Trọng Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, ngành đang tiến hành lập thêm chốt kiểm dịch tại xã Canh Vinh (Vân Canh) để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, giống gia cầm lén lút từ địa bàn tỉnh Phú Yên sang. Đồng thời, xem xét lập thêm 2 chốt kiểm dịch mới tại phía bắc tỉnh và trên tuyến quốc lộ 19 từ Tây Nguyên xuống. Bên cạnh đó, lực lượng Thú y phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người chăn nuôi gia cầm trong tỉnh tăng cường các biện pháp tiêu độc, sát trùng chuồng trại để ngăn chặn DCGC tái phát. Ngành Thú y cũng đã thành lập các đoàn công tác phối hợp với chính quyền, các hội, đoàn thể ở địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhằm kịp thời phát hiện dịch bệnh. Thường xuyên lấy mẫu huyết thanh trên đàn gia cầm để xét nghiệm tìm vi rút dịch cúm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ gia cầm tại các chợ, các tụ điểm mua bán để phát hiện dịch bệnh…

* Những khó khăn

Chăn nuôi gà tại một trại gà giống ở An Nhơn

Tuy việc triển khai phòng chống dịch được các ngành chức năng triển khai khá đồng bộ, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, đáng lo nhất là nguy cơ từ những hộ chăn nuôi thả vịt bừa bãi trên các dòng sông. Ông Phan Tấn Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y bức xúc: "Việc chăn thả vịt trên sông làm cho nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Vi rút dịch cúm có thể phát tán theo dòng nước từ đầu nguồn đến cuối nguồn nước. Tuy nhiên hiện nay việc nghiêm cấm các hộ nuôi vịt chăn thả trên sông là rất khó khăn, vì tập quán chăn nuôi của họ là vậy". Ngoài ra, việc giết mổ gia cầm ngay tại các chợ trong tỉnh vẫn còn phổ biến, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì đây cũng là nguyên nhân làm cho dịch bệnh lây lan. Thêm vào đó, các khu chăn nuôi còn tồn tại khá nhiều trong khu vực đông dân cư, gây khó khăn trong việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh… Ngoài ra, đa số các hộ chăn nuôi ở Bình Định nuôi gia cầm theo quy mô hộ gia đình, phân tán, rải rác với số lượng ít, chính điều này dẫn đến nguyên nhân rất khó kiểm soát khi dịch bệnh xảy ra.

Từ trước đến nay, Bình Định chưa quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm tập trung để thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh. Vì chưa xây dựng được các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đạt hiệu quả tốt nên tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm bừa bãi vẫn còn xảy ra, và đây chính là nguy cơ tiềm tàng cho dịch bệnh làm cho dịch bệnh bùng phát khi có cơ hội.

. Nguyễn Hân

 

Thị trường tiêu thụ gia cầm vẫn ổn định

Khảo sát việc mua bán gia cầm tại một số chợ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy việc tiêu thụ gia cầm và trứng gia cầm vẫn diễn ra bình thường. Giá gà thịt vẫn đang ở mức khá cao, dao động từ 32.000 - 35.000 đồng/kg, giá vịt dao động từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, trứng vịt 1.400 đồng/quả, trứng gà 1.300 đồng/quả. Trước thông tin tái phát DCGC tại một số địa phương trong nước, người tiêu dùng đã tỏ ra thận trọng trong việc chọn mua gia cầm.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hà Ri - nỗi niềm bên những cánh rừng  (12/01/2005)
Du lịch Bình Định đã khởi sắc  (12/01/2005)
Vĩnh Bình hôm nay  (11/01/2005)
Thuốc trừ cỏ hại chết... lúa  (11/01/2005)
Quên đi quá khứ, chăm lo làm giàu   (10/01/2005)
Làm giàu từ nghề cung ứng cây giống   (09/01/2005)
"Xông" nhà tỉ phú ngư dân   (09/01/2005)
Kiến trúc Quy Nhơn: Nhìn qua những công trình   (07/01/2005)
Loại bỏ xe ô tô quá "đát": Hoạt động vận tải ở Bình Định vẫn ổn định  (07/01/2005)
Nông dân Vân Canh lạt lòng với cây mía  (06/01/2005)
Thực hiện chương trình XĐGN ở các xã ĐBKK: Những kết quả khả quan  (06/01/2005)
Công nghiệp Bình Định: Với mục tiêu tăng trưởng 23%  (05/01/2005)
Hoạt động xuất khẩu: Còn nhiều thách thức   (04/01/2005)
Làm gì để phục hồi nghề nuôi tôm ?  (04/01/2005)
Loay hoay… nuôi cừu trên núi   (04/01/2005)