Xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hiện có 1.960 hộ trong đó có 350 hộ diêm dân. Nghề sản xuất muối ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả thị trường, nên đời sống của diêm dân trong xã luôn gặp nhiều khó khăn…
* Điệp khúc "được mùa, mất giá"
|
Muối được giữ tại ruộng để chờ giá, nhưng rồi cũng phải bán với giá thấp |
Hầu hết những hộ sản xuất muối ở xã Mỹ Thành đều không có đất sản xuất lúa, nên mọi chi tiêu trong gia đình đều nhìn từ hạt muối. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, năm 2001 diêm dân trong xã đã đầu tư hàng trăm triệu đồng nâng cấp đường giao thông, mua cây đóng trụ kéo điện ra đồng và đóng giếng, lấy nước ngầm phục vụ cho sản xuất. Nhờ đó, việc sản xuất muối được thuận lợi hơn, năng suất muối đạt cao hơn 1,2 lần so với trước, chất lượng muối cũng tốt hơn. Thế nhưng, sản xuất muối lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, giá cả thị trường; năm được mùa muối thì mất giá, năm mất mùa giá thu mua lại tăng cao. Cái vòng lẩn quẩn "được mùa mất giá" ấy cứ bám lấy diêm dân Mỹ Thành suốt nhiều năm qua.
Năm 2004, nắng hạn xảy ra ở nhiều địa phương, còn ở Mỹ Thành lại mưa nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất của diêm dân. Sản lượng muối cả xã chỉ đạt 4.600 tấn, giảm 1.650 tấn so với năm trước. Mất mùa muối, nhưng giá muối không cao, đời sống của diêm dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chị Lương Thị Lan, diêm dân ở thôn Xuân Bình Nam cho biết:" Để làm ra được hạt muối, trước nhất phải cày xới đất kỹ, phơi đất khô khoảng 15 ngày, sau đó mới cho nước vào rồi phả đất bằng phẳng, tiếp đến là nện đất thật chặt rồi tiếp tục cho nước vào lắng lọc. Nếu có 7 đám ruộng thì phải dành 3 đám để lắng nước, những đám còn lại là làm muối. Khổ là thế, nhưng chỉ cần một cơn mưa nhỏ muối sẽ hỏng ngay, bao công sức bỏ ra như dã tràng xe cát". Bà Đặng Thị Điểu, người đã gắn bó với nghề muối hơn 30 năm ở thôn Xuân Sơn tâm sự: "Trước đây sản phẩm làm ra thường bị thương lái chê là không đảm bảo chất lượng để ép giá, từ khi bà con chúng tôi sử dụng nước ngầm, chất lượng muối cao hơn, nhưng giá muối cũng chẳng thay đổi được gì. Khi giá muối trên thị trường cao, chúng tôi cần bán muối thì không ai mua, còn khi giá thấp thì họ đến thu mua với giá rẻ… Bà con chúng tôi thua thiệt đủ đường".
Nhiều nông dân ở đây cho rằng, năm nay, giá muối thấp hơn năm ngoái một vài giá, đầu vụ thương lái thu mua 220.000 đồng/tấn. Cuối vụ, giá muối có nhích lên nhưng họ lại cân thiếu, rồi trừ đủ thứ. Một bao muối 50 kg, nhưng thương lái chỉ "hô" từ 44 đến 45 kg là cao, biết là cân "ma" nhưng cũng phải bán, nếu không đồng ý bán cho họ thì lần sau khó mà bán được muối. Bà con làm ra hạt muối đã khổ, nhưng để hạt muối đến được với thị trường còn khổ hơn. Cố bám lấy ruộng muối để mưu sinh, nhưng cũng khó sống được, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tôm. Tuy nhiên, nuôi tôm cũng không dễ dàng gì, bởi chi phí đầu tư cao, trong đó khi kỹ thuật nuôi tôm của diêm dân còn hạn chế, môi trường nước thì bị ô nhiễm, nên tôm nuôi thường xảy ra dịch bệnh. Sau nhiều vụ nuôi tôm bị thua lỗ, "tiền mất tật mang", bà con lại quay về với nghề làm muối.
* Giải pháp nào
Sản xuất muối không chủ động được đầu ra, nên thường bị thương lái ép giá. Chính quyền địa phương cũng chưa có biện pháp gì để giúp bà con diêm dân tiêu thụ sản phẩm. HTX muối Mỹ Thành thì chỉ tồn tại trên danh nghĩa vì thiếu vốn, thiếu nhân lực…. Ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho biết: "Diêm dân trong xã hy vọng nhiều vào dự án mở rộng nâng cấp và cải tạo cơ sở hạ tầng vùng muối Đề Gi do Bộ NN-PTNT đầu tư, sẽ giúp bà con tháo gỡ những khó khăn trong thời gian qua. Năm 2002, có nhiều đoàn công tác của Bộ, tỉnh đến kiểm tra khảo sát các vùng sản xuất muối trong xã, diêm dân vui mừng lắm, nhưng nghe đâu thiếu vốn đầu tư nên đến nay dự án chưa thực hiện được".
Xã Mỹ Thành hiện còn 24 hộ nghèo, chủ yếu là những hộ làm nghề muối. Phần lớn các hộ sản xuất muối đều không có đất sản xuất lúa, không có nghề phụ. Trong năm có 6 tháng lao động, 6 tháng còn lại là thất nghiệp, nên hết vụ sản xuất, thanh niên trai tráng trong làng vào Nam hoặc lên Tây Nguyên làm thuê kiếm sống…. Những hộ không có điều kiện đi làm xa thì càng khó khăn hơn. Bà Nguyễn Thị Thanh, ở thôn Xuân Bình Nam, nói với chúng tôi mà nước mắt lưng tròng: "Năm hết Tết đến nhưng chưa nhìn ra khoản tiền nào để mua sắm đồ Tết. Bà con chúng tôi cứ lo đắp đổi từng ngày như lâu nay…".
. Phạm Tiến Sỹ
Dự án mở rộng, nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng vùng muối Đề Gi được Bộ NN-PTNT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2002. Vùng muối được quy hoạch bao gồm các xã: Mỹ Thành, Mỹ Cát, Mỹ Chánh (Phù Mỹ) và xã Cát Minh (Phù Cát). Mục tiêu của dự án là mở rộng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng dự án; nâng cao đời sống cho nhân dân vùng muối. Dự án có tổng vốn đầu tư là 19,722 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 16,581 tỉ đồng do Bộ NN-PTNT quản lý đầu tư, vốn địa phương 3,141 tỉ đồng. Theo kế hoạch thì dự án khởi công trong năm 2002 và hoàn thành sau 2 năm. Dự án hoàn thành sẽ mở rộng diện tích ruộng muối từ 153 ha lên 203 ha, năng suất muối đến năm 2010 đạt 170 tấn/ha.
Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai. |