Nhơn Lộc - một xã nằm về phía Tây của huyện An Nhơn - đã biết khơi dậy sức dân, tranh thủ ngoại lực… Những gì mà địa phương đã làm được như hôm nay, khiến chúng ta không khỏi ngỡ ngàng.
|
Đường vào trung tâm xã Nhơn Lộc hôm nay |
1. Bắt đầu từ chuyện "điện - đường - trường - trạm". Ông Trương Thế Lưu - Chủ tịch UBND xã nhớ lại: Chủ trương được triển khai từ trên xuống, người dân được tham gia bàn bạc đến bước cuối. Phần nào của Nhà nước, phần nào của dân bỏ ra - khi những vướng mắc đều đã thông thì việc gì làm cũng dễ. Chỉ sau 2 năm, xã đã hoàn thiện được 5 trạm hạ thế và mạng lưới điện thắp sáng phủ kín được hơn 90% số hộ.
Điện về đã làm thay đổi cách nhìn của người dân lam lũ. Những tuyến đường đất dọc ngang trong thôn, xã nhếch nhác, lầy lội mỗi khi vào mùa mưa giờ bỗng trở thành cái gai trong con mắt. Khi xã đưa ra mức đóng góp 25 kg thóc/1 sào, không một ai phải đắn đo. Ngay trong năm 2000 - năm đầu tiên tỉnh có chủ trương bê tông hóa giao thông nông thôn, Nhơn Lộc đã khánh thành được 13 km đường. 3 năm tiếp theo nâng lên 27 km. Từ năm 2004, không còn được hỗ trợ 120 tấn xi măng/km, nhiều địa phương trong tỉnh đã bỏ dở nhưng ở Nhơn Lộc thì trái lại, phong trào bê tông hóa vẫn "nóng hổi" đến từng ngõ hẻm. Cả xã đang phấn đấu đến cuối năm 2005 sẽ bê tông được 100% tuyến đường (xã đầu tiên trong tỉnh về đích).
Có đường tốt, nhu cầu đi lại để giao lưu làm ăn của người dân trong và ngoài địa phương tăng vọt. Các dịch vụ, quán sá nhanh chóng được mọc lên. Đã có 1 cái chợ ở trung tâm, 5 ngày nhóm 2 phiên và chiều nào cũng nhóm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, xã phải đầu tư kinh phí xây dựng thêm 2 chợ ở 2 đầu xã. Cũng từ sức dân (50% vốn đối ứng - hơn 1,1 tỉ đồng), đến cuối năm 2002 Nhơn Lộc đã tầng hóa được 36 phòng học cho cấp THCS. Đến chuyện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân cũng được chăm chút: 2 bác sĩ, 3 y sĩ và 9 y tá cho 6 thôn. Ông Lưu còn cho biết, năm nay xã đăng ký chuẩn về y tế quốc gia.
2. Cách đây 5 năm, người ta còn biết đến Nhơn Lộc như một xã cá biệt với gần 1/3 số hộ gia đình rập rình ở ngưỡng nghèo khó, 23 hộ đói ăn. Mặc dù bên cạnh họ đã có nguồn nước tự chảy của Hồ Núi Một, mỗi năm làm 3 vụ lúa ăn chắc… Nhưng đất chật người đông, cây lúa độc canh đã không "cõng" nổi hơn 9.000 dân. Phải thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó chú trọng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đồng thời với tăng tỉ trọng dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp.
Từ trăn trở đến ý tưởng rồi biến thành Nghị quyết của Đảng bộ. Công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ KHKT (đặc biệt là công tác giống - chiếm đến hơn 80% diện tích được làm giống xác nhận) vào đồng ruộng được tăng cường. Các cây trồng cạn cho giá trị kinh tế cao: ngô lai, đậu các loại được bổ sung, "nới" dần vị trí độc tôn cây lúa. Diện tích trồng lúa bị thu hẹp lại từ 30- 40 ha mỗi năm nhưng sản lượng quy thóc hàng năm vẫn tăng đều, xấp xỉ 8.600 tấn/năm.
Trong chuyện xóa đói giảm nghèo, Nhơn Lộc cũng có cách làm riêng của mình, không giống ai: Dành hẳn 2 ha đất dự phòng cho các hộ nghèo, thiếu ăn mượn "chay". Hộ nào thoát xong thì quay vòng đến hộ khác…
3. Cái ăn đã không còn phải lo toan, người dân Nhơn Lộc tính đến chuyện làm giàu. Dưới ruộng, bên cạnh cây lúa giờ đã có thêm con cá nuôi xen, mỗi năm giá trị thu nhập tăng lên 50-60 triệu đồng/ha. Xã đang có kế hoạch mở rộng mô hình lên quy mô 35 ha. Trên bờ, nghề vỗ béo bò thịt trở thành vấn đề thời sự. Những con bò gầy ốm do thiếu thức ăn, cày kéo quá tải - nghe phong phanh ở đâu có là lập tức dân Nhơn Lộc tìm đến ngay. Không nuôi nhiều, mỗi hộ nuôi chỉ 2-3 con trở lại, để dành ra 1 sào đất để trồng cỏ cao sản. Công thức vỗ béo: cỏ + mì + ngô lai + bã rượu (được Trung tâm KHKT vật nuôi tỉnh chuyển giao trước đó) đã nằm lòng trong từng hộ gia đình. Nhanh thì 1,5 tháng - chậm 2 tháng, là có thể xuất chuồng, rủng rỉnh trong túi tiền lời từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng/con.
|
Nuôi cá nước ngọt đang thu hút người dân Nhơn Lộc |
Tuy nhiên, nghề nuôi bò lai sinh sản lại hấp dẫn nông dân Nhơn Lộc hơn. Tại thời điểm hiện nay một con bò cái lai trưởng thành có thể bán với giá 25-27 triệu đồng, trong khi một con bò vàng địa phương chỉ nằm ở mức 8-9 triệu đồng; còn một con bê lai cái chừng 5 tháng tuổi đã có thể thách sát giá không dưới 8 triệu đồng. Nhà nhà, người người cùng nuôi bò lai sinh sản để làm giàu. Thiếu vốn, đã có các tổ chức đoàn thể làm tín chấp. Hiệu quả cao, thu hồi nhanh, nợ nần thanh toán sòng phẳng - Nhơn Lộc trở thành địa chỉ tin cậy của các tổ chức tín dụng. Cuối năm 2004, xã thống kê số lượng đàn bò tăng vọt: 2.300 con, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 1.650 con (trong đó riêng bò cái lai sinh sản chiếm 1.648 con, tức là đã có ít nhất gần 40 tỉ đồng trong dân).
Chưa dừng lại, những hộ gia đình có điều kiện còn toan tính làm ăn ở quy mô lớn hơn. 19 trang trại kinh doanh tổng hợp vừa và nhỏ đang từng bước chứng tỏ ưu thế của mình. Các ngành nghề truyền thống được khôi phục và mở rộng, đặc biệt là 2 sản phẩm rượu Bàu Đá và chế biến bánh tráng (theo công nghệ mới) của địa phương đã vượt ra khỏi lũy tre làng, đến tận các nước xa xôi trên thế giới. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới từ 15,3% (2001) đến nay đã giảm còn 5%, bỏ xa mức bình quân chung của toàn tỉnh (13%).
Nội lực của Nhơn Lộc đã được khơi dậy mạnh mẽ. Bài học không có gì mới nhưng không phải địa phương nào cũng làm được: Nội bộ đoàn kết, biết phát huy triệt để vai trò của người dân và biết tranh thủ ngoại lực. Trên con đường đô thị hóa nông thôn, Nhơn Lộc còn nhiều việc phải làm, nhưng những thành tựu mà địa phương đã có được như hôm nay, Nhơn Lộc xứng đáng được nhận HCLĐ hạng 3 mà Hội đồng thi đua khen thưởng của tỉnh đang đề nghị.
. Hưng Thịnh |