Mùa kiệu
16:39', 17/1/ 2005 (GMT+7)

. Phóng sự của Viết Thọ - Thu Hà

Từ Quốc lộ 1A rẽ vào tỉnh lộ 631 về hướng Mỹ Trinh (Phù Mỹ), đi khoảng hơn năm trăm mét, đã thấy mùi hăng hăng của kiệu xộc vào mũi. Kiệu nằm bên những hiên nhà, kiệu dưới những mương nước, kiệu ngất ngểu trên những chuyến xe thồ về các điểm mua bán rồi lại ngút trên những chuyến xe tải, xe công nông về "ăn" kiệu, chở vào trong Nam tiêu thụ trong những ngày cận tết…

* "Thủ đô" kiệu vào mùa

              Thu hoạch kiệu

Tỉnh lộ 631 tuy đã được cấp phối, nay trở nên lầy lội với những chuyến xe vào ra tấp nập. Có đoạn, xe đã kéo nát thành từng bãi bùn, đọng thành những ổ voi trơ khơ bùn đất. Gặp một cặp vợ chồng đang lúi húi đẩy xe kiệu, thấy chúng tôi lui cui chụp hình, họ nói: "Chú có chụp thì chụp cái con đường đây này. Gớm, có mỗi con đường mà kiến nghị mãi vẫn chưa thấy bê tông cho dân tụi tui nhờ. Cứ đến mùa kiệu là vất vả."

Vâng, có vất vả nhưng là cái vất vả trong niềm vui được mùa. Đi thêm vài đoạn nữa, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến niềm vui ấy. Bên những sọt kiệu rõ to trải dọc trên tuyến đường bê tông từ Mỹ Trinh đổ ra thị trấn Phù Mỹ, những chiếc xe hon-da chất kiệu cao hơn đầu người, tiếng cười râm ran của người trồng kiệu, người thu mua. Kế bên, là những người nhặt kiệu thuê đang rửa kiệu rồi dùng liềm xén ngọn, xếp kiệu thành từng đống. Trên đường làng, không chỉ xe độ chế trung chuyển mà cả những chiếc xe tải cỡ mươi, mười lăm tấn cũng theo thương lái vào tận ruộng "ăn" hàng. Chị Hoa, người thôn Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ cho biết, mỗi ngày chị thu mua hơn 10 tấn kiệu đầy một xe tải chở vào tận Cần Thơ. Và những ngày giáp tết này, ngày nào cũng có hàng chục chiếc xe tải như vậy, không chỉ của thương lái Phù Mỹ mà các tỉnh khác, chủ yếu ở miền trong ra đây mua kiệu.

"Năm nay, Mỹ Trinh lại được mùa kiệu" - làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Trinh, khẳng định vậy. Năm 2004, diện tích kiệu Mỹ Trinh tương đương năm 2003 (khoảng 210 ha, trong đó, có 40 ha kiệu giống), nhưng sản lượng đạt 2.940 tấn, nhích hơn so với năm 2003 khoảng 140 tấn. Và những lứa kiệu đầu mùa của Tết Ất Dậu vừa xuất ra đã tràn đầy hứa hẹn. Thoáng qua những cánh đồng trồng kiệu với cảnh những người đang lúi húi thu hoạch, chúng tôi đã cảm nhận thật rõ điều này. Trên những luống cát, xanh ngắt những đồng kiệu. Một chị nông dân nhổ thử cho tôi xem những củ kiệu mẩy, to. Được mùa được giá, những người nông dân Mỹ Trinh đang rất phấn chấn. Giá kiệu năm nay có nhích hơn chút ít, kiệu rửa hiện đang nằm giá khoảng 1500-2000đồng/kg và 2.200 đồng/kg với kiệu giũ. Ông Hùng nói: "Trung bình một sào thu hoạch được một tấn kiệu. Nếu là kiệu giũ thì một sào cầm 2 triệu trong tay là chắc ăn rồi, kiệu rửa thì ít tiền hơn". Anh Nguyễn Hữu Khương, Bí thư xã đoàn, cũng là một người trồng kiệu, giải thích thêm: "Kiệu bán ra có hai loại. Kiệu thu hoạch xong, ngâm nước từ sáng đến chiều rồi rửa cho ra hết đất gọi là kiệu rửa. Còn kiệu giũ là chỉ giũ phần đất cho sạch. Kiệu giũ thì thường có giá cao hơn tí đỉnh. Ngoài lý do kiệu nước do ngâm nước nên nặng cân hơn, còn một nguyên nhân khác là kiệu giũ thường trồng trên đất cát nên chất lượng ngon hơn kiệu rửa thường trồng trên đất sét".

* Đất chịu cây, người quý đất

Niềm vui được mùa

Cây kiệu đã có mặt ở Mỹ Trinh từ những năm mới giải phóng. Ba mươi năm, dù Mỹ Trinh nay đã có thêm nhiều loại cây trồng khác, nhưng cây kiệu vẫn ngày càng phát triển thêm về diện tích. Mỹ Trinh trở thành vùng kiệu lớn nhất của cả tỉnh. Thật ra, kiệu không kén đất và rất nhiều địa phương khác, ngoài tỉnh như Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Long An, hay trong tỉnh như Hoài Ân đều trồng được nhưng kiệu Mỹ Trinh lại mang một hương vị đặc biệt: kiệu ngọt chứ không đắng như những nơi khác. Người trồng kiệu Mỹ Trinh tiếng ăn đời ở kiếp với cây kiệu nhưng cũng khó phân biệt đâu là kiệu nhà, đâu là kiệu nơi khác. Vậy nhưng thương lái họ lại rành rẽ lắm. Kiệu nơi khác chở tới, dù cố gắng bó cho giống bó kiệu của Mỹ Trinh đến mấy thì thương lái họ cũng nhận ra được và nhất định không mua.

Chúng tôi hỏi chuyện một người chuyên thu gom kiệu chở vào thành phố Hồ Chí Minh, anh chỉ cười mà rằng: "Nghề của qua mà em cứ hỏi. Không phân biệt được đâu là kiệu Mỹ Trinh thì làm sao đi buôn kiệu nổi, có ngày sạt nghiệp chứ chẳng chơi. Người ăn kiệu trong đó, chủ yếu là dân Bình Định. Khi mua họ hỏi kỹ lắm, phải kiệu Mỹ Trinh thì họ mới mua".

Hỏi bí quyết để cây kiệu cho năng suất cao, bác Trần Đình Mậu ở thôn Trinh Vân Nam, một trong những người trồng kiệu thành công nhất cả xã, cho biết: "Thật ra cây liệu cũng kỹ tính dữ lắm, nắng không ưa mưa không chịu, cần phải được chăm sóc dữ lắm. Cây kiệu kỵ nhất là trời có sương, hễ sương xuống là lá kiệu bị hư liền. Bởi vậy, đất nào cũng trồng kiệu nhưng không phải ai cũng khá lên nhờ kiệu được đâu. Có người không có kinh nghiệm, có năm bị hư hết, phải chịu lỗ đấy chứ". Rồi ông "bật mí" kinh nghiệm của mình: "Muốn củ kiệu trông được đều, quan trọng nhất là khâu lựa giống để ươm ngay từ ban ban đầu. Ăn tết xong xong, trước khi mình ươm giống thì phải chọn ra, củ lớn thì trồng theo lớn, nhỏ theo nhỏ, rồi mới ươm giống để trồng. Lại phải đầu tư dữ lắm. Như gia đình tôi cứ 1 sào phải bón 10kg NPK, 20kg phân đạm." Bởi đầu tư kỹ từng khâu như vậy nên mùa kiệu nào nhà bác Mậu cũng trúng to, thương lái tranh nhau mua, xe đến lấy hàng ngay tại ruộng. Cần mẫn trên mảnh đất quê, bác Mậu đã có thể cho con cái ăn học đường hoàng. 6 người con của bác, 4 đang ở TP. Hồ Chí Minh trong đó 2 đang học đại học, 2 nay đã ra nghề, chỉ còn 2 đang học phổ thông. "7 sào, mình tôi làm sao nổi, phải thuê cả đấy. Mỗi khi thu hoạch hay xuống giống, phải tới 7-8 người làm. Phải thuê mất 3 triệu đồng cho mỗi ha như vậy. Nhưng rồi mình cũng phải hướng dẫn họ làm. Mà tui nghĩ, cây gì cũng vậy thôi, không tâm huyết với nó thì sao có trái ngọt cho mình được?" - bác Mậu nói.

Còn anh Lê Đình Nhân, năm nay 28 tuổi, ngày mới xuất ngũ, lập gia đình, anh còn ở chung với cha mẹ. Hơn năm sau mới mua được mảnh đất, cất căn nhà. Hơn 2 sào đất trồng dưa, 3 sào kiệu, anh Nhân nhẩm tính mỗi năm anh thu nhập được vài chục triệu đồng. "Dưa leo, dưa hồng, ít đầu tư hơn lại trồng quanh năm nên thu nhập cao hơn. Nhưng cây kiệu là cây "sắm tết", không có nó thì gay lắm. Nói gì thì nói, thu nhập có thấp mấy thì thấp, nhưng cữ tháng bảy là lo trồng kiệu, rồi gì thì gì chứ mỗi gia đình chỉ cần trồng hai, ba sào kiệu tết là đã có trong tay vài triệu, dư dả sắm một cái tết tươm tất rồi. Còn với những loại cây khác như dưa leo, dưa hồng thì cứ làm ăn quanh năm thôi".

* Nỗi lo của người trồng kiệu

Rửa kiệu

Năm nay, huyện Phù Mỹ cũng đã có những đầu tư đáng kể cho vùng kiệu Mỹ Trinh. Đường tỉnh lộ 631 đã được cấp phối, có đoạn đã bê tông, đặc biệt, đường từ Mỹ Trinh ra thị trấn Phù Mỹ đã được bê tông hóa, nhưng cái khổ, cái lo của người trồng kiệu vẫn còn. Năng suất có tăng, giá nhích hơn chút đỉnh nhưng chi phí vật tư nông nghiệp cao nên thu nhập người trồng kiệu giảm. Ông Trần Quang Vinh, Bí thư Chi bộ thôn Trinh Vân Nam, tính toán: "Chi phí năm nay tăng hơn chừng gấp rưỡi. Như phân bón, trước chỉ khoảng 3.000 đồng/kg thì năm nay 4.500 đồng/kg. Bởi vậy, những năm trước, trừ chi phí còn lại thu nhập cỡ 700-800.000 đồng/sào thì năm nay, chỉ còn cỡ 500.000 đồng".

Đường tỉnh lộ 631 đã cấp phối nhưng xe tải ra vào vẫn còn khó khăn. Trời mưa nhiều, đường lầy lội xe tải vào tận ruộng không được, phải nằm ngoài quốc lộ chờ xe độ chế trung chuyển ra. Chi phí trung chuyển mỗi tấn kiệu từ ruộng ra đến Quốc lộ mất thêm khoảng 50.000 đồng. "Mọi chi phí rồi cũng đổ lên đầu người trồng kiệu cả mà thôi. Tiền trung chuyển tuy là thương lái tính nhưng rồi họ vin vào đó để ép giá người bán. Thành ra người nông dân cứ chịu khổ" - ông Vinh nói. Còn anh Trường, một người trồng kiệu, vừa bán được hai sọt đầy kiệu, nghe chúng tôi hỏi chuyện giá cả, than thở về một nỗi lo khác: "Cả cái bãi kiệu này mà chỉ có mỗi một người thu mua, hỏi người trồng kiệu lũ tui sao không bị ép giá. Kiệu đẹp như vầy mà chỉ mua giá 1.500 đồng/kg thì lỗ là cái chắc chứ lời lãi gì!". Một nông dân khác, đang cân kiệu bên cạnh, nghe chuyện, hỏi chúng tôi: "Nghe mấy ông lãnh đạo huyện trả lời phỏng vấn nhà báo nói chuyện đưa kiệu vào siêu thị mà mừng quá. Nhưng bao giờ mới đi vào thực tế hả chú?".

. VT-TH

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một triển vọng mới về hợp tác, đầu tư  (17/01/2005)
TP Quy Nhơn: Thị trường nhà đất đang "đóng băng"  (16/01/2005)
Chuyện ghi ở Bình Tân  (16/01/2005)
"Nơi sông trở về"  (14/01/2005)
Hẩm hiu hạt muối Mỹ Thành   (14/01/2005)
Vĩnh Hòa - vùng đất mới  (13/01/2005)
Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm   (13/01/2005)
Hà Ri - nỗi niềm bên những cánh rừng  (12/01/2005)
Du lịch Bình Định đã khởi sắc  (12/01/2005)
Vĩnh Bình hôm nay  (11/01/2005)
Thuốc trừ cỏ hại chết... lúa  (11/01/2005)
Quên đi quá khứ, chăm lo làm giàu   (10/01/2005)
Làm giàu từ nghề cung ứng cây giống   (09/01/2005)
"Xông" nhà tỉ phú ngư dân   (09/01/2005)
Kiến trúc Quy Nhơn: Nhìn qua những công trình   (07/01/2005)