"Biển và Tôi" - Thêm một vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng
17:3', 8/10/ 2003 (GMT+7)

Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định, trong dàn kịch mục hiện nay đã có khá nhiều vở diễn thuộc đề tài chiến tranh cách mạng như: Ba cha con, Hương thầm, Người tử tù mất tích, Nỗi đau còn đó, Núi rừng năm ấy, Điều không thể mất... Và, vừa qua, trong kế hoạch dàn dựng tiết mục năm 2003, Đoàn cũng đã hoàn thành xong vở diễn "Biển và Tôi" của tác giả Đình Kính, một vở diễn thuộc đề tài chiến tranh cách mạng của quân và dân ở vùng biển miền Trung.

Kịch bản văn học "Biển và Tôi" được tác giả Đình Kính hoàn thành ở trại sáng tác quân đội, và Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định là đơn vị nghệ thuật đầu tiên dàn dựng. Vở diễn "Biển và Tôi" đề tài không mới nhưng không cứng nhắc, không ngợi ca một cách khiên cưỡng mà rất đời thường. Vở diễn mang đậm tính nhân văn, nên đã thuyết phục được người xem. "Biển và Tôi" nói về sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ trên con tàu không số, vượt đường mòn Hồ Chí Minh trên biển để đưa vũ khí vào Nam, với một không gian được tác giả mô tả cụ thể là vùng biển thuộc tỉnh Phú Yên, cùng với những địa danh quen thuộc như Hòn Tròng, Hòn Hàng, Bãi Nưa...

Câu chuyện bắt đầu từ một con tàu không số chở vũ khí bị địch phát hiện. Lăng là người con của làng chài Phú Yên, năm 1954 anh tập kết ra Bắc, để lại quê hương người vợ trẻ tên Tâm và đứa con vừa mới chào đời. Chồng tập kết, Tâm ở lại quê nhà tiếp tục bí mật hoạt động và chung thủy đợi chờ chồng. Mười lăm năm sau, Lăng trở về quê hương trên con tàu không số, chưa gặp được vợ con thì con tàu bị địch phát hiện. Sau khi đưa đồng đội về nơi an toàn Lăng đã cho con tàu nổ tung giữa lòng biển cả. Và, anh đã mãi mãi ra đi cùng với sự bí mật của con tàu...

Chồng hy sinh, Tâm nuốt nước mắt vào trong tiếp tục bí mật hoạt động cách mạng. Nhưng, mọi động tĩnh của Tâm đều bị đại úy Đằng, một tên gián điệp của địch theo dõi. Ngoài sự theo dõi của Đằng, Tâm còn bị tên thiếu tá Rạng đeo đuổi và xin cầu hôn. Trong một lần đường dây sắp bị tên Đằng phát hiện, để cứu lấy đồng đội, và giữ bí mật cho cách mạng, Tâm đành nhắm mắt nhận lời cầu hôn của thiếu tá Rạng. Làm vợ giặc, lòng Tâm ngổn ngang trăm mối nhưng nhờ thế mà Tâm đã đưa bao chuyến tàu chở vũ khí cập bến một cách an toàn...

Năm 1975, ngụy quân thua chạy khỏi vùng biển Phú Yên. Thiếu tá Rạng theo đoàn quân thất trận tiếp tục vào Sài Gòn tử thủ. Đứng trước sự giao thời giữa đi và ở, trong nỗi niềm ray rứt ngậm ngùi, Tâm đã nói hết sự thật về mình cho thiếu tá Rạng hay. Nhưng Tâm đâu ngờ thiếu tá Rạng - người chồng "bất đắc dĩ" của Tâm cũng chính là một người cộng sản...

Với một ê kíp quen thuộc gồm chuyển thể Sĩ Chức, đạo diễn Hoài Huệ, âm nhạc Hữu Lai - Đỗ Anh Bình, thiết kế mỹ thuật Vũ Hoàng Linh, cùng với những diễn viên gạo cội như Hồ Thu, Hoài Huệ, Tấn Hào, Thiên Chi... đêm tổng duyệt đã để lại nhiều ấn tượng tốt. Hy vọng, đầu xuân năm 2004, vở diễn "Biển và Tôi" sẽ được công chúng nồng nhiệt đón nhận...

. Tấn Hào

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Dương đoạt cúp vô địch  (08/10/2003)
Đội Tiền Giang sẽ tiếp tục gây bất ngờ?   (06/10/2003)
Cúp vô địch đã tuột khỏi tay Bình Định  (06/10/2003)
Nét đẹp ở một câu lạc bộ nghệ thuật   (05/10/2003)
Tìm "Sao Mai" cho sân khấu truyền thống   (03/10/2003)
Trần Minh Quang và những kỷ niệm về SEA Games   (03/10/2003)
Bình Định, Cần Thơ vào bán kết  (02/10/2003)
Bảng B vẫn chưa ngã ngũ  (01/10/2003)
Chủ nhà đã giành chiến thắng  (30/09/2003)
Chưa có ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch  (29/09/2003)
Bất ngờ qua lượt trận đầu tiên  (28/09/2003)
Cúp bóng đá Hoàng Đế Quang Trung lần thứ 3 chắc chắn sẽ sôi động   (26/09/2003)
Cúp vô địch có ở lại Bình Định?   (26/09/2003)
Minh Mính, Văn Dũng - Hai cầu thủ đầu tiên của Bình Định thi đấu cho nước ngoài   (24/09/2003)
Chúng tôi phải chắt lọc và tập trung cho một vài môn trọng điểm   (23/09/2003)