Qua chuyến thăm và làm việc của Đoàn Doanh nhân Việt kiều:
Một triển vọng mới về hợp tác, đầu tư
10:53', 17/1/ 2005 (GMT+7)

Trong các ngày 12 và 13-1, Đoàn Doanh nhân Việt kiều (DNVK) đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Định. Đây là chuyến "hành trình xuyên Việt" qua 15 tỉnh, thành của Việt Nam. Bình Định là tỉnh thứ 7 mà đoàn dừng chân.

* Cuộc gặp gỡ chân tình, cởi mở

Chủ tịch Vũ Hoàng Hà trao quà lưu niệm cho đoàn DNVK

Ngay những phút đầu tiên vừa đặt chân đến Quy Nhơn - Bình Định, đoàn DNVK đã được UBND tỉnh và các ngành chức năng đón tiếp nồng hậu. Tại buổi tiếp, ông Vũ Hoàng Hà - Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu với các thành viên trong đoàn những nét cơ bản về điều kiện tự nhiên, tiềm năng kinh tế, cơ hội đầu tư, những dự án, công trình trọng điểm của tỉnh… cùng những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong, ngoài nước, cũng như chính sách ưu đãi đối với nhân tài… của tỉnh Bình Định. Ông Vũ Hoàng Hà khẳng định: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định luôn sẵn sàng mời gọi và tạo điều kiện để các nhà doanh nghiệp (DN) Việt kiều về Bình Định đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Thay mặt các DNVK, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ DNVK - Trưởng đoàn, đã giới thiệu tóm tắt về CLB và về chuyến "Hành trình xuyên Việt" của đoàn. Ông cho biết, mục đích chuyến đi của đoàn là nhằm kết nối, hợp tác, hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nhân, DN Việt kiều hướng đầu tư về Tổ quốc, đồng thời giúp các DN trong nước tìm hiểu, xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài. Cũng theo sự giới thiệu của ông Mỹ, hiện CLB DNVK có 383 hội viên, gồm các doanh nhân Việt kiều và các công ty nước ngoài có liên quan đến Việt kiều, với khoảng 80 công ty TNHH ở trong nước.

Qua trò chuyện, tâm sự, tìm hiểu về cuộc sống, công việc đầu tư, làm ăn, kinh doanh… các DNVK đã bày tỏ tình cảm và niềm vui trước sự đổi mới và phát triển của quê hương, đất nước… Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều Bỉ) là một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tâm sự: "Tôi xa Tổ quốc gần 40 năm. Ngay từ năm 1976, sau ngày hòa bình lập lại, tôi đã về nước. Năm 1995, tôi đã xây dựng một cơ sở đào tạo mang tên Trung tâm Cao học Việt Bỉ - EMMC (TP.HCM). Trong số học viên của chúng tôi có khá nhiều người gốc Bình Định". Ông Trưởng đoàn Nguyễn Ngọc Mỹ đang sở hữu vài chục công ty lớn nhỏ ở trong và ngoài nước, trong đó Việt Nam có 11 công ty. Ông thổ lộ: "Sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 36 về chính sách đối với người Việt ở nước ngoài, chúng tôi thấy mình cần phải tiến thêm một bước nữa là "tìm nguồn, khơi dòng chảy", bằng cách thực hiện một chuyến xuyên Việt".

Giáo sư Lê Quý (Việt kiều Úc) là một chuyên gia nổi tiếng về bộ môn thiết kế, kết cấu, đồng thời là thành viên Hội Kỹ sư Úc, là tác giả của khá nhiều công trình xây dựng lớn ở trong và ngoài nước. Ông tâm sự: "Tôi xa Tổ quốc đã tròn 46 năm, 6 tháng, 6 ngày. Có xa nhà lâu mới thấy tình nghĩa quê hương, đất nước ý nghĩa như thế nào. Tôi nghĩ rằng, người ta có thể làm ăn, tạo nên một tài sản, địa vị lớn ở nước ngoài, nhưng chưa ai từng rời nước mình đi qua một nước khác mà tìm được ở đó quê cha, đất tổ…".

* Cùng hướng đến tương lai

Thay mặt đoàn, ông Nguyễn Ngọc Mỹ đã cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo của UBND tỉnh. Ông thành thực giãi bày: "Tối 12-1, tôi có đi tham quan đại lộ Nguyễn Tất Thành, bên cạnh những ngôi nhà cao tầng, tôi thấy những bãi cỏ rộng. Đó chính là biểu hiện của tầm nhìn xa, trông rộng. Giờ đây, được nghe phát biểu của ông Chủ tịch tỉnh tôi càng tin tưởng về sự phát triển đi lên của Bình Định trong tương lai".

Thắng cảnh bãi biển Cát Tiến (Phù Cát) là một tiềm năng hấp dẫn cho các nhà đầu tư về du lịch

Các thành viên trong đoàn cũng góp ý về một số vấn đề, như: chính sách đối với Việt kiều, nhất là đối với doanh nhân; chính sách ưu đãi đầu tư; việc thông tin, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của Bình Định… Ông Phạm Khắc Lãm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, một tỉnh có nhiều tiềm năng như Bình Định mà chỉ có duy nhất 1 DN của Việt kiều đầu tư xây dựng thì quả là quá ít. Theo ông, một trong những nguyên nhân là do Bình Định ít được giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là ở nước ngoài. Bình Định không thành lập được một Ban Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài cũng là một trong những hạn chế. Các DNVK cũng chân thành đóng góp những ý kiến với tỉnh xung quanh vấn đề đầu tư, quy hoạch, phát triển KT-XH… và hứa hẹn sự hợp tác trong tương lai. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết, là một chuyên gia trong lĩnh vực GD-ĐT, ông có thể giúp cho Bình Định về lĩnh vực này. Trước mắt, ông sẵn sàng tiếp nhận 5 kỹ sư của Bình Định có trình độ chuyên môn giỏi để gửi đào tạo tại châu Âu. Ông cũng có thể giúp tỉnh về một số lĩnh vực như phương pháp tính toán hiện đại trong xây dựng công trình thủy lợi, về xây dựng trạm quan trắc để đo đạc những dữ kiện về biển, đất, bờ, dự báo sóng thần… Giáo sư Lê Quý cho biết có thể tham gia những công trình về GD-ĐT, nhất là về bộ môn thiết kế. Ông tâm sự: "Qua tiếp xúc, tìm hiểu, chúng tôi rất quan tâm đến dự án khu kinh tế Nhơn Hội. Theo chúng tôi, đây là một dự án lớn và tôi tin rằng dự án này có thể làm thay đổi nền kinh tế tỉnh nhà. Đồng thời, chúng tôi cũng dự định xây dựng một dự án về du lịch ở khu vực Bãi Dài".

Với tư cách Chủ nhiệm CLB DNVK - Trưởng đoàn, ông Nguyễn Ngọc Mỹ cho rằng trong một tương lai không xa Bình Định sẽ phát triển mạnh mẽ. Đối với CLB DNVK, chuyến đi này mới chỉ là chuyến "hành trình xuyên Việt" đầu tiên. Ông cho biết, trong năm tới đoàn sẽ quay lại Bình Định để tiếp tục tìm hiểu, xúc tiến việc đầu tư. Riêng bản thân ông, thì có dự định sẽ đầu tư tại Bình Định một công trình thuộc lĩnh vực du lịch.

Thời gian thăm và làm việc ở Bình Định không lâu nhưng đã để lại trong lòng các thành viên của Đoàn DNVK những tình cảm tốt đẹp. Hy vọng rằng, chuyến thăm và làm việc của đoàn tại Quy Nhơn sẽ mở ra những triển vọng mới về hợp tác, đầu tư giữa các DNVK với Bình Định, góp phần đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển.

. Viết Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
TP Quy Nhơn: Thị trường nhà đất đang "đóng băng"  (16/01/2005)
Chuyện ghi ở Bình Tân  (16/01/2005)
"Nơi sông trở về"  (14/01/2005)
Hẩm hiu hạt muối Mỹ Thành   (14/01/2005)
Vĩnh Hòa - vùng đất mới  (13/01/2005)
Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm   (13/01/2005)
Hà Ri - nỗi niềm bên những cánh rừng  (12/01/2005)
Du lịch Bình Định đã khởi sắc  (12/01/2005)
Vĩnh Bình hôm nay  (11/01/2005)
Thuốc trừ cỏ hại chết... lúa  (11/01/2005)
Quên đi quá khứ, chăm lo làm giàu   (10/01/2005)
Làm giàu từ nghề cung ứng cây giống   (09/01/2005)
"Xông" nhà tỉ phú ngư dân   (09/01/2005)
Kiến trúc Quy Nhơn: Nhìn qua những công trình   (07/01/2005)
Loại bỏ xe ô tô quá "đát": Hoạt động vận tải ở Bình Định vẫn ổn định  (07/01/2005)