Trò chuyện với tác giả "Cô gái vót chông"

Tôi đi xe "dân biểu" nên đến sớm, khoảng 10 giờ sáng 26-2-2002. Anh bạn Trần Quốc Cưỡng, cán bộ Hội Văn Nghệ dẫn tôi sang khách sạn Như Ý nhận phòng. Khoảng 3 giờ chiều, Cưỡng lại dẫn một vị khách đến. Trông ông khá già, da đen cháy. Cưỡng giới thiệu :
- Ðây là bác Mô lô Y Choi, tác giả bài thơ "Cô gái vót chông" nổi tiếng mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc đó.
Tôi vui mừng bắt tay bác và không khỏi ngạc nhiên :
- Chào bác. Nhưng tôi vẫn nghe giới thiệu tác giả là Mô lô Y Klavi cơ mà
Ông cười, nói chậm rãi :
- Tên thật của mình ở nhà là Mô lô Y Choi. Ði ra Bắc học thì kêu là Mô lô Y Klavi. Mình còn một tên nữa ở buôn vẫn gọi là Ma Luê, tức là gọi tên con lớn, là cha thằng Luê .
Từ lúc đó, tôi bám "Cô gái vót chông" trò chuyện. Ông thuộc dân tộc Ê Ðê sinh ở buôn Thinh, xã Ea Tron, huyện Sông Hinh. Ông không nhớ chính xác tuổi mình, chỉ ước chừng hơn 70 mùa rẫy. Khoảng 10 tuổi, Y Choi được học tiếng Ê Ðê ở trường dân tộc Hòa Nguyên, huyện Sơn Hòa. Năm 1952, trường giải tán thì được học một lớp tiếng Kinh do thày Phú người Hà Nội dạy. Năm 1954 theo bộ đội E 120 Tây Nguyên ra tập kết ở Thanh Hóa rồi được đi học Trường dân tộc Trung ương, tốt nghiệp sư phạm dạy cấp 1. Từ 1962 đến 1966 về làm việc ở tạp chí Văn Nghệ Việt Bắc.
- Bác viết "Cô gái vót chông" khi nào ?
- Khoảng năm 1964 - 1965 gì đó. Mình nghe đài, biết đồng bào mình đang vót chông rào làng đánh Mỹ, mình nghĩ tới các cô gái trong buôn, thế là viết, được in báo, rồi được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thành bài hát.
- Từ khi bài thơ được phổ nhạc, nhạc sĩ có gặp hoặc liên lạc gì với bác không ?
- Chưa. Mình chưa bao giờ gặp nhạc sĩ, cũng không liên lạc gì.
- Khi viết "Cô gái vót chông", bác nhớ tới "cô gái sông Ba búi tóc thon" nào đấy ?
- À, nhớ nhiều lắm, nhưng nhớ nhất là Ksor H' Ðô mà năm 1967 mình về chiến đấu ở quê hương, mình lấy làm vợ mình bây giờ đấy.
- Bác còn nhớ "Cô gái vót chông" không ?
- Nhớ chớ. Ðể mình đọc cho anh nghe
Tiếng ai hát dưới ánh trăng tròn
Cô gái sông Ba búi tóc thon
Tay vót chông miệng hát không nghỉ
Như bao cô gái ở trên non
Ai nhanh tay vót bằng tay em
Chim hót không hay bằng tiếng hát ru em
Mỗi mũi chông em vót cắm sâu dưới đất
Lũ giặc Mỹ lao vào chết queo
Còn giặc Mỹ cọp beo
Lũ làng chưa yên bụng phát nương hát hò
Em chưa ngừng tay vót chông rào buôn rẫy
Bọn giặc Mỹ chạy rồi, khe rừng ta làm nhà chòi cao
Chân ta đi chưa nghỉ trời chưa xanh
Em vót nhiều chông làm cạm bẫy
Ðuổi ksóc Mỹ xuống biển sâu
Ðất nước ta mới liền nhau
Em chặt tre làm đing hót đing nam
Quanh lửa hồng em vui nhảy múa
Ðón Ava Hồ vô Nam cùng uống rượu cần...
- Sau "Cô gái vót chông" bác có viết được nhiều không ?
- Ít lắm. Mình bận công tác, không viết được. Mình chỉ in được mấy bài.
- Bác công tác gì mà bận ?
- Năm 1966 mình về Nam, công tác ở Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Ðác Lắc. Năm 1996 thì nghỉ hưu khi đang làm phó Ban Tuyên giáo huyện ủy Sông Hinh. Mình nuôi 6 đứa con. Về hưu lại làm bí thư chi bộ xã. Lương hưu có hơn 400.000đ nên mình phải làm ruộng, làm rẫy thêm để sống.
- Ðêm thơ Nguyên tiêu này bác đọc bài gì ?
- Ðây, mình đọc bài này. Y Choi giở tập "Thơ Nguyên tiêu 2002" mà Hội Văn Nghệ Phú Yên vừa in xong. Ðó là bài "Hát nữa đi em": "Lặng nghe em hát/ Bài ca Ðam San/ Suối nhạc, lời vàng/ Cây Knia thêm rễ/ Hoa Aring rộ nở/ Cồng chiêng vang rền/ Vực nước trong xanh.../Hát đi em ơi !/ Ngày hội đến rồi/ Tung làn áo mới/ Tình xuân phơi phới/ Ý xuân rộn ràng/ Lễ hội buôn làng/ Bài ca vang vang/ Tình ta thêm chặt..."
Có lẽ, "Cô gái vót chông" là đỉnh cao sự nghiệp sáng tác của Mô lô Y Choi. Ông cũng là "hiện tượng một bài" trong văn học Việt Nam chăng ?

Nguyễn Văn Chương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hồn gỗ  (28/02/2003)
Kết thúc cuộc thi ảnh nghệ thuật Bình Định quí III-2002  (28/02/2003)