Nhơn Lý trong dáng dấp đô thị
17:3', 26/1/ 2005 (GMT+7)

. Ghi chép của Ngọc Quỳnh

Chúng tôi đến xã bán đảo Nhơn Lý vào một ngày đầu năm 2005. Phía xa, Nhơn Lý là những cồn cát hoang vu còn ngổn ngang mồ mả, nhưng tại nơi tôi đứng, bây giờ đã là trung tâm với trụ sở UBND xã, Trường THCS Nhơn Lý, trạm y tế, đài truyền thanh, chợ… được quy hoạch, xây dựng khang trang bên những đường dọc, đường ngang mới mở.

Chợ Nhơn Lý chuẩn bị đưa vào sử dụng

Dẫn ra tôi chợ Nhơn Lý vừa được đầu tư xây dựng gần 600 triệu đồng sắp đưa vào sử dụng, ông Nguyễn Văn Long, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Xã đã quy hoạch khu Tây 11 ha để xây dựng trung tâm xã gồm đường giao thông, trường tiểu học, trạm y tế, trường mẫu giáo Lý Hưng, Lý Chánh, hệ thống thoát nước… với tổng kinh phí trên 2,3 tỷ đồng".

Cách đây khoảng 6,7 năm khi về Nhơn Lý, khu đất này chỉ là một bãi đất hoang còn ngổn ngang mồ mả và những cành xương rồng gai góc. Hồi đó, từ thôn Lý Chánh (bên Nồm) muốn qua Lý Lương (bên Bấc) thăm cô bạn là giáo viên THCS được "chi viện" ra bán đảo dạy học, băng qua con đường mòn đầy mồ mả và cát bay này lúc trời chạng vạng, tôi đã "thót" tim. Vậy mà, giờ đây khu Tây đã là một khu đất rộng mênh mông với những con đường dọc, ngang bàn cờ thật ấn tượng.

Từ khi có dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, đất ở Nhơn Lý trở nên có giá. Hầu hết các công trình công cộng, phúc lợi của xã đều được xây dựng bằng nguồn đấu giá đất. Ông Long chỉ tay về phía ngã tư trục lộ chính dẫn vào UBND xã, cho biết: "Tại các đường trung tâm vừa rồi xã đấu giá được 175 triệu đồng/lô (150 m2), lô thấp nhất cũng được 30 triệu đồng!". Tôi nhìn ra xung quanh, tiềm năng đất đai ở Nhơn Lý còn quá lớn, với 11 ha đất khu Tây cộng thêm 4 ha đất giáp biển ở bên Bấc và Nồm sẽ là nguồn vốn khổng lồ để Nhơn Lý thực hiện đổi đất lấy cơ sở hạ tầng.

Và một khi đất đai trở nên có giá thì tình trạng lấn chiếm đất trái phép sẽ hoành hành, đó là một thực tế bức xúc không chỉ ở Nhơn Lý. Buổi sáng, cùng Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hiểu về làm việc với xã, tôi đã được nghe báo cáo về tình hình lấn chiếm đất đai ở đây. Hiện đã có 42 hộ dân đã lấn chiếm đất, bỏ móng xây nhà trái phép nhưng chính quyền mới xử lý được 3 trường hợp. Phó Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo, xã phải mạnh tay xử lý nạn lấn chiếm đất đai ngay từ lúc nó đang còn manh nha…

Đến Nhơn Lý lần này, tôi không còn phải tháo giày để len lỏi vào các nhà dân bởi những con đường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo đầy cát là cát đã được thay bằng đường bê tông. Tại đầu thôn Lý Lương, một cái chợ xổm đã họp ngay giữa đường qua lối lại. Tiếng nói, tiếng mặc cả của mấy chị phụ nữ mua bán cá lao xao, ồn ã cả một góc đường. Anh cán bộ đài truyền thanh dẫn tôi đi tham quan Nhơn Lý cho biết: "Bình thường, chợ cá này họp sát bãi biển. Nhưng bây giờ đang là mùa đông, triều cường, sóng đánh lên tận mấy nhà mé biển nên chị em phải dời chợ lên đây cho đến khi chợ Nhơn Lý khánh thành".

Người Nhơn Lý vẫn quen "ăn sóng, nói gió". Chợ Nhơn Lý mở ra là thêm một cơ hội để bà con ngư dân tiếp cận với lối mua bán, sinh hoạt văn minh hơn. Trước đây, bên cạnh các phương tiện ghe, thuyền, sự thông thương, mua bán của người Nhơn Lý còn dựa vào đội ngũ xe honda thồ hùng hậu, chở cá, mắm và các sản phẩm của nghề biển theo đường Cát Tiến vào với đất liền. Cùng với xây dựng chợ, cây xăng đầu tiên của Nhơn Lý cũng sắp sửa khai trương, giúp cho trên 100 người hành nghề xe thồ có thêm một địa chỉ tiếp nhiên liệu dễ dàng, thuận lợi...

Nhơn Lý hôm nay là một làng biển đang lên trong manh nha dáng dấp của một đô thị. Trước đây, để học được cấp 3 học sinh Nhơn Lý phải vào tận Quy Nhơn ở trọ để học. Bởi việc học khó khăn nên đội ngũ cán bộ xã phần lớn cũng mới chỉ học đến lớp 6, lớp 7. Ông Long cho biết: "Từ năm 2003, xã đã xin mở hai lớp Bổ túc văn hóa (lớp 10, 11) ngay tại địa phương cho cán bộ và nhân dân theo học, trong đó có 35 học viên là cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, 60 cán bộ trong diện quy hoạch cũng đã được tham gia các lớp đào tạo chính trị, nghiệp vụ…".

Muốn phát triển kinh tế- xã hội, muốn hội nhập với thành phố Quy Nhơn trong tiến trình đô thị hóa, người Nhơn Lý phải nâng tầm lên rất nhiều mà trình độ học vấn bao giờ cũng là điều kiện tiên quyết. "Bây giờ, cán bộ xã hầu hết đều đã học lớp 11, 12" - ông Long vui mừng khoe với tôi - "và có lẽ trong nhiệm kỳ sắp tới, trình độ cán bộ xã sẽ không dừng lại đó".

Nhộn nhịp người mua - bán cá buổi sáng ở Nhơn Lý

Hiện nay, trường tiểu học, trường THCS Nhơn Lý đã được tu sửa khá khang trang. Năm 2004, tỷ lệ học sinh (HS) giỏi ở bậc tiểu học đạt 21,8%, 100 % số HS tốt nghiệp tiểu học. Bậc THCS có 10% đạt HS giỏi, tăng 5,3 % so với năm học 2003; 97% số HS THCS đã đậu tốt nghiệp. Hiện nay, tổ chức khuyến học đã được hình thành và hoạt động ở đều khắp 4 thôn. Xã cũng đang xây dựng đề án thành lập trung tâm học tập cộng đồng để mở mang dân trí và nghề nghiệp cho người dân bán đảo.

Nếu như trước đây, nói đến thế mạnh kinh tế của Nhơn Lý người ta thường nhắc đến nghề khai thác và đánh bắt hải sản thì hôm nay, bên cạnh cái thế mạnh "trời cho" ấy, Nhơn Lý đang được đầu tư để phát triển các làng nghề và du lịch. Ngoài các nghề chế biến hải sản phục vụ xuất khẩu bước đầu đã được đầu tư thành những tổ hợp sản xuất để tạo ra những giá trị mới cho chế biến, các nghề sửa chữa điện tử, điện lạnh, cơ khí, đá lạnh… ở Nhơn Lý cũng đang phát triển. Bà con cũng đã quan tâm đến chăn nuôi gia súc. Đây quả là một sự chuyển biến về tư duy, nhận thức của đồng bào miền biển vốn ngại với những nghề không gắn liền với… biển.

Theo Quyết định của Chính phủ, từ năm 2004 Nhơn Lý đã là 1/13 xã của tỉnh được đưa vào chương trình xã bãi ngang. Ông Long cho biết, mỗi năm xã được hỗ trợ 500 triệu đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Lại thêm một thuận lợi cho người Nhơn Lý trong xây dựng và phát triển quê hương.

Một mình dạo bước trên bãi biển, tôi thử mường tượng ra một Nhơn lý của ngày mai trong hình hài của một đô thị tương lai. Tiềm năng kinh tế và du lịch của Nhơn Lý rất lớn nhưng Nhơn Lý còn phải làm rất nhiều, trước tiên là chuyện cải thiện môi trường, trồng cây xanh chắn gió cát và làm đẹp cảnh quan, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước… Lúc sáng, ngồi họp trong hội trường UBND xã đã được xây dựng khá bề thế, nhiều người không tránh được cái cảm giác thiếu thoải mái khi ruồi nhặng còn rất nhiều, không khí có mùi khăm khẳm của nước mắm và đó đây, vài tàn thuốc lá còn vương vãi trên nền đá hoa sang trọng…

Vâng! Con đường vươn đến diện mạo một đô thị đối với những người dân vùng biển vẫn còn rất dài mà người rút ngắn khoảng cách đó không phải là ai khác, chính là nội lực của người Nhơn Lý.

. Ngọc Quỳnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đi dọc đường xuân  (26/01/2005)
Dạo chợ những ngày cuối năm   (25/01/2005)
Làng rau những ngày giáp Tết  (25/01/2005)
Chổi nhựa "phiêu lưu ký"   (24/01/2005)
Khẩn trương dập tắt dịch cúm gia cầm  (24/01/2005)
Ứng dụng CNTT ở Bình Định: Chạy ở tốp đầu, nhưng đích còn xa   (24/01/2005)
Ngành Du lịch: Chuẩn bị phục vụ khách du xuân  (21/01/2005)
Thị trường hoa Tết vào mùa  (21/01/2005)
Nhơn Hội - động lực mới của miền Trung   (20/01/2005)
Giao dịch điện tử: Đang dần khẳng định ưu thế   (20/01/2005)
Bãi Xép đi lên từ tôm hùm giống  (19/01/2005)
Tiến độ vẫn chưa nhanh   (19/01/2005)
Năng động Nhơn Lộc  (18/01/2005)
Làng nghề nhộn nhịp đón Tết  (18/01/2005)
Mùa kiệu  (17/01/2005)