Chuyện ghi ở Bình Tân
16:15', 16/1/ 2005 (GMT+7)

. Ghi chép của Ngọc Quỳnh

Con đường đất xuyên qua những cánh rừng ven bờ hồ chứa nước Thuận Ninh mỗi lúc một lên cao đã dẫn chúng tôi đến với làng M6 - một làng đồng bào dân tộc ít người khó khăn nhất của xã Bình Tân (Tây Sơn). Bao giờ bà con M6 thoát nghèo, Bình Tân sẽ ra khỏi diện "đặc biệt khó khăn"? Tôi bắt đầu tìm câu trả lời từ những mái nhà ngói đỏ au thấp thoáng trong ngàn xanh của điều và những tán cây rừng dọc theo đường vào làng.

* "Mắt thấy, tai nghe" ở làng M6

Một nông dân ở Bình Tân đang chăm sóc vườn điều (ảnh: T.Sỹ)

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến là nhà của Bá Long, người đàn ông dân tộc Bana có khuôn mặt xương gầy, miệng móm mém, da đen bóng rất đặc trưng của người miền núi. Ngôi nhà của Bá Long mới xây khá khang trang, diện tích 56 m2 quét vôi trắng có những viền trang trí màu cam trông thật sáng sủa. Thế nhưng, đồ đạc trong phòng khách hầu như không có gì ngoài bộ bàn ghế gỗ sơ sài bám đầy bụi đất. Bá Long loay hoay mãi mới tìm được một cái áo rách lau vội lớp bụi bặm phủ trên ghế trước khi mời chúng tôi ngồi. Hỏi chuyện làm ăn, Bá cho biết, gia đình trồng được 1 ha đào và 8 sào mì, đậu phụng, 2 sào lúa… Hỏi về chuyện thu nhập, Bá chỉ cười: "Bà con mình còn nghèo, còn đói ăn mà…". Rồi Bá cho biết thêm: "Nhà nước mới cho 5 triệu đồng để mình xây nhà ngói, mình đã bàn với vợ, 5 triệu thì chỉ xây được nhà nhỏ cho con kiến nó ở thôi, muốn xây được nhà rộng cho con cái ở thì phải bán bò, bán điều, mì… để thêm tiền xây nhà. Mình đã phải bán 2 con bò, xây nhà này mất 24 triệu đồng đấy".

Làng M6 chỉ có 33 hộ với 157 nhân khẩu. Thực hiện chủ trương xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo, năm 2004 vừa qua, bằng nguồn vốn của tỉnh, xã đã hỗ trợ cho 20 hộ còn ở nhà đơn sơ mỗi hộ 5 triệu đồng để xây dựng nhà ngói. Bởi vậy, hôm nay vào làng M6, hình ảnh nhà ngói đỏ thấp thoáng sau những vườn điều đã để lại ấn tượng khá đậm nét cho những người lần đầu ghé thăm. Tuy nhiên, Bá Chân, một cán bộ của làng cho biết: "Đất sản xuất thì không thiếu, nhưng bà con làng M6 mình vẫn chưa thoát được nghèo vì còn thiếu một hướng làm ăn hiệu quả. Vừa rồi theo đề nghị của bà con, huyện đã cho khai hoang hàng chục ha đất ở hai bên đường bê tông dẫn vào làng." Quả như lời Bá Chân nói, chúng tôi nhận thấy ngay cả với những vạt điều được coi là thế mạnh của vùng đất này cũng "bị" bà con trồng một cách tự phát, manh mún, không được chăm sóc đúng kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Thêm vào đó, hiện nay hai làng đồng bào dân tộc của xã Bình Tân là M6 và Thuận Ninh vẫn chưa kéo được điện lưới. Bá Chân nói tiếp: "Lũ làng mình rất mong nhà nước cho cái điện sơm sớm để đời sống phát triển, bà con đuổi được cái nghèo đi…"

* Và chuyện 1 ha mía gốc

Theo báo cáo của xã Bình Tân, năm 2002, diện tích cây mía của xã là 180 ha; năm 2003, giảm xuống còn 140 ha và năm 2004 vừa qua thì chỉ còn lại đúng 1 ha mía gốc. Tại sao một xã có truyền thống trồng mía như Bình Tân mà nông dân lại đồng loạt giã từ cây mía? Tại sao tiềm năng đất đai và thổ nhưỡng ở đây phù hợp với mía nhưng năng suất của mía mới đạt 40 tấn/ha? Chủ tịch UBND xã còn khá trẻ, anh Nguyễn Văn Thành, cho chúng tôi biết: "Bà con nông dân có tâm lý chưa thật sự an tâm với chính sách thu mua mía của Công ty đường nên còn ngại đầu tư cho cây mía…". Đặt câu hỏi này với Giám đốc Công ty cổ phần đường Bình Định Phạm Ngọc Liễn, ông Liễn thừa nhận rằng: "Đó là di ấn của một thời khó khăn của nhà máy khi ngành mía đường thế giới rơi vào cơn bĩ cực. Còn hiện nay, công ty đang có những chính sách để nông dân Bình Tân nói riêng và các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh… phát triển cây mía thành những vùng nguyên liệu trọng điểm cho nhà máy. Theo kế hoạch, năm 2005, công ty sẽ đẩy diện tích trồng mía ở Bình Tân lên 125 ha, trong đó có 39 ha trồng mía thâm canh có tưới. Để vực dậy cây mía, một cơ chế mới sẽ được thực hiện theo hướng nông dân và nhà máy cùng có lợi. Mỗi ha mía, bà con sẽ được công ty hỗ trợ không hoàn lại 2 triệu đồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cùng với 8 triệu đồng/ ha để đầu tư vốn, giống, công làm đất, chăm sóc… Giá thu mía cũng được đẩy lên theo hướng hai bên cùng có lợi… ".

Tại Bình Tân, Công ty cổ phần đường Bình Định còn thuê 44 ha đất của xã để làm vườn khảo nghiệm, đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm nhiều giống mía mới phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện nước tưới để nhân giống mới cho các vùng nguyên liệu. Theo hướng này,  ít ra năng suất cây mía ở Bình Tân cũng nâng lên được 70-80 tấn/ha. Một khi cây mía, thế mạnh cây trồng của nông dân Bình Tân được phục hồi, quy hoạch và đầu tư cho năng suất cao, cũng là lúc một cánh cửa thoát nghèo, vươn lên làm giàu của người Bình Tân đã được mở ra.

* Bao giờ ra khỏi… 135?

Trước khi bà con nông dân ở Bình Tân được đón nhận những dòng nước mát tưới cho cây trồng từ hồ Thuận Ninh, thì bà con người dân tộc ít người ở Thuận Ninh và làng M6 đã được hưởng lợi một con đường. Đường lên M6 tuy vẫn còn gập ghềnh, khúc khuỷu nhưng cầu, cống đã thông thương và mở ra cho những vùng khó khăn nhất của Bình Tân nhiều cơ hội. Ông Lê Văn Tô, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Nhờ sự đầu tư của chương trình 135, đường giao thông ở Bình Tân đã thông suốt. Làng M6 đang được nhà nước (chương trình 134) đầu tư 5,3 tỉ đồng xây dựng hệ thống dẫn nước sạch từ sông Quéo về làng. Ngoài ra, chính sách trợ cước, trợ giá cũng đã hỗ trợ bà con rất lớn trong sản xuất, sinh hoạt."

Lúc sáng, vào làng M6, đi qua những vạt đồi mênh mông hai bên đường, tôi nhìn thấy bà con đã khai thác từng khoảnh lớn, có chỗ đánh luống phủ ni lông trồng dưa hấu, có chỗ trồng điều, trồng bạch đàn… Rõ ràng, tiềm năng đất đai ở Bình Tân còn rất lớn. Bình quân mỗi hộ có 1 ha đất canh tác, chưa kể đất rừng có khả năng sản xuất nông nghiệp. Lại nhớ, khi đến UBND xã, chúng tôi thấy công trình trụ sở ủy ban đang được xây dựng mới. Trạm y tế, trường tiểu học, THCS trông rất khang trang. Bình Tân là một địa phương còn đầy tiềm năng kinh tế - xã hội nếu được quy hoạch và định hướng phát triển một cách bài bản. Và một khi, những cây trồng thế mạnh như mì, mía, điều… được quy hoạch thành những vùng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu và Nhà máy đường, cùng với việc đầu tư cải tạo giống mới, thâm canh, tăng năng suất cây trồng; nhất định đời sống bà con sẽ khấm khá hơn. Đây cũng chính là điều trăn trở và mong mỏi của cán bộ xã.

Khi chia tay chúng tôi, anh Thành, chủ tịch xã, người được huyện chi viện về Bình Tân để củng cố, xây dựng đưa xã đi lên, cũng là một người Bình Tân "gốc" siết chặt tay tôi: Hy vọng một thời gian không xa, xã có thể tuyên bố đã ra khỏi chương trình 135!

Chúng tôi cũng hy vọng như vậy.

. Ngọc Quỳnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Nơi sông trở về"  (14/01/2005)
Hẩm hiu hạt muối Mỹ Thành   (14/01/2005)
Vĩnh Hòa - vùng đất mới  (13/01/2005)
Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm   (13/01/2005)
Hà Ri - nỗi niềm bên những cánh rừng  (12/01/2005)
Du lịch Bình Định đã khởi sắc  (12/01/2005)
Vĩnh Bình hôm nay  (11/01/2005)
Thuốc trừ cỏ hại chết... lúa  (11/01/2005)
Quên đi quá khứ, chăm lo làm giàu   (10/01/2005)
Làm giàu từ nghề cung ứng cây giống   (09/01/2005)
"Xông" nhà tỉ phú ngư dân   (09/01/2005)
Kiến trúc Quy Nhơn: Nhìn qua những công trình   (07/01/2005)
Loại bỏ xe ô tô quá "đát": Hoạt động vận tải ở Bình Định vẫn ổn định  (07/01/2005)
Nông dân Vân Canh lạt lòng với cây mía  (06/01/2005)
Thực hiện chương trình XĐGN ở các xã ĐBKK: Những kết quả khả quan  (06/01/2005)