|
NSƯT Văn Vỹ (Nhà hát tuồng Đào Tấn) trong vở Nguyễn Hoàng - ảnh: Đào Tiến Đạt |
5 diễn viên trẻ của Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định sẽ tham gia cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 6 đến 14-10. Cuộc thi này nhằm góp phần phát hiện những tài năng trẻ của sân khấu nói chung, trong đó có sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, với thực lực hiện nay của các đoàn, liệu ước vọng đó có thành hiện thực?
* Tìm đâu tài năng trẻ ?
Lúc đầu, Cục Nghệ thuật Biểu diễn dự tính giới hạn tuổi dự thi của các diễn viên trẻ là dưới 30, nhưng sau đó, lại du di đến 35. Điều này cho thấy lo ngại có thực từ phía những người tổ chức về lực lượng diễn viên trẻ ở các đoàn hiện nay. Thoáng là vậy nhưng đến thời điểm chốt danh sách tham dự Liên hoan, lại chỉ có 160 diễn viên của 38 trong số 85 đơn vị nghệ thuật trong cả nước đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, mặc dù cuộc thi lần này, Ban giám khảo cho phép thí sinh được chọn các tiểu phẩm, trích đoạn, hài kịch trong và ngoài nước, tức là nội dung được phép thể hiện đã thông thoáng hơn cuộc thi trước đó, nhưng phần lớn các thí sinh vẫn chọn các trích đoạn truyền thống. Trong đó, trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo (Bình Định cũng có một diễn viên đăng ký trích đoạn này) đã có tới bảy, tám người đăng ký. Cuộc đọ sức sẽ khá gian nan.
Trong cuộc thi lần này, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định có hai diễn viên trẻ tham gia: Văn Xuân với một trích đoạn trong Đồng tiền Vạn Lịch, Thùy Dung với một trích đoạn trong vở Huyền Trân công chúa. Trong đó, Thùy Dung đang học năm thứ ba của lớp ca kịch bài chòi tại Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định và là một diễn viên trẻ có triển vọng. Nhà hát Tuồng Đào Tấn có 3 diễn viên tham gia: Ngô Thị Bảy với Lan Anh lạc đẻ, Hoàng Thanh Bình trong Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Nguyễn Đức Khanh với trích đoạn Châu Thương gặp Quan Công. Trong đó, Hoàng Thanh Bình đã từng đoạt huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp và bước đầu đã đảm nhận được một số vai chính trong một số vở diễn.
Các diễn viên này bước đầu đã khẳng định được trên sàn diễn và cái đáng quý nhất ở họ chính là sức trẻ và lòng yêu nghề, nhiệt tình với nghề. Chính bởi sự nhiệt tình ấy, mà trước ngày lên đường ứng thí, đến với Đoàn Ca kịch Bài chòi hay Nhà hát Tuồng Đào Tấn, chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh các diễn viên trẻ đang nhiệt tình tập luyện các trích đoạn của mình.
* Sẽ tỏa sáng ?
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là các gương mặt diễn viên dự thi tài năng trẻ này, dù đoạt giải hay không, khi trở về, sẽ trở lại vai trò đóng vai phụ cho các gương mặt gạo cội hay sẽ tỏa sáng và sẽ thay thế được vai trò của cho các diễn viên lớp trước trong tương lai?
Có thể thấy ngay rằng, mỗi diễn viên trẻ trong số họ đều có những hạn chế khác nhau. Có diễn viên tuy tiếp thu tốt, hình thể khá, nhưng hơi lại yếu nên sẽ hạn chế về sức diễn. Có diễn viên tuy nhiều cố gắng luyện tập nhưng lại tiếp thu chậm, sức biểu cảm hạn chế. Nhìn chung, các diễn viên trẻ vẫn chưa trụ được một vai để đảm bảo cho một vở diễn.
Có thể thấy đây cũng chính là thực trạng chung của các đoàn nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống, trong cả nước. NSƯT Hòa Bình, Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn cho biết: "Nghe NSND Đình Bôi hát Trương Phi xướng rượu, cụ thể hiện thật sống động, dù chỉ bằng lời hát. Dường như, ông đang dồn cả tâm lực vào lời hát. Vậy mà nay, không ai kế tục được ông với nhân vật đó. Tiếc! Càng quý nghề, càng hiểu cái hay cái đẹp của nghề, lại càng thấy tiếc. Nhưng để hát được như Đình Bôi không phải dễ". Quả vậy, cùng với kinh nghiệm biểu diễn, sức biểu cảm tích tụ từ những năm tháng trải trên sàn diễn, còn là vốn tri thức. Các nghệ sĩ lớp trước cũng muốn truyền thụ lại cho thế hệ đi sau, nhưng cái hồn thì làm sao truyền được. Một nghệ sĩ tâm sự: "Người diễn viên muốn diễn thành công, phải biết "ăn cắp" từ cuộc đời đưa vào vai diễn, biết "ăn cắp" của thầy nữa. Nhưng với lớp trẻ hôm nay, thầy tận tâm dạy còn chưa ăn được, nói chi biết "ăn cắp". Đó là chưa kể đến áp lực cuộc sống với các diễn viên trẻ này. Hơn nữa, rèn nghề với các một người nghệ sĩ phải được tiến hành thường xuyên, trong cả cuộc đời, chứ đâu đợi đến sức ép của một cuộc thi. Có lẽ, đây mới chính là cái thiếu căn bản nhất của các diễn viên trẻ nói chung.
Vòng luẩn quẩn của các diễn viên trẻ là thiếu kinh nghiệm, những muốn có kinh nghiệm thì phải lăn lộn, nhưng muốn vậy lại phải có sức diễn cùng như khả năng đảm nhận nhiều vai diễn. Cả hai điều này, diễn viên trẻ đều thiếu. Hệ quả là những nhân vật ở độ tuổi 20-25 đều phải do những diễn viên xấp xỉ "đầu" 4 đảm nhận. Bởi vậy nên dù Bình Định có số lượng các nghệ sĩ, nghệ nhân sân khấu truyền thống có thể đảm nhận giảng dạy khá đông, nhưng tài năng trẻ thực sự của sân khấu truyền thống vẫn hiếm hoi như sao buổi sáng. Ngoảnh đi ngoảnh lại, thế hệ đi trước đã sắp lên "lão" mà những thế hệ tiếp nối vẫn còn chưa thấy đâu.
* Thay lời kết
Chưa thể dự đoán gì nhiều về những kết quả mà các diễn viên trẻ Bình Định sẽ gặt hái được tại Cuộc thi tài năng trẻ năm nay. Tuy nhiên, điều ta có thể thấy ngay là mục tiêu "thanh xuân hóa" các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nhất là các đoàn nghệ thuật truyền thống, vẫn sẽ còn khá xa. Những chính sách thu hút sử dụng, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật, cũng như khuyến khích, động viên thế hệ đi trước phát hiện, bồi dưỡng thế hệ diễn viên trẻ cần được đặt ra nếu không sẽ trở thành quá muộn.
. Lê Viết Thọ
|