Khẩn trương dập tắt dịch cúm gia cầm
10:49', 24/1/ 2005 (GMT+7)

Ngay sau khi phát hiện dịch cúm gia cầm, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, tất cả các ngành liên quan đã ráo riết phòng chống dịch. Các cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với các ngành, dồn mọi nỗ lực để khoanh vùng và dập tắt các ổ dịch trong thời gian sớm nhất. Có thể nói, cả tỉnh đã bước vào cuộc chiến đấu với dịch cúm gia cầm.

* Khoanh vùng, chống dịch

Thu gom đàn vịt của các hộ chăn nuôi bị nhiễm vi rút H5N1 ở xã Nhơn Tân (An Nhơn) đi tiêu hủy

Từ ngày 10-1 đến nay, tại 9 hộ gia đình ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng (Tuy Phước) đã có hiện tượng vịt chết hàng loạt. Đầu tiên là đàn vịt gồm 1.200 con của hộ ông Nguyễn Ngọc Quang, mua tại một lò ấp ở thị trấn Bình Định. Ông Quang cho biết: "Đàn vịt  con này tôi mua về từ đầu tháng, sau một tuần thì bắt đầu có hiện tượng vịt chết hàng loạt". Sau đàn vịt của ông Quang, lần lượt các hộ gia đình nuôi vịt đẻ trong khu vực này cũng đã xảy ra hiện tượng vịt chết hàng loạt. Ngoài Phước Thắng ra, còn 3 đàn vịt khác ở thôn Luật Lễ, Vân Hội 1 (thị trấn Diêu Trì) cũng bị nhiễm dịch cúm gia cầm. Sau Tuy Phước đến một số đàn vịt ở Phù Cát, An Nhơn cũng bị nhiễm bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà:

Để công tác chống dịch đảm bảo đạt kết quả cao nhất, tôi đã yêu cầu các địa phương không được chậm trễ trong việc chuyển tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy. Nhằm giúp bà con nhanh chóng khắc phục thiệt hại, tối đa là 1 tuần kể từ ngày ra quyết định tiêu hủy, địa phương phải chi tiền hỗ trợ cho bà con.

Đang lúc "ngày hết Tết đến" như thế này mà bị dịch bệnh gây hại, bà con nông dân rất khổ sở, tôi lưu ý cán bộ có trách nhiệm chi tiền không được gây khó khăn, phiền hà cho bà con. Các huyện, thành phố chỉ góp một phần rất nhỏ, còn lại đã có ngân sách Trung ương, tỉnh chi rồi nên không được nói là thiếu kinh phí. Cán bộ nào gây phiền hà trong việc hỗ trợ cho bà con sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc.

. Bá Phùng (ghi)

Ngày 20-1, ngay sau khi Trung tâm Thú y vùng Đà Nẵng thông báo kết quả xét nghiệm 72/115 mẫu huyết thanh gia cầm trong tỉnh bị nhiễm vi rút H5N1, dù đang đi công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã điện về chỉ đạo Sở NN-PTNT nhanh chóng thông báo cho các hộ gia đình có đàn gia cầm bị nhiễm vi rút H5N1 biết, và tiến hành khoanh vùng phun thuốc khử độc, sát trùng, để tiêu hủy. Nhận được lệnh, ngay trong chiều 20-1, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm của Sở NN-PTNT đã phối hợp với xã Cát Tài (Phù Cát) lập biên bản tiêu hủy đàn vịt gần 1.000 con, và 350 quả trứng của hộ ông Nguyễn Văn Tiến ở thôn Thái Bình. Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND xã Cát Tài cho biết: "Xã đã trích ngân sách hỗ trợ 7.000 đồng/con vịt và trên 200 đồng/quả trứng cho gia đình ông Tiến và khoanh vùng trong bán kính 3 km để phun thuốc khử độc sát trùng. Không cho các hộ gia đình thả gia cầm ra sông, ngăn không để gia cầm và sản phẩm của gia cầm từ nơi khác lưu thông đến Cát Tài…".

* Cả tỉnh vào cuộc

Để có người thực hiện nhiệm vụ thu gom gia cầm cần tiêu hủy, hỗ trợ tiêu độc… ngành NN-PTNT đã huy động học sinh Trường trung học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định tham gia cuộc "chiến đấu" chống vi rút H5N1 ngay tại các ổ dịch. Sáng ngày 21-1, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã đến thôn Vân Hội 1, thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước) và xã Nhơn Tân (An Nhơn) làm việc với chính quyền địa phương và các hộ có đàn vịt bị nhiễm vi rút H5N1. Tại đây, Chủ tịch đã thông báo chỉ thị của Chính phủ, của tỉnh về việc tăng cường các biện phòng chống dịch cúm gia cầm; tác hại của vi rút H5N1 đối với con người và động viên nông dân tiêu hủy đàn vịt bị nhiễm bệnh. Gần 10.000 con vịt bị nhiễm vi rút H5N1 của 3 hộ gia đình ở Nhơn Tân, và 1 hộ ở xã Nhơn Thọ đã được tiêu hủy. Tại thôn Vân Hội 1, nhiều hộ chăn nuôi ở đây vẫn chưa tin, không đồng ý tiêu hủy đàn gia cầm của mình, bà con yêu cầu xét nghiệm lại mẫu huyết thanh đàn vịt. Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đến các hộ gia đình có đàn vịt bị nhiễm vi rút H5N1 để vận động bà con chấp hành chủ trương  phòng chống dịch và chỉ đạo cho Sở NN-PTNT nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch cần thiết.

Một đàn vịt nhiễm vi rút H5N1 đang được dồn lại để đưa đi tiêu hủy

Dù đang trong ngày nghỉ nhưng do yêu cầu cấp thiết của công tác chống dịch, sáng ngày 22-1, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã ký Quyết định 180/QĐ-CTUB quy định mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia cầm, thủy cầm bị tiêu hủy do nhiễm vi rút H5N1. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cho chính quyền các địa phương phải đưa số tiền hỗ trợ của tỉnh, huyện nhanh chóng đến tay nông dân trong vòng 1 tuần, để bà con đỡ bị thiệt hại và sau này có thể khôi phục lại đàn gia cầm. Theo quyết định này, đối với thủy cầm, gia cầm đang đẻ trứng, mức hỗ trợ là 17.000đồng/con (trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 7.000 đồng, tỉnh sẽ hỗ trợ 5.000 đồng, các huyện, thành phố hỗ trợ 5.000 đồng). Tương tự, đối với gia cầm, thủy cầm chăn nuôi lấy thịt mức hỗ trợ là 10.000 đồng/con (5.000 đồng- 3.000 đồng - 2.000 đồng); gia cầm, thủy cầm con là 4.000đồng/con (2.000 đồng- 1.000 đồng - 1.000 đồng); trứng gia cầm, thủy cầm 500 đồng (200 đồng - 200 đồng- 100 đồng). Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã làm việc với ngân hàng thương mại và các quỹ tín dụng đề nghị khoanh nợ cho các hộ chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy và tiếp tục cho bà con được vay vốn... để phục hồi sản xuất khi hết dịch.

* Những điều đáng quan ngại

Theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm TP Quy Nhơn, từ hôm qua (23-1), tiểu thương không được mua bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm tại các chợ trong thành phố. Tất cả gia cầm phải được giết mổ tại cơ sở giết mổ gia cầm tập trung của thành phố ở Công ty Thực phẩm- Xuất nhập khẩu Lam Sơn và phải qua kiểm tra, đóng dấu của cơ quan thú y mới được đưa đến tiêu thụ tại các chợ.

Do người tiêu dùng có tâm lý e ngại ăn thịt gia cầm, nên giá một số thực phẩm tiêu dùng hàng ngày có xu hướng tăng dần. Hiện nay, thịt bò loại 1 có giá 65.000 đồng/kg, thịt heo nạc giá 45.000 đồng/kg. Theo dự báo, giá các loại thực phẩm này sẽ còn tăng cao trong những ngày tới.

. Ngọc Thái

Theo ông Nguyễn Đức Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước: Hiện nay vấn đề đáng lo ngại nhất trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm là có nhiều người chăn nuôi vịt ở địa phương đưa vịt nuôi chạy đồng ở các tỉnh miền Nam về, rất khó kiểm soát. Vừa qua lực lượng thú y địa phương đã phát hiện 2 trường hợp đưa vịt chạy đồng từ Ninh Thuận về, nhưng không khai báo. Địa phương đã tiến hành khoanh vùng, khống chế đàn vịt và lấy mẫu huyết thanh đưa đi xét nghiệm. UBND huyện Tuy Phước cũng đã yêu cầu các hộ chăn nuôi tạm thời nuôi nhốt đàn vịt tại nhà để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh nhưng việc thực hiện cũng rất khó khăn. Theo khảo sát của chúng tôi, tại một số con sông lớn trên địa bàn tỉnh, việc chăn nuôi vịt trên các dòng sông vẫn còn khá phổ biến, nhiều nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc không thả vịt trên sông suối, ao hồ để hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh.

Hiện nay, tình hình dịch cúm gia cầm có nhiều diễn biến phức tạp, điều quan trọng nhất là bên cạnh nỗ lực khẩn trương dập dịch của ngành chức năng, người chăn nuôi cần bình tĩnh và kiên quyết thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch.

. Tiến Sỹ - Nguyễn Hân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ứng dụng CNTT ở Bình Định: Chạy ở tốp đầu, nhưng đích còn xa   (24/01/2005)
Ngành Du lịch: Chuẩn bị phục vụ khách du xuân  (21/01/2005)
Thị trường hoa Tết vào mùa  (21/01/2005)
Nhơn Hội - động lực mới của miền Trung   (20/01/2005)
Giao dịch điện tử: Đang dần khẳng định ưu thế   (20/01/2005)
Bãi Xép đi lên từ tôm hùm giống  (19/01/2005)
Tiến độ vẫn chưa nhanh   (19/01/2005)
Năng động Nhơn Lộc  (18/01/2005)
Làng nghề nhộn nhịp đón Tết  (18/01/2005)
Mùa kiệu  (17/01/2005)
Một triển vọng mới về hợp tác, đầu tư  (17/01/2005)
TP Quy Nhơn: Thị trường nhà đất đang "đóng băng"  (16/01/2005)
Chuyện ghi ở Bình Tân  (16/01/2005)
"Nơi sông trở về"  (14/01/2005)
Hẩm hiu hạt muối Mỹ Thành   (14/01/2005)