Nhơn Hội - động lực mới của miền Trung
15:26', 20/1/ 2005 (GMT+7)

Cùng với Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và Khu khuyến khích phát triển kinh tế - thương mại Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là hạt nhân, trung tâm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung trong "Phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020".

* Bệ phóng vào tương lai

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (đi giữa) thăm công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội (ảnh: Ngọc Diên)

Đó là khẳng định của ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khi nói về tầm quan trọng của Khu kinh tế Nhơn Hội đối với sự phát triển của Bình Định. Và đương nhiên, Nhơn Hội cũng là một trong những bệ phóng vào tương lai của miền Trung.

Theo quy hoạch, Khu kinh tế Nhơn Hội có diện tích khoảng 10 nghìn ha nằm độc lập với đất liền. Trong tương lai, vùng đất bạt ngàn cát trắng này sẽ phát triển thành khu kinh tế tổng hợp Nhơn Hội, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ miền Trung. Cụ thể các hạng mục được được quy hoạch như sau: Khu công nghiệp tập trung khoảng 1.000 ha với các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, cơ khí đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, hóa dầu, điện tử và vật liệu điện, công nghiệp dệt, da, may mặc xuất khẩu, xây dựng tổng kho trung chuyển; Khu đô thị mới Nhơn Hội với diện tích khoảng 500 ha, dự kiến quy mô dân số vào năm 2010 khoảng 80 nghìn dân, được xây dựng theo hướng đô thị hiện đại hướng biển; Khu cảng nước sâu và các công trình dịch vụ cảng khoảng 450 ha; Khu du lịch Nhơn Hội khoảng 500 ha; và phần diện tích còn lại để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khu kinh tế tổng hợp.

* Những bước đón đầu

Chỉ cách TP Quy Nhơn vài cây số nhưng cả một vùng bán đảo Phương Mai rộng lớn (nơi sẽ hình thành nên Khu kinh tế Nhơn Hội trong tương lai gần) trở nên xa xôi cách trở bởi sự ngăn cách của đầm Thị Nại. Cũng do cách trở nên vùng đất có diện tích trên 10 ngàn ha với nhiều tiềm năng và lợi thế này, đã bị lãng quên suốt hàng trăm năm. Mãi đến những năm cuối cùng của thế kỷ 20, sau rất nhiều trăn trở và thai nghén, tỉnh Bình Định đã quyết tâm xây dựng một tuyến cầu đường vượt qua đầm Thị Nại. Chỉ có như thế mới có thể đánh thức được bán đảo Phương Mai. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà, tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng nếu nó không được đánh thức và bán đảo Phương Mai sẽ không thể phát triển nếu nó không giải quyết được sự cách trở của tự nhiên để kéo Phương Mai về gần với nội thành Quy Nhơn hơn.

Sau nhiều năm chuẩn bị, cuối năm 2002, tỉnh Bình Định mới có điều kiện hiện thực hóa quyết tâm của mình. Tuyến cầu đường vượt đầm Thị Nại đã được khởi công xây dựng. Việc xây dựng tuyến cầu đường này cũng là "phát súng lệnh" mở đường cho việc xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội. Cũng theo ông Vũ Hoàng Hà, sự hình thành khu vực này sẽ là điểm nhấn quan trọng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của Bình Định và là bước đột phá đưa Bình Định trở thành vùng KTTĐ của khu vực trong thế kỷ 21.

Mô hình cầu vượt đầm Thị Nại

Và ngày 22-8-2004, phiến dầm đầu tiên của công trình cầu vượt đầm Thị Nại đã được lắp đặt, mở đầu cho việc hình thành một trong những cây cầu dài nhất Việt Nam, nối Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (toàn tuyến dài trên 7.000 mét, gồm 1 cầu chính vượt qua đầm Thị Nại dài 2.477 mét, rộng 14,5 mét và 5 cầu vừa, khởi đầu từ ngã 3 Đống Đa và kết thúc tại bắc núi Hang). Cùng với việc xây dựng tuyến cầu đường vượt đầm Thị Nại, tỉnh Bình Định cũng khởi động nhiều chương trình khác, như kêu gọi đầu tư vào Nhơn Hội, để "đón đầu" khu kinh tế của tương lai này.

* Hạt nhân của vùng KTTĐ miền Trung

Trong Phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng các khu kinh tế: Chu Lai, Dung Quất, Chân Mây và Nhơn Hội để sau năm 2010, các khu kinh tế này từng bước trở thành những hạt nhân, trung tâm phát triển của vùng nhằm phát huy tiềm năng, vị trí địa lý và các lợi thế so sánh của vùng, từng bước phát triển vùng KTTĐ miền Trung thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước, bảo đảm vai trò hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Như vậy, Nhơn Hội nói riêng và Bình Định nói chung đã trở thành một mắt xích không thể thiếu trong hành trình phát triển của miền Trung - Tây Nguyên. Đó vừa là niềm tự hào vừa là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân Bình Định. Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Định vào tháng 9-2004, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã nhấn mạnh: "Là một phần của vùng KTTĐ miền Trung, Bình Định phải nhận lãnh trách nhiệm nặng nề hơn với mình, với vùng và với cả nước. Với vai trò là hạt nhân tăng trưởng, Bình Định không chỉ làm cho mình, phát triển cho mình mà phải luôn luôn đặt Bình Định trong mối quan hệ với vùng, các tỉnh lân cận và Tây Nguyên." Chắc chắn, với tinh thần và truyền thống bách chiến bách thắng của Quang Trung - Nguyễn Huệ, Bình Định sẽ hoàn thành "sứ mệnh" của mình đối với sự phát triển của miền Trung - Tây Nguyên.

. Thúc Giáp

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giao dịch điện tử: Đang dần khẳng định ưu thế   (20/01/2005)
Bãi Xép đi lên từ tôm hùm giống  (19/01/2005)
Tiến độ vẫn chưa nhanh   (19/01/2005)
Năng động Nhơn Lộc  (18/01/2005)
Làng nghề nhộn nhịp đón Tết  (18/01/2005)
Mùa kiệu  (17/01/2005)
Một triển vọng mới về hợp tác, đầu tư  (17/01/2005)
TP Quy Nhơn: Thị trường nhà đất đang "đóng băng"  (16/01/2005)
Chuyện ghi ở Bình Tân  (16/01/2005)
"Nơi sông trở về"  (14/01/2005)
Hẩm hiu hạt muối Mỹ Thành   (14/01/2005)
Vĩnh Hòa - vùng đất mới  (13/01/2005)
Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm   (13/01/2005)
Hà Ri - nỗi niềm bên những cánh rừng  (12/01/2005)
Du lịch Bình Định đã khởi sắc  (12/01/2005)