Ứng dụng CNTT ở Bình Định: Chạy ở tốp đầu, nhưng đích còn xa
10:46', 24/1/ 2005 (GMT+7)

Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay, trình độ ứng dụng CNTT của tỉnh đạt mức trung bình so với cả nước. Nếu so với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thì Bình Định đứng sau TP. Đà Nẵng, ngang bằng với Thừa Thiên-Huế và hơn các tỉnh còn lại. Tuy vậy so với các mục tiêu đã đề ra, thì cái đích hãy còn xa.

Sử dụng tin học để phục vụ công việc đã trở nên phổ biến ở Bình Định

Mặc dù chưa có cuộc điều tra nào đầy đủ, nhưng nhìn chung tình hình ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh có nhiều bước tiến đáng kể, nhất là ở các ngành: Ngân hàng, Kho bạc, Bảo hiểm, Điện Lực, Bưu điện, Thuế v.v... Mức độ ứng dụng tin học phục vụ hoạt động quản lý và điều hành ở các cơ quan này đạt trên 70%. Riêng lĩnh vực tiếp cận thư viện số hóa ở Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh và Thư viện Đại học Quy Nhơn hiện đang dẫn đầu khu vực miền Trung.

Các cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh hầu hết đều ứng dụng CNTT trong quản lý kế toán tài chính, nhân sự, bán hàng, lập dự toán và thiết kế các công trình.... Mạng diện rộng (WAN) của tỉnh kết nối giữa Trung tâm tích hợp dữ liệu với các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc đã đi vào hoạt động trong việc khai thác các văn bản pháp quy, lịch công tác. Tại tỉnh đã có kênh truy cập internet tốc độ cao ADSL do Bưu Điện tỉnh phối hợp cùng VDC3 triển khai thực hiện, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển Internet. Nhờ vậy mạng Internet trong thời gian qua có bước phát triển đáng kể, đặc biệt là các dịch vụ công cộng. Tỉnh đã thực hiện dự án xây dựng các phần mềm dùng chung phục vụ nhu cầu tin học hóa ở các cơ quan, đơn vị và hỗ trợ quá trình tin học hóa cho các hoạt động trong doanh nghiệp. Theo tổng hợp của Sở KHCN, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành 50 Website của các doanh nghiệp và xây dựng 2 sàn giao dịch điện tử cho khối sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ du lịch (phục vụ 100 doanh nghiệp); chuyển giao phần mềm phục vụ quản trị tài chính doanh nghiệp Esoft 2000 cho 20 đơn vị.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2001-2005: Đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi CNTT có hiệu quả trong công tác lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước và các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh và quốc phòng. Xây dựng hệ thống thông tin tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, phục vụ sự chỉ đạo điều hành trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể: trên 80% cán bộ công chức được phổ cập tin học phục vụ chuyên môn; 100% sở, ban, huyện, thành phố, phường, thị trấn và 30 % số xã kết nối mạng diện rộng của tỉnh; hơn 10.000 số thuê bao sử dụng Internet…

(Chương trình phát triển CNTT tỉnh BĐ, giai đoạn 2001-2005)

Trên lĩnh vực lãnh đạo, quản lý và các hoạt động văn hóa - xã hội, tỉnh đã tập trung xây dựng hệ thống thông tin điện tử phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của HĐND và UBND tỉnh; đến nay lãnh đạo và chuyên viên của HĐND và UBND tỉnh đều có máy tính riêng và trao đổi thông tin trên mạng. Tại Trung tâm tích hợp của tỉnh đã trang bị hệ thống mạng, máy chủ và các thiết bị CNTT đảm bảo cho việc tích hợp dữ liệu, chia sẻ thông tin đến các sở, ban, ngành và nhiều đơn vị trực thuộc. Tỉnh cũng đã triển khai bổ sung trang thiết bị và hoàn thiện mạng LAN cho Văn phòng Tỉnh ủy, các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy và một số huyện, thành ủy. Tỷ lệ máy tính/ cán bộ, chuyên viên trong các cơ quan Đảng của tỉnh là 1/2,33 và cấp huyện là 1/7,8. Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh đã xây dựng xong mô hình thư viện số hóa nguồn tư liệu và đưa vào phục vụ bạn đọc. Ý nghĩa của dự án này là "cửa ngõ" quan trọng để bạn đọc tiếp cận với thông tin một cách thuận lợi và nhanh nhất. Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng đã xây dựng mạng LAN, trang bị phần cứng, tiếp nhận chương trình quản trị bệnh viện, góp phần làm thay đổi phương thức quản lý bệnh viện, mang lại hiệu quả rõ nét.

Tuy nhiên, cũng theo nhận xét của UBND tỉnh trong một báo cáo gần đây, thì việc ứng dụng CNTT ở Bình Định còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém. Một số chỉ tiêu đạt thấp so với Chương trình phát triển CNTT giai đoạn 2001-1005 như việc kết nối mạng thông tin diện rộng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến xã, phường, thị trấn chưa thực hiện được; số lượng thuê bao internet còn ít (khoảng 43%)… Nói chung việc triển khai các ứng dụng CNTT chưa nhiều và chưa rộng; chưa có những ứng dụng có tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiệm vụ còn lại trong năm 2005 rất nặng nề đòi hỏi sự cố gắng vượt bậc của các ngành, các cấp nếu muốn "về đích" kịp thời gian.

. Minh - Lý

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngành Du lịch: Chuẩn bị phục vụ khách du xuân  (21/01/2005)
Thị trường hoa Tết vào mùa  (21/01/2005)
Nhơn Hội - động lực mới của miền Trung   (20/01/2005)
Giao dịch điện tử: Đang dần khẳng định ưu thế   (20/01/2005)
Bãi Xép đi lên từ tôm hùm giống  (19/01/2005)
Tiến độ vẫn chưa nhanh   (19/01/2005)
Năng động Nhơn Lộc  (18/01/2005)
Làng nghề nhộn nhịp đón Tết  (18/01/2005)
Mùa kiệu  (17/01/2005)
Một triển vọng mới về hợp tác, đầu tư  (17/01/2005)
TP Quy Nhơn: Thị trường nhà đất đang "đóng băng"  (16/01/2005)
Chuyện ghi ở Bình Tân  (16/01/2005)
"Nơi sông trở về"  (14/01/2005)
Hẩm hiu hạt muối Mỹ Thành   (14/01/2005)
Vĩnh Hòa - vùng đất mới  (13/01/2005)