Chổi nhựa "phiêu lưu ký"
15:8', 24/1/ 2005 (GMT+7)

Một chiếc xe đạp, mắc phía yên sau xe là một chạc tre treo đầy những chiếc chổi nhựa đủ màu sắc, một vài cây chổi dài tỳ trên ghi đông nương dọc theo chiều dài của chiếc xe. Đó là tất cả hành trang rong ruổi trên khắp các nẻo đường của một người bán chổi dạo. Theo chân chị Thảo - một người bán chổi - tôi về xóm Trại (thôn Công Chánh, thị trấn Tuy Phước), nơi sản xuất và cung ứng chổi nhựa.

* Cả xóm làm chổi

Người có công "sáng tạo" ra nghề làm chổi nhựa cho xóm Trại là bà cụ thân sinh của ông Lê Văn Trợ. Ban đầu nhà ông chỉ làm với số lượng nhỏ và tự đi bán. Sau đó, thấy sản phẩm bán được, ông nghỉ hẳn nghề chẻ đá thuê, mở rộng sản xuất. Hàng bán chạy, cả gia đình làm không xuể, ông Trợ "chia việc" cho những người trong xóm cùng làm. Chổi nhựa của Công Chánh loại cao giá nhất lấy tại gốc là 6.000đ/cây, thấp nhất khoảng 1.500đ/cây...

Khách hàng đang mua chổi nhựa

Bây giờ cả thôn Công Chánh đã có 6 hộ làm chổi như gia đình ông Trợ. Còn lại, hầu như nhà nào cũng nhận hàng về làm gia công. Công việc không quá vất vả, tận dụng thời gian rảnh nên cả người già, con trẻ đều có thể tham gia. Một người thợ làm 1 ngày có thể kiếm được từ 15.000- 20.000 đồng. Tính ra, ở xóm Trại và các vùng lân cận có hơn 100 người làm chổi. Chỉ tính riêng nhà ông Trợ, số người đến đây nhận hàng về nhà làm đã hơn 20 người. Từ ngày có nghề làm chổi nhựa, nhiều người ở thôn Công Chánh, nhất là phụ nữ, không phải đi làm thuê như trước. Vợ chồng anh Trần Văn Thao là thợ giỏi nổi tiếng ở đây, một ngày lao động mang lại cho họ 100.000đồng. "Mình tự làm thuê cho mình, mệt thì nghỉ, không phải bỏ sức như đi làm phụ hồ, chẻ đá, thu nhập cũng ổn định hơn" - anh Thao bộc bạch như vậy.

* Cây chổi đi xa

Từ 4 đến 6 giờ sáng, ngay tại con đường nhỏ rẽ vào thôn Công Chánh, có hơn 20 người bán chổi đến đây để nhận hàng. Mỗi chiếc xe đạp chở gần 120 cây chổi các loại, bắt đầu hành trình một ngày rong ruổi trên đường. Dụng cụ hành nghề là… chiếc xe đạp và vốn liếng là… công sức. Chị Huỳnh Thị Thanh Tiêu - người có thâm niên bán chổi 2 năm - cho biết: "Đi trong thành phố thì gần, nhưng bán không được nhiều, buổi sáng, bỏ xe đạp lên xe đò ra Phù Mỹ, Bồng Sơn, Tam Quan, Sa Huỳnh thì bán được nhiều hơn. Đi bán dạo từ 4 giờ sáng đến 4 giờ chiều, trừ mọi chi phí còn lãi được từ 20.000 - 25.000 đồng".

Không chỉ bán cho khách hàng trong tỉnh, người dân Công Chánh còn tự đưa chổi đi bán ở nhiều tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên, từ thành thị đến tận nông thôn, miền núi. Mỗi nhóm gồm 3 người, mỗi chuyến đi, họ mang theo khoảng 1 đến 2 thiên sợi nhựa nguyên liệu đủ để làm khoảng 1.000 đến 2.000 cây chổi. Ban ngày, đi bán dạo, đêm về thì sản xuất chổi. Một chuyến như vậy từ 7 đến 10 ngày, trừ tất cả chi phí mỗi người cũng được vài trăm nghìn. Tuy phải xa nhà, "ăn nhờ ở đậu", nhiều vất vả nhưng họ vẫn tìm thấy được niềm vui. Chị Hồ Thị Thu Cúc, một người chuyên "đi" chổi, hóm hỉnh kể: "Chỉ cần đi một chuyến, chuyến sau quay trở lại mình đã rành đường giống như người địa phương, có đi mới biết được nhiều nơi và nhiều điều mới lạ. Cứ nghĩ mình đang đi du lịch thì đoạn đường cũng bớt dài hơn…".

. Mai Hồng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khẩn trương dập tắt dịch cúm gia cầm  (24/01/2005)
Ứng dụng CNTT ở Bình Định: Chạy ở tốp đầu, nhưng đích còn xa   (24/01/2005)
Ngành Du lịch: Chuẩn bị phục vụ khách du xuân  (21/01/2005)
Thị trường hoa Tết vào mùa  (21/01/2005)
Nhơn Hội - động lực mới của miền Trung   (20/01/2005)
Giao dịch điện tử: Đang dần khẳng định ưu thế   (20/01/2005)
Bãi Xép đi lên từ tôm hùm giống  (19/01/2005)
Tiến độ vẫn chưa nhanh   (19/01/2005)
Năng động Nhơn Lộc  (18/01/2005)
Làng nghề nhộn nhịp đón Tết  (18/01/2005)
Mùa kiệu  (17/01/2005)
Một triển vọng mới về hợp tác, đầu tư  (17/01/2005)
TP Quy Nhơn: Thị trường nhà đất đang "đóng băng"  (16/01/2005)
Chuyện ghi ở Bình Tân  (16/01/2005)
"Nơi sông trở về"  (14/01/2005)