Hoạt động du lịch năm 2005: Hứa hẹn mùa quả ngọt
9:9', 28/1/ 2005 (GMT+7)

Năm 2004, hoạt động kinh doanh du lịch ở Bình Định đã có bước chuyển biến tích cực. Lượng khách du lịch đến Bình Định tăng cao, với 275.000 lượt khách, tăng 49,4% so với năm 2003. Trong đó, khách du lịch quốc tế khoảng 25.000 lượt, tăng 38%, khách du lịch nội địa tăng 51%. Số ngày lưu trú bình quân 1,8 ngày/khách, công suất sử dụng buồng 73%, đều tăng hơn so với năm 2003. Trong năm 2005 này, hoạt động du lịch Bình Định hứa hẹn nhiều sôi nổi với bước phát triển mạnh mẽ hơn.

* Bước đột phá về cơ sở lưu trú

Quang cảnh Resort Hoàng Anh - Quy Nhơn

Có thể nói, trong sự phát triển của hoạt động du lịch năm 2004, nổi bật lên là sự phát triển của các cơ sở lưu trú, với nhiều khách sạn (KS) được xây dựng và đưa vào hoạt động. Đáng kể là 2 cơ sở lưu trú lớn: Resort Hoàng Anh - Quy Nhơn (150 phòng) và KS Cosevco Center (90 phòng) đã góp phần tăng gần gấp đôi số phòng nghỉ cao cấp ở TP Quy Nhơn. Theo thống kê của Sở TM-DL, tính đến nay toàn tỉnh có 28 KS với 939 phòng (tăng 27% về số KS và tăng 48% về số phòng so với năm 2003) trong đó có 674 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong thời gian sắp đến, khi KS Sài Gòn - Quy Nhơn (156 phòng) và khu nhà mới của KS Hải Âu (110 phòng), KS Bình Dương (trên 60 phòng) được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động thì số phòng nghỉ cao cấp được nâng lên 1.000 phòng, góp phần tránh được tình trạng "cháy" phòng khi có các hoạt động lễ hội lớn ở Bình Định.

Cơ sở lưu trú tăng cao trong khi lượng khách chưa tăng tương ứng, sẽ dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt để thu hút khách lưu trú. Điều này làm "đau đầu" các nhà doanh nghiệp kinh doanh KS, song sẽ là yếu tố quan trọng để các cơ sở lưu trú tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ; người được hưởng lợi sẽ là khách lưu trú. Đây là điều đáng phấn khởi vì sự tăng trưởng về cơ sở lưu trú chính là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch. Hoạt động nâng cao chất lượng của các KS cũng sẽ góp phần tạo "tiếng thơm" cho ngành du lịch tỉnh nhà. Điều đáng nói là Life Resort (khu nghỉ dưỡng Bãi Dài) sau một thời gian khó khăn trong bước đầu hoạt động, đến nay đã có xu hướng ổn định, lượng khách tăng dần. Trong thời gian đến, khi các dự án đầu tư xây dựng các khu du lịch ở Hải Giang, Vĩnh Hội, Trung Lương, suối nước nóng Hội Vân… trở thành hiện thực thì số lượng và chất lượng các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng ở Bình Định sẽ được nâng cao hơn nữa, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tương lai.

* Tăng cường các dịch vụ

Năm qua cũng là năm được mùa của hoạt động lữ hành nội địa. Doanh thu từ hoạt động này của 6 đơn vị có kinh doanh lữ hành nội địa (gồm Công ty Du lịch Bình Định, Chi nhánh Vietravel, Công ty Du lịch Công Đoàn, KS Hải Âu, KS Cosevco, Công ty Du lịch miền Trung) đạt trên 3 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay, trong đó Du lịch Công Đoàn chiếm gần 40% tổng doanh thu. Hoạt động lữ hành "thăng tiến" cũng có nghĩa là người Bình Định đã quan tâm nhiều hơn đến việc tham quan, du lịch khi đời sống kinh tế ngày càng khá lên. Sau khi "đi cho biết đó biết đây", các du khách Bình Định đã có ý thức hơn trong vấn đề góp phần vun đắp cho môi trường du lịch ở quê hương của mình. Hiện nay các đơn vị kinh doanh lữ hành đang tập trung cho các tour trong tỉnh và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên để phục vụ khách tham quan trong dịp Tết Ất Dậu sắp tới; đồng thời xây dựng, quảng bá, tiếp thị các tour mới có chất lượng hơn trước. Có một hạn chế trong hoạt động lữ hành là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch ở Bình Định vừa thiếu lại vừa yếu. Ngành chức năng cần có kế hoạch hỗ trợ để nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, bởi đây cũng là một trong những yếu tố nâng cao chất lượng du lịch.

    Trên sông nước Hầm Hô

Lợi thế lớn của du lịch Bình Định là ở loại hình du lịch sinh thái biển. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 126, công bố danh mục các địa điểm được phép tham quan, du lịch tại khu vực biên giới biển thuộc Bình Định. Đây sẽ là chiếc chìa khóa mở ra việc tổ chức các hoạt động du lịch biển đa dạng và phong phú nhằm thu hút du khách đến Bình Định. Ông Phan Ngọc Dũng - Phó Giám đốc chi nhánh Vietravel Quy Nhơn cho biết: "Chúng tôi sẽ nâng cấp dịch vụ bơi lặn biển ở khu vực Hòn Khô, Hải Giang (Nhơn Hải - Quy Nhơn). Khi tuyến đường ven biển hoàn thành, Vietravel sẽ đưa vào hoạt động tour "giáo dục truyền thống" tham quan các di tích cách mạng dọc tuyến đường này, và sẽ tổ chức thường xuyên vào dịp cuối tuần, đồng thời sẽ tổ chức tour lặn biển (với khí tài, thiết bị lặn) ở khu vực Eo Gió, Hòn Sẹo thuộc xã Nhơn Lý -Quy Nhơn. Ông Phạm Phú Bình - Giám đốc điều hành Resort Hoàng Anh - Quy Nhơn cho biết: "Sau khi chính thức khai trương, đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ xin phép tỉnh để triển khai các dịch vụ du lịch biển như: môtô nước, dù lượn… ở khu vực biển Quy Nhơn". Các điểm đến có khả năng thu hút, hấp dẫn du khách cũng đang được từng bước hoàn thiện. Công ty cổ phần Du lịch Hầm Hô đang triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ở khu du lịch sinh thái Hầm Hô - Tây Sơn. Công ty Xây dựng 47 sắp đưa vào hoạt động khu nhà hàng khách sạn ở hồ Định Bình - Vĩnh Thạnh và sẽ tập trung khai thác du lịch ở hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh này…

Bên cạnh sự chuẩn bị khá chu đáo của các doanh nghiệp du lịch, sự xuất hiện các galery mỹ thuật, bảo tàng gốm Gò Sành, các shop hàng lưu niệm… cũng sẽ góp phần làm phong phú môi trường du lịch Bình Định. Năm 2005 này, du lịch Bình Định hứa hẹn sẽ có bước chuyển mình đáng kể, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà.

. Thúy Vi

 

Trong năm 2005, ngành TM-DL tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút vốn đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch; triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các tuyến du lịch trọng điểm theo quy hoạch; hình thành tuyến du lịch trọng điểm Phương Mai - Núi Bà để tạo động lực thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch. Đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới các khu, điểm du lịch trọng điểm: suối nước nóng Hội Vân, các khu du lịch Trung Lương, Vĩnh Hội (tuyến du lịch Phương Mai - Núi Bà); hồ Phú Hòa, Bãi Xép, Bãi Dại (tuyến du lịch đường Quy Nhơn - Sông Cầu); khu du lịch Hầm Hô, hồ Núi Một và triển khai đầu tư dự án hạ tầng tháp Bánh Ít, tháp Đôi (tuyến du lịch văn hóa-lịch sử-sinh thái); gắn với chiến lược phát triển du lịch hành lang Đông - Tây và "Con đường di sản miền Trung". Hoàn thành và đưa vào sử dụng KS Sài Gòn - Quy Nhơn, KS Hải Âu, KS Bình Dương, khu du lịch danh thắng Ghềnh Ráng, khu du lịch Trung Lương… đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tuy Phước: Đổi đời nhờ trồng rau  (27/01/2005)
Khách sạn Hải Âu: Cánh chim biển bay cao  (27/01/2005)
Nhơn Lý trong dáng dấp đô thị  (26/01/2005)
Đi dọc đường xuân  (26/01/2005)
Dạo chợ những ngày cuối năm   (25/01/2005)
Làng rau những ngày giáp Tết  (25/01/2005)
Chổi nhựa "phiêu lưu ký"   (24/01/2005)
Khẩn trương dập tắt dịch cúm gia cầm  (24/01/2005)
Ứng dụng CNTT ở Bình Định: Chạy ở tốp đầu, nhưng đích còn xa   (24/01/2005)
Ngành Du lịch: Chuẩn bị phục vụ khách du xuân  (21/01/2005)
Thị trường hoa Tết vào mùa  (21/01/2005)
Nhơn Hội - động lực mới của miền Trung   (20/01/2005)
Giao dịch điện tử: Đang dần khẳng định ưu thế   (20/01/2005)
Bãi Xép đi lên từ tôm hùm giống  (19/01/2005)
Tiến độ vẫn chưa nhanh   (19/01/2005)