Bãi Xép đi lên từ tôm hùm giống
16:9', 19/1/ 2005 (GMT+7)

Hôm chúng tôi đến, 81 chiếc thuyền của ngư dân Bãi Xép, phường Ghềnh Ráng (Quy Nhơn) đã đồng loạt ra khơi bắt đầu cho một mùa vụ đánh bắt tôm hùm giống trên biển.

* Giàu lên nhờ tôm hùm giống

Một góc Bãi Xép (ảnh: Văn Lưu)

Cứ độ vào tháng 11 âm lịch kéo dài cho đến tháng 4 âm lịch là thời điểm ngư dân Bãi Xép bước vào mùa vụ đánh bắt tôm hùm giống. Vì tôm hùm giống chỉ rộ lên vào mùa đông, khi trời trở gió, biển nổi cơn sóng lạnh và tôm tập trung nhiều ở những vỉa, rạng dọc ven biển. Nhờ nhiều năm được mùa liên tiếp cộng với giá bán cao, người dân ở khu vực Bãi Xép đã giàu lên một cách nhanh chóng. Bãi Xép hiện có 120 hộ (gần 700 nhân khẩu) với 81 thuyền đánh bắt gần bờ, trong đó gần 500 người sinh sống bằng nghề biển.

Nghề bắt tôm hùm giống đã bắt đầu ở Bãi Xép từ gần chục năm nay, tuy nhiên buổi đầu, ngư dân vẫn chủ yếu là lặn bắt tôm. Nghề càng phát triển, số người lặn bắt giảm nhiều, thay vào đó, ngư dân chuyển sang bắt tôm bằng cách dùng mành đèn và thả chà. Nghề đánh bắt tôm hùm giống cho thu nhập cao nên thu hút nhiều người theo nghề. Khu vực Bãi Xép có gần 700 nhân khẩu thì đã có đến 500 người theo nghề biển là vậy.

Cách đây chừng vài năm về trước cả khu vực Bãi Xép không có một ngôi nhà ngói nào. Vậy mà giờ đây, tất cả đã xây được nhà ngói khang trang, nhiều hộ xây cả nhà lầu, 100% nhà có ti vi, 90% nhà có xe máy và mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền khác. Có được sự đổi thay nhanh chóng này, đều nhờ vào việc đánh bắt tôm hùm giống. Ông Nguyễn Hữu Kính, một trong những ngư dân giàu nhất của Bãi Xép, cho biết: "Cách đây chừng 5 năm, hai vợ chồng tôi phải leo lên núi đốn củi để bán góp tiền mua gạo chạy ăn từng bữa. Giờ thì nhờ biển, nhờ con tôm hùm giống gia đình tôi đã giàu lên. Tôi đã xây được ngôi nhà mới 2 "mê", mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền trong nhà. Đặc biệt, hai chiếc thuyền của gia đình tôi có hiện nay cũng từ tôm hùm giống. Bình quân mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 40-50 triệu đồng".

Hoặc chuyện làm giàu của anh Võ Kim Bé, 32 tuổi, đã làm cho mọi người ở đây phải nể phục. Cách đây 7 năm bệnh tâm thần đã vật ngã anh, lúc tỉnh, lúc lên cơn. Cứ lúc lên cơn là gia đình đưa anh nhập viện, lúc tỉnh thì anh lại về nhà đi đánh bắt tôm hùm giống. Vậy mà trong vòng 3 năm trở lại đây anh đã "phất" lên, xây được ngôi nhà ngói khang trang trị giá 50 triệu đồng, tiếp đó anh dành dụm mua một chiếc thuyền trị giá 30 triệu để tách ra đi đánh bắt riêng. Hiện nay vào mùa tôm giống, anh thu nhập từ nghề này 200-300 ngàn đồng/đêm.

Thuyền đánh bắt tôm hùm giống của ngư dân Bãi Xép (ảnh: Văn Lưu)

Bên cạnh đó, sau khi tôm giống đánh bắt được, nhiều hộ đã mạnh dạn không đem bán ngay mà còn thu mua lại của các ngư dân khác rồi tiếp tục đầu tư nuôi thêm từ 1,5- 2 tháng mới đem bán. Như vậy sẽ được giá hơn, tăng khoảng 30% so với bắt lên bán liền. Nhiều hộ như Trần Văn Nghiêm, Võ Ra, Nguyễn Hữu Phước... đã thu lãi khá cao, từ 15- 20 triệu đồng, cho mỗi đợt nuôi như thế.

Theo những người đánh bắt tôm giống ở đây, năm nay số lượng tôm hùm giống đánh bắt được có giảm so với mùa vụ năm trước. Mặc dù vậy, đêm nào "trúng mánh" có thuyền cũng bắt được 10-15 con (giá hiện nay 100.000 đồng/con tôm hùm giống). Trừ đi mọi khoản chi phí, còn lại giữa chủ thuyền và người đi đánh bắt chia theo tỉ lệ 2-1, mỗi người cũng thu nhập từ 200- 300 ngàn đồng/đêm.

* Đôi điều trăn trở

Bãi Xép, khu vực từng được ví là "góc bể chân mây", đã đổi thay và giàu lên một cánh nhanh chóng, chủ yếu là nhờ vào con tôm hùm giống; bên cạnh đó là còn nhờ vào sự giao thương thuận lợi từ khi con đường Quy Nhơn - Sông Cầu (QL 1 D) được mở ra. Nhưng bên cạnh niềm vui đó, người dân nơi đây vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Cái trăn trở lớn nhất là việc vay vốn để sửa chữa lại tàu thuyền. Ông Nguyễn Xuân Thành, khu vực phó khu vực Bãi Xép, cho biết: "Đa số thuyền của ngư dân Bãi Xép đã đóng từ lâu hoặc mua thuyền cũ nên sau một thời gian đánh bắt đã hư hỏng nặng. Do đó họ đang "khát" vốn để sửa chữa hoặc đóng mới lại thuyền. Nhưng với cách cho vay hiện nay, mỗi sổ đỏ chỉ được vay 10 triệu đồng là quá ít, không giúp được gì nhiều cho ngư dân."

Và điều trăn trở nữa, cũng theo ông Thành, mặc dù đời sống kinh tế của ngư dân Bãi Xép ngày càng phát triển nhưng việc học của con em ở đây đa số chỉ học hết tiểu học là nghỉ vì muốn học cao hơn, các em phải vào đến Quy Nhơn. Bãi Xép đang cần một trường THCS.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tiến độ vẫn chưa nhanh   (19/01/2005)
Năng động Nhơn Lộc  (18/01/2005)
Làng nghề nhộn nhịp đón Tết  (18/01/2005)
Mùa kiệu  (17/01/2005)
Một triển vọng mới về hợp tác, đầu tư  (17/01/2005)
TP Quy Nhơn: Thị trường nhà đất đang "đóng băng"  (16/01/2005)
Chuyện ghi ở Bình Tân  (16/01/2005)
"Nơi sông trở về"  (14/01/2005)
Hẩm hiu hạt muối Mỹ Thành   (14/01/2005)
Vĩnh Hòa - vùng đất mới  (13/01/2005)
Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm   (13/01/2005)
Hà Ri - nỗi niềm bên những cánh rừng  (12/01/2005)
Du lịch Bình Định đã khởi sắc  (12/01/2005)
Vĩnh Bình hôm nay  (11/01/2005)
Thuốc trừ cỏ hại chết... lúa  (11/01/2005)