"Nơi sông trở về"
14:54', 14/1/ 2005 (GMT+7)

Ba kiến trúc sư trẻ bên đồ án "Nơi sông trở về"

Đồ án "Nơi sông trở về" của ba kiến trúc sư (KTS) trẻ: Nguyễn Hoài Phương, Nguyễn Bửu Hưng và Nguyễn Phan Trọng Khôi (Trung tâm Quy hoạch Xây dựng - Sở Xây dựng), đã đạt giải "Giải bạn đọc mạng Ashui.com bình chọn" và "Giải thưởng phương án lãng mạn" trong cuộc thi kiến trúc "Tôn vinh thành phố" do mạng Ashui.com (mạng kiến trúc và xây dựng Việt Nam trực tuyến) và Tạp chí Quy hoạch Xây dựng tổ chức.

Không hẹn mà gặp, đồ án tốt nghiệp đại học của cả ba chàng KTS trẻ này đều xoay quanh không gian đầm Thị Nại và vùng biển Quy Nhơn. Bởi vậy, những ý tưởng tái định cư vừa đảm bảo cuộc sống bền vững cho những người đánh bắt thủy hải sản vừa tôn vinh chính những con người đã từng là chủ thể của thành phố Quy Nhơn trong lịch sử đã nung nấu trong họ từ lâu. Rồi những bức xúc qua thực tế của công việc quy hoạch các cụm dân cư thành phố Quy Nhơn, những ý tưởng đó đã gặp nhau. Nơi sông trở về là tên gọi của đồ án này. Tất nhiên, để đi đến kết quả là bản đồ án kia còn cần một quá trình, từ nung nấu, nghĩ suy và không thể thiếu những ngày lang thang khảo sát cuộc sống người dân Khu 2, để đồng cảm với những bức xúc trong cuộc sống của họ khi tạm cư đến nơi ở mới.

Quang cảnh bến thuyền trong đồ án "Nơi sông trở về"

Ta thật sự đồng cảm với Nơi sông trở về, trước hết bởi cái nhìn có tính nhân văn và lịch sử, ở sự quan tâm đến những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi và bình dị của những con người đã tạo dựng nên sự hình thành của đô thị Quy Nhơn trong lịch sử. Đó là cuộc sống và số phận của những cư dân làng nghề đánh bắt thủy hải sản đã gắn với cội nguồn phát triển của thành phố Quy Nhơn từ thế kỷ XVII đến nay. Rồi cùng với sự phát triển, tất yếu phải tổ chức lại không gian của thành phố, họ đã phải di dời đến những nơi ở mới. Nơi sông trở về, nơi các nhánh sông cùng hội tụ về với đầm Thị Nại, nơi ấy đã được chọn như một giải pháp tái định cư. Bởi đây là nơi phù hợp với cuộc sống cư dân làm nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Xoay quanh không gian quanh đầm Thị Nại, Nơi sông trở về không chỉ dừng lại vấn đề nhà ở đơn thuần, mà còn đáp ứng được sự hài hòa giữa môi trường tự nhiên, xã hội và con người. Đưa ra cách giải quyết: tái định cư cho dân làng nghề đánh bắt thủy hải sản tại vị trí nơi các nhánh sông đổ ra đầm Thị Nại. Nơi sông trở về còn mong ước tạo nên một nét đặc trưng cho một đô thị miền biển.

Nguyễn Hoài Phương, sinh năm 1973. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 1999.

Nguyễn Bửu Hưng, sinh năm 1978. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh năm 2001.

Nguyễn Phan Trọng Khôi, sinh năm 1981. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh năm 2004.

Cả ba KTS trẻ này hiện đang công tác tại Trung tâm Quy hoạch Xây dựng (Sở Xây dựng Bình Định).

Đồ án đã bố trí các điểm dân cư từng cụm, bao quanh bởi các vành đai xanh theo tuyến, với giao thông chính là đường thủy tự nhiên của rừng ngập mặn. Xen kẽ các cụm dân cư là rừng ngập mặn. Cụm động lực phát triển được bố trí tại gần ngã ba cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội - thị trấn Tuy Phước nhằm kết nối cuộc sống của cư dân đánh bắt thủy hải sản với môi trường làm việc văn minh, hiện đại hơn. Ở đây, bố trí nhà máy chế biến thủy hải sản là nơi đào tạo nguồn nhân lực và nơi làm việc cho dân cư dịch vụ nghề cá và hai nhà cao tầng là nơi ở cho dân cư làm việc tại nhà máy. Việc tổ chức không gian nhà ở cho cư dân được dựa trên quá trình khảo sát nhà ở ngư dân Khu 2, vừa phù hợp với đời sống của họ, vừa thân thuộc với môi trường.

Có thể thấy, đồ án đã đưa ra giải pháp có tính khả thi cho vấn đề tái định cư người dân làng nghề đánh bắt và dịch vụ thủy hải sản ven biển Quy Nhơn, khai thác được cảnh quan rừng ngập mặn vùng đầm Thị Nại.

Nếu có chút băn khoăn chăng là việc tái định cư những cư dân làm nghề đánh bắt và chế biến hải sản liệu có dẫn tới nguy cơ ô nhiễm môi trường đầm Thị Nại? Liệu một giải pháp đồng bộ như vậy phải chăng sẽ làm thay đổi hành vi ứng xử với môi trường thiên nhiên của họ theo hướng tích cực? Đây cũng là một nét táo bạo trong đồ án này. 

"Chúng tôi thực hiện đồ án này với một cam kết ngầm, không chỉ vì cuộc thi mà còn vì thành phố thân yêu của mình. Việc thực hiện đồ án không phải một sớm một chiều nhưng cũng không phải là không làm được" - KTS Nguyễn Hoài Phương thay mặt cả nhóm, tâm sự.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hẩm hiu hạt muối Mỹ Thành   (14/01/2005)
Vĩnh Hòa - vùng đất mới  (13/01/2005)
Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm   (13/01/2005)
Hà Ri - nỗi niềm bên những cánh rừng  (12/01/2005)
Du lịch Bình Định đã khởi sắc  (12/01/2005)
Vĩnh Bình hôm nay  (11/01/2005)
Thuốc trừ cỏ hại chết... lúa  (11/01/2005)
Quên đi quá khứ, chăm lo làm giàu   (10/01/2005)
Làm giàu từ nghề cung ứng cây giống   (09/01/2005)
"Xông" nhà tỉ phú ngư dân   (09/01/2005)
Kiến trúc Quy Nhơn: Nhìn qua những công trình   (07/01/2005)
Loại bỏ xe ô tô quá "đát": Hoạt động vận tải ở Bình Định vẫn ổn định  (07/01/2005)
Nông dân Vân Canh lạt lòng với cây mía  (06/01/2005)
Thực hiện chương trình XĐGN ở các xã ĐBKK: Những kết quả khả quan  (06/01/2005)
Công nghiệp Bình Định: Với mục tiêu tăng trưởng 23%  (05/01/2005)