Triệu phú của đảo Nhơn Châu
16:26', 30/1/ 2005 (GMT+7)

Đó là anh Nguyễn Văn Bụng, 43 tuổi, ở thôn Trung, xã đảo Nhơn Châu (Quy Nhơn). Gần 30 năm theo nghề biển, từ bàn tay trắng anh đã dựng lên cơ nghiệp với số vốn hàng trăm triệu đồng và được mọi người ở đây "phong" là triệu phú của đảo.

Anh Bụng đang kiểm tra chiếc máy bộ đàm để chuẩn bị ra khơi

Chúng tôi đến thăm gia đình anh vào những ngày giữa tháng 1-2005, cũng là thời điểm vào mùa vụ đánh bắt hải sản. Anh Bụng bắt đầu theo làm nghề biển khi mới 15 tuổi, lúc đó anh chỉ theo phụ giúp đánh bắt trên chiếc thuyền của gia đình với công suất nhỏ. Hơn 20 tuổi anh Bụng lập gia đình, do nhà nghèo nên khi ra ở riêng, anh không có tài sản gì ngoài một chút kinh nghiệm làm nghề biển. Ban đầu, anh đi bạn cho các chủ thuyền khác trong đảo. Sau một thời gian dành dụm, anh mua một chiếc ghe nhỏ với công suất 8 CV. Từ chiếc ghe này anh tách ra đánh bắt riêng, chủ yếu là câu cá thu và câu mực để xuất khẩu. Nhờ nhiều năm liên tiếp được "biển đãi", anh Bụng bắt đầu có tích lũy để nghĩ đến chuyện vươn khơi. Anh Bụng nhớ lại: "Lúc đó chỉ cần một ngày đi câu cá thu trúng mánh, từ khoảng 6 giờ sáng đến 1 giờ chiều, là tôi có thu nhập từ 2-3 triệu đồng, có ngày 5-6 triệu đồng".

Năm 2002, cùng với số vốn tích lũy lâu năm, anh mạnh dạn đứng ra vay vốn của Nhà nước và thêm mượn của anh em bạn bè đóng mới một chiếc thuyền có công suất 60 CV (trị giá hơn 200 triệu đồng) để thuận lợi hơn cho việc đánh bắt. Từ khi sắm được thuyền mới, cộng với những thiết bị đánh bắt hiện đại hơn, sản lượng đánh bắt năm 2003 của anh tăng đáng kể, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Có tiền, anh trả nợ vay mượn và với số tiền còn dư, anh vào Sông Cầu (Phú Yên) mua đất xây thêm một ngôi nhà mới trị giá hơn 70 triệu đồng. Và cũng trong năm 2003, anh Bụng là người duy nhất đại diện cho gần 150 chủ thuyền làm nghề cá ở xã đảo Nhơn Châu vào Quy Nhơn báo cáo thành tích tại Hội nghị các điển hình tiên tiến trong khai thác hải sản toàn thành phố.

Thuyền của anh Bụng cập bến sau một đêm ra khơi

Vụ đánh bắt năm 2004 vừa rồi, do thời tiết thất thường nên việc đánh bắt bị mất mùa, anh Bụng thu nhập chỉ được khoảng 40 triệu đồng. Anh thổ lộ: "Nghề đánh bắt trên biển chỉ nhờ vào may rủi thôi, chim trời cá biển mà. Có tháng chẳng đánh bắt được gì, nhưng gặp may thì chỉ trong một đêm trúng thì lại có tiền. Chẳng hạn cách đây vài hôm, thuyền tôi gặp trúng luồng cá cơm, chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ đánh bắt, tôi thu nhập hơn 6 triệu đồng".

Ông Trần Đình Khải, Chủ tịch Hội Ngư dân xã đảo Nhơn Châu cho biết: "Hiện nay, tại xã đảo Nhơn Châu này chỉ có mình anh Bụng là người đầu tiên đóng mới thuyền với giá trị lớn và trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại, nên sản lượng đánh bắt hàng năm của thuyền anh Bụng nhiều hơn các thuyền khác. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị các cấp nên hỗ trợ vốn vay để ngư dân nơi đây đóng thuyền lớn, hướng dẫn phương thức đánh bắt hiện đại để việc đánh bắt của ngư dân đạt hiệu quả hơn".

Hy vọng với việc đầu tư đóng mới tàu thuyền để vươn ra đánh bắt xa bờ, cùng với áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong đánh bắt, một ngày gần đây, Nhơn Châu sẽ có thêm những triệu phú từ nghề biển như anh Bụng.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hoa giả vào Tết  (28/01/2005)
Hoạt động du lịch năm 2005: Hứa hẹn mùa quả ngọt  (28/01/2005)
Tuy Phước: Đổi đời nhờ trồng rau  (27/01/2005)
Khách sạn Hải Âu: Cánh chim biển bay cao  (27/01/2005)
Nhơn Lý trong dáng dấp đô thị  (26/01/2005)
Đi dọc đường xuân  (26/01/2005)
Dạo chợ những ngày cuối năm   (25/01/2005)
Làng rau những ngày giáp Tết  (25/01/2005)
Chổi nhựa "phiêu lưu ký"   (24/01/2005)
Khẩn trương dập tắt dịch cúm gia cầm  (24/01/2005)
Ứng dụng CNTT ở Bình Định: Chạy ở tốp đầu, nhưng đích còn xa   (24/01/2005)
Ngành Du lịch: Chuẩn bị phục vụ khách du xuân  (21/01/2005)
Thị trường hoa Tết vào mùa  (21/01/2005)
Nhơn Hội - động lực mới của miền Trung   (20/01/2005)
Giao dịch điện tử: Đang dần khẳng định ưu thế   (20/01/2005)