Thứ bảy, ngày 29/3/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
Đất nước - Con người
Tiềm năng - Triển vọng
Chủ trương - Chính sách mới
Tòa soạn và bạn đọc
Gửi tin, bài cho báo
Về Báo Bình Định

Thông tin tuyển dụng

BẢO VIỆT BÌNH ĐỊNH CẦN TUYỂN 5 LAO ĐỘNG
CÔNG TY TNHH CONTAINER MIỀN TRUNG TUYỂN NHÂN VIÊN
NGÂN HÀNG NHNo&PTNT TỈNH BÌNH ĐỊNH TUYỂN NHÂN VIÊN
KHÁCH SẠN LÊ PHƯƠNG TUYỂN NHÂN VIÊN

Tàu xe đi & đến Bình Định

Máy bay Vietnam Airline
Xe đò chất lượng cao
Xe buýt
Bảng giờ tàu
Khách sạn
  GIÁ VÀNG 9999 Min|Max 
 NH 824,000  817,000 
 TT 825,000  819,000 
  TỶ GIÁ Min|Max 
 EUR 20,697  20,389 
 USD 15,785  15,755 
Vĩnh Hòa - vùng đất mới
15:2', 13/1/ 2005 (GMT+7)

. Ghi chép của Huỳnh Đình Phú

Trước lúc công trình tích hợp hồ chứa nước và nhà máy thủy điện Định Bình được triển khai xây dựng, hàng trăm hộ dân ở các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp thuộc huyện miền núi Vĩnh Thạnh đã rời xa quê cũ. Trong ngày lễ động thổ công trình vào cuối tháng 7 năm 2004, một cán bộ trong ban quản lý dự án chỉ tay về phía bên kia ngọn đồi, nói rằng, nơi đấy sẽ là vùng đất mới của những cư dân này...

Một góc làng Hà Nhe hôm nay

1. Phía bên kia ngọn đồi theo hướng chỉ tay của ông cán bộ ngày ấy nay là vùng đất mà chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Hòa bắt đầu công cuộc dựng xây tương lai mới. Thời gian chưa tròn 2 năm mà mọi cái nơi đây đã dần đi vào nếp bài bản. Con đường dọc dài men theo sườn núi dẫn vào trung tâm xã đã được bê tông hóa rộng phẳng, ước chừng hai chiếc xe tải lớn ngược chiều có thể tránh nhau thoải mái. Những căn nhà kiên cố với sơn ngoại, gạch men ốp lát sang trọng... san sát nhau như một vệt sáng xóa tan không khí heo hút, tĩnh lặng của núi rừng đại ngàn.

Cùng đi với tôi, anh Lê Bá Khương - kỹ sư nông nghiệp của Công ty cổ phần đường Bình Định, là người phụ trách vùng nguyên liệu mía cho nhà máy đường ở khu vực này. Thường xuyên vào ra mỗi tuần, anh thân thuộc đến từng thửa đất, từng hộ gia đình và cả những đổi thay về tiết trời nơi đây. Thế nhưng sau mỗi lần đến, dường như lại xuất hiện một cảm thức xôn xao khó tả trong anh. Anh say sưa chia sẻ một cách đầy tâm huyết với tôi về đặc điểm vùng đất, về việc phát triển các loại cây lương thực để đồng bào có thể tự cung, tự cấp và rồi sẽ vươn lên làm giàu..., như anh là một người con rứt ruột lớn khôn từ vùng đất này vậy.

Dẫn tôi đến làng M9, tục gọi Hà Nhe, là một trong 4 làng của xã Vĩnh Hòa với nhiều đổi thay lạ lùng. Cuộc sống của đồng bào Ba na nơi đây đã bước sang một trang mới. Ký ức về sự đói nghèo, cảnh ngăn sông cấm chợ heo hút một thời đã lùi xa. Thay vào đó, niềm vui và niềm tin nở rộ - như loài hoa dã quỳ luôn hướng về phía ánh sáng mặt trời - trong "cái bụng" của đồng bào. Hai trăm tấn mía giống cùng một số vật tư nông nghiệp mà Công ty cổ phần đường Bình Định cung cấp miễn phí cho các hộ gia đình còn "chân ướt, chân ráo" đến đây như một sự phát khởi nhằm đẩy lùi cảnh đói nghèo của vùng đất. Anh Khương tâm sự: "Điều kiện thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp để cây mía sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả cao. Việc đầu tư giống miễn phí cho đồng bào không chỉ vì mục đích lợi nhuận kinh tế đơn thuần mà chính là món quà gắn kết tình nghĩa với những đồng bào của mình...".

Như cách nói của anh Khương, sự đầu tư này đã thấm đượm tấm lòng tương thân tương ái. Và hẳn một ngày không xa, cùng với cây đào, bò lai... những giống cây trồng, vật nuôi được xem là chủ lực nơi này, màu xanh của những gốc mía giống kia được đặt xuống trên những dầm đất một thời hoang vu ấy sẽ bạt ngàn như núi đồi nơi đây thì đồng bào không chỉ được ưng cái bụng mà cảnh xum vầy, no ấm cũng sẽ trở thành chuyện thường ngày trên mỗi ngả đường, trong mỗi ngôi nhà.

Một nét văn hóa của đồng bào Ba na

2. Ông Đinh A Van, Chủ tịch xã Vĩnh Hòa, nhớ vanh vách các con số, sự kiện về tình hình kinh tế, xã hội của xã nhà. Trò chuyện với chúng tôi, ông thủng thẳng bộc bạch về những gì mà bao năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào ông đã gặt hái được... Khi các hộ nằm trong lòng hồ Định Bình di dời giải tỏa, không có một trường hợp nào phát đơn khiếu nại về giá cả đền bù. Hầu hết các hộ đều nhận từ 30 triệu đồng trở lên khi đến các khu tái định cư. Vấn đề không chỉ ở số tiền đền bù ấy, mà là sự quan tâm giúp đỡ về mọi mặt của tỉnh, huyện nên đã làm yên lòng bà con. Họ đã dựng nhà khang trang, sắm sửa đồ dùng sinh hoạt, nhanh chóng thổi sức sống mới vào các khu tái định cư.

Dẫn chúng tôi đi "thám hiểm" những cái gọi là mới toanh của xã, ông chủ tịch tâm tình về đời sống của đồng bào với giọng kể hiền hiền... Mặc dầu là quê mới, nhưng Vĩnh Hòa hôm nay đã cơ bản hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm. Từng là niềm mơ ước của đồng bào vùng cao nhưng giờ đây, điện đã tỏa rạng từ đầu cho đến cuối xã. Mười căn phòng "láng cóng" dành riêng cho hơn 200 em từ mẫu giáo đến lớp 5 đến lớp học mỗi ngày. Nhờ vào công tác tuyên truyền vận động, toàn bộ 750 nhân khẩu hiện có của xã không có ai mù chữ. Vả lại, 29 giáo viên cho từng ấy người thì làm sao còn cảnh mù chữ được. Những lúc có người đau ốm cũng không phải chịu vất vả băng núi vượt sông chữa chạy như trước mà nay đã có 4 y tá, y sĩ cắm làng, cắm bản chăm sóc sức khỏe cho bà con...

Ông Van cũng cho biết, cách đây chưa lâu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình cũng đã đến đây. Bà rất vui mừng trước những tín hiệu vui của vùng đất mới. Một ngày gần đây thôi, sự nỗ lực và quyết tâm của đồng bào cùng với sự đầu tư thiết thực của chính quyền các cấp, Vĩnh Hòa sẽ từng bước khẳng định mình và trở thành một tiểu đô thị giữa núi rừng sẽ là chuyện không quá xa vời.

3. Dõi mắt theo dòng chảy như bất tận của sông Kôn nối liền những ngọn đồi điệp trùng phía thượng nguồn, đâu đó chợt vọng ngân tiếng cồng, tiếng chiêng và hình ảnh những cô gái Ba na tươi xinh trong điệu múa truyền thống; tôi nghe lòng mình như ấm lại trong một ngày cuối năm lên vùng cao.

. H.Đ.P

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm   (13/01/2005)
Hà Ri - nỗi niềm bên những cánh rừng  (12/01/2005)
Du lịch Bình Định đã khởi sắc  (12/01/2005)
Vĩnh Bình hôm nay  (11/01/2005)
Thuốc trừ cỏ hại chết... lúa  (11/01/2005)
Quên đi quá khứ, chăm lo làm giàu   (10/01/2005)
Làm giàu từ nghề cung ứng cây giống   (09/01/2005)
"Xông" nhà tỉ phú ngư dân   (09/01/2005)
Kiến trúc Quy Nhơn: Nhìn qua những công trình   (07/01/2005)
Loại bỏ xe ô tô quá "đát": Hoạt động vận tải ở Bình Định vẫn ổn định  (07/01/2005)
Nông dân Vân Canh lạt lòng với cây mía  (06/01/2005)
Thực hiện chương trình XĐGN ở các xã ĐBKK: Những kết quả khả quan  (06/01/2005)
Công nghiệp Bình Định: Với mục tiêu tăng trưởng 23%  (05/01/2005)
Hoạt động xuất khẩu: Còn nhiều thách thức   (04/01/2005)
Làm gì để phục hồi nghề nuôi tôm ?  (04/01/2005)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn