Trời Nam - Một mốc son của Nhà hát Tuồng Đào Tấn
4:25', 1/1/ 2002 (GMT+7)

Một cảnh trong vở Trời Nam

Khác với những vở diễn trước đây, hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ được khắc họa trên sân khấu thường là mô tả người anh hùng ngoài mặt trận, vào Nam ra Bắc, lúc Nguyễn Huệ cùng đại huynh dựng cờ khởi nghĩa diệt Nguyễn, đánh Xiêm; lúc Nguyễn Huệ thân chinh kéo quân ra Bắc Hà diệt Trịnh phò Lê; lúc lên ngôi Hoàng đế để cùng muôn dân đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh. Lần này, Nhà hát Tuồng Đào Tấn với vở "Trời Nam", hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ được xây dựng, khắc họa trên sân khấu là một ông vua xây dựng đất nước, thu phục lòng người, tài thao lược, kinh bang tế thế, nhất là vở diễn đã tập trung phản ảnh sự khôn khéo trong bang giao hòa hiếu Trung - Việt sau những trận huyết chiến thư hùng, trong đó phần thắng, phần chính nghĩa thuộc về Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Khi ánh đèn màu vụt tắt, bức màn nhung khép lại, người xem đứng dậy, những tràng vỗ tay nối dài, kính phục, luyến tiếc một ông vua hiền tài như Quang Trung - Nguyễn Huệ. Và "Trời Nam" (kịch bản Lê Duy Hạnh, đạo diễn Hoàng Ngọc Đình, chuyển thể tuồng: Đào Minh Tâm) đã đồng đoạt huy chương Vàng cùng với "Hồ Quý Ly" của Nhà hát Tuồng Trung ương trong đợt tham gia Hội diễn sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 1999 - Hội diễn kết thúc thế kỷ XX của Nhà hát Tuồng Đào Tấn.

Vở diễn mở đầu với hình ảnh Hoàng đế Quang Trung - linh hồn của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (do nghệ sĩ ưu tú Minh Ngọc đóng) xuất hiện giữa kinh thành Thăng Long trong bối cảnh đất nước vừa mới qua cơn binh lửa, nghĩa quân Tây Sơn vừa tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh; Nguyễn Huệ đang luận bàn với công chúa Ngọc Hân (do nghệ sĩ Thanh Sử đóng) và Hoàng Cô (do nghệ sĩ ưu tú Hòa Bình đóng) về khôi phục mối bang giao hòa hiếu với vua Càn Long, nhằm tránh bớt thù ngoài, có thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị đối đầu với tàn quân giặc trong do Nguyễn Ánh cầm đầu được Tây dương giúp sức đang rập rình quấy phá phần đất phía Nam của Đại Việt. Sân khấu cứ thế hiện ra, phát triển những lớp kịch nhiều tầng lớp mâu thuẫn, xung đột. Ngay từ màn đầu, vở diễn đã cuốn hút người xem quay về sống với lịch sử cách đây hơn 200 năm, canh cánh lo cùng với cái lo của người anh hùng dân tộc. Quang Trung - Nguyễn Huệ, từ một người bị ngờ vực là giặc cỏ đã được hoàng tộc nhà Lê nói riêng, trí thức Bắc Hà nói chung hết sức trọng vọng, khâm phục bởi những chiến công chống xâm lược cùng với tuyên bố và thái độ vừa cởi mở, vừa dứt khoát trong việc củng cố nền độc lập, canh tân đất nước.

Rõ ràng là tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Hoàng Ngọc Đình đã rất có lý khi anh biết đẩy xung đột kịch bản bắt nguồn từ đây. Cũng giống như thượng nguồn của một dòng sông, sân khấu cứ dần dần chảy qua các ngõ ngách của những sự tích về đất nước một thời gắn chặt với từng nhân vật trong lịch sử. Thương có, ghét có, mỗi cuộc đời nhân vật được thể hiện hết sức sinh động, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã biết hóa thân, như sống cùng thời với nhân vật mình diễn. Tại đây, có tâm sự của Ngọc Hân, một công chúa của nhà Lê lúc đầu lấy Nguyễn Huệ là cực chẳng đã nhưng qua tài năng và đức độ của người anh hùng đã làm cho giai nhân Ngọc Hân quên đi nỗi đau của hoàng tộc, càng yêu Nguyễn Huệ hơn, tự nguyện và hết mình cùng Nguyễn Huệ bày kế mở lối khai thông hòa hiếu với nhà Thanh, không để thù hằn, có thể xảy ra binh đao máu lửa làm khổ cho muôn dân hai nước.

Và bên cạnh Ngọc Hân công chúa còn có một Hoàng Cô (vợ của Lê Quyết) là dâu của hoàng tộc nhà Lê có tư tưởng không khác gì Lê Quyết chồng mình vốn mặc cảm với Quang Trung - Nguyễn Huệ nhưng qua tận mắt nhìn thấy cảnh cả nhân dân kinh thành Thăng Long đón tiếp đoàn quân Tây Sơn bằng những tiếng reo hò; cổ xúy đến trào nước mắt khi quân xâm lược Mãn Thanh bị quét khỏi đất Hà Thành; tận mắt chứng kiến một ông vua hiền đi hia cỏ, mặc áo tơi, làm vua chẳng qua là vì đời loạn lạc, không mong muốn gì hơn là lo cho dân, cho nước được sống trong cảnh thái bình thịnh trị; Nguyễn Huệ đã cảm hóa được Hoàng Cô, cũng là cảm hóa được lòng dân Bắc Hà, từ đó dẫn đến Hoàng Cô thay đổi cách nhìn trước đây cho rằng quân Tây Sơn là giặc cỏ, chuyển sang ủng hộ vua Quang Trung, cử Phạm Công Trị thay mình đối mặt với nhà Thanh trong một lần đi sứ sang đất Bắc nhận sắc phong vương.

Người xem cũng hết sức căm giận khi thấy một Lê Chiêu Thống - một ông vua, vừa ươn hèn, vừa nhút nhát, tham quyền cố vị, đặt lợi ích cá nhân mình lên trên lợi ích cả một dân tộc, rước voi về dày cả mả tổ; thậm chí chịu nhục, hạ mình, khom lưng, uốn gối, sẵn sàng rũ bỏ phong hóa dân tộc, tết tóc đuôi sam, đội mũ thiên triều những tưởng có thể bám lấy cái ghế đã mục ruỗng từ lâu bằng cách bán đứng non sông ôm gối ngoại bang, cố để thỏa mãn cái quyền lợi ích kỷ, nhỏ nhen của mình là làm vua bù nhìn.

Cũng thương thay cho một Lê Quyết (do nghệ sĩ Xuân Hợi đóng), con người có lẽ mang nặng tư tưởng trung quân của đạo Khổng làm tôi không thờ hai chúa; Lê Quyết xuất hiện trên sân khấu cũng giống như lịch sử ngoài đời. Đây là bi kịch của một con người sinh ra không gặp thời, trung thành với một ông vua (Lê Chiêu Thống) không xứng đáng để trung thành, đến khi nhận ra thì tất cả đã... muộn rồi. Trên đất khách quê người, Lê Quyết đánh trống kêu oan, vào cửa vua vạch mặt thiên triều giả nhân, giả nghĩa mượn cớ giúp nước ông để thôn tính Trời Nam thành quận huyện của phương Bắc. Và xót xa nhất, đau đớn nhất là khi nhận ra Hoàng đế Quang Trung không những can ngăn cứu sống ông trong một lần vua tôi nhà Lê tính chuyện giết ông, mà còn cứu cả vợ và con ông được sống. Ngậm ngùi cay đắng, cuối cùng Lê Quyết đã phải dùng gươm kết liễu đời mình, móc tim ra cho đất trời chứng giám để chuộc lại lỗi lầm.

Phải chăng Lê Duy Hạnh viết "Trời Nam" cũng là gửi gắm chút tâm sự đời mình trước bản anh hùng ca của đất nước? Người ta bảo rằng, giữa Lê Duy Hạnh với Nhà hát Tuồng Đào Tấn (cũng là với đạo diễn Hoàng Ngọc Đình) như là duyên với nợ; nhiều khi anh muốn dứt bỏ nhưng bởi vì nặng nợ với quê hương cho nên chẳng đành lòng.

Cho dù vở diễn còn nổi lên những hạt sạn, nhiều câu thoại trong vở diễn có vẻ lên gân quá; nhưng có lẽ do tác giả và đạo diễn muốn đẩy hình tượng Quang Trung luôn ngẩng cao đầu với các thế lực thù địch lớn mạnh hơn mình, đó là những câu thể hiện quyết tâm sẵn sàng đối mặt với nhà Thanh, rằng sẽ diệt giặc Nguyễn Ánh phía Nam, trừ Tây dương dòm ngó Đại Việt... Đúng ra là như vậy, nhưng không cần phải lớn tiếng để làm gì bởi uy danh của Quang Trung lúc bấy giờ kẻ thù không lạ. Rồi sự chuyển đổi tâm lý nhân vật giữa hai thái cực (ủng hộ và phản đối nhà Tây Sơn) của Hoàng Cô và Công chúa Ngọc Hân như trong vở diễn, nhanh quá, đột ngột quá làm giảm đi chất hiện thực của vở diễn. Giá như đạo diễn làm chậm tiết tấu sân khấu để cho nhân vật tự dằn vặt, xót xa với những gì mình gây ra trước đó có phải hơn không?

"Trời Nam" là vở tuồng thứ tư của Lê Duy Hạnh về đề tài Nguyễn Huệ - Quang Trung do Nhà hát Tuồng Đào Tấn dàn dựng. Lê Duy Hạnh - Ngọc Đình cùng Nhà hát Tuồng Đào Tấn lại ghi một mốc son mới của Nhà hát trong thời điểm giao thừa hai thế kỷ. Tin rằng đây chưa phải là vở diễn cuối cùng của hai anh và Nhà hát trên quê hương của người anh hùng áo vải. Bởi hai trăm năm qua và có lẽ còn mãi trong tương lai, theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc, sự tích về Quang Trung - Nguyễn Huệ vẫn là một đề tài luôn hấp dẫn, tươi mới, sống động, đầy thách thức với các văn nghệ sĩ.

. Theo Văn hiến Việt Nam số 2-2004

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thạch ngoạn – bản thể vô ngôn   (27/01/2004)
Hội hoa đăng trên sông Kôn  (26/01/2004)
Rộn ràng 4 sắc màu nghệ thuật  (25/01/2004)
Tết ở cung đình ngày xưa   (24/01/2004)
Nhớ nét xuân Bình Định xưa  (21/01/2004)
Ngày xuân với thú chọi gà  (20/01/2004)
Văn thần, võ tướng: Đã tề tựu trong điện thờ Tây Sơn tam kiệt  (20/01/2004)
Tây Sơn: Những ngày tiền Lễ hội   (19/01/2004)
Bình Định yên lòng ăn Tết  (18/01/2004)
Bình Định sẽ ăn Tết sớm?   (16/01/2004)
Vững vàng trong top đầu   (15/01/2004)
Tết Thái ở Vân Canh  (14/01/2004)
Nhà Rông - Nét đặc trưng văn hóa của người Banar Kriêm - Bình Định   (13/01/2004)
Xuân này, họ ăn Tết muộn  (12/01/2004)
Bình Định quật khởi  (11/01/2004)