Thị trường sách: Mảng màu sáng - tối
16:32', 9/10/ 2003 (GMT+7)

Trong khi hoạt động kinh doanh sách ở Quy Nhơn khá nhộn nhịp thì ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… người dân lại đói sách.

* Thành thị: Nhà nhà vào cuộc

Có thể nói, trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa, kinh doanh xuất bản phẩm là một trong những lĩnh vực được xã hội hóa một cách khá nhanh chóng. Hiện nay, ngoài 15 cửa hàng sách của Công ty Sách và Thiết bị Bình Định, còn có hàng trăm đại lý, cửa hàng sách tư nhân. Số nhà sách này cung cấp lượng sách chủ yếu, phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của người dân và nâng cao dân trí.

Dạo một vòng quanh các nhà sách tư nhân, chúng ta sẽ chứng kiến sự sôi động của hoạt động kinh doanh này. Ngoài sách giáo khoa, mảng sách phục vụ bạn đọc đại chúng cũng khá phong phú, đa dạng, không ít những cuốn sách vừa ra đời, mới được giới thiệu trên báo, hôm sau đã có mặt trên các giá sách. Mảng sách thiếu nhi cũng khá phong phú, thu hút được nhiều bạn nhỏ.

Các nhà sách tư nhân rất năng động. Họ trừ phần trăm cho khách quen và tỷ lệ cao hơn so với các cửa hàng sách của Công ty Sách và Thiết bị. Ông Lê Huy, Quyền Giám đốc Công ty Sách và Thiết bị Bình Định, giải thích: "Các cửa hàng sách của Công ty chịu thuế giá trị gia tăng, chỉ cần bán sách ra là mặc nhiên chịu thuế nên không thể giảm phần trăm nhiều hơn cho khách hàng được. Các cửa hàng sách tư nhân thì khác, họ chịu thuế khoán nên có thể mạnh dạn giảm giá cho khách hàng".

Nhưng lý do quan trọng nhất để các nhà sách tư nhân thu hút được sự quan tâm của bạn đọc chủ yếu là vì họ thường xuyên có sách mới, linh động đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc. Chẳng hạn, khách hàng có thể chọn mua những cuốn sách mà mình cần thông qua danh sách sách mới của các nhà xuất bản và đại lý phát hành lớn. Ngay với một mảng sách vào loại khó bán là sách văn học, nghiên cứu, do bắt mạch được nhu cầu bạn đọc, nên các nhà sách này cũng thu hút không ít sự quan tâm của độc giả. Bộ Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), giá cao, tới 250.000 đồng/bộ, nhưng đợt đầu về vài bộ, bán hết ngay, nhà sách phải đặt mua thêm. Một chủ cửa hàng sách trên đường Lê Hồng Phong cho biết: "Nhu cầu bạn đọc bây giờ đa dạng lắm. Vấn đề là phải nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu. Lại có những bạn đọc ruột, chuyên có nhu cầu về một loại sách nào đó, phải biết đáp ứng".

Với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội ở Quy Nhơn, trong thời gian tới, chắc chắn thị trường sách sẽ còn nhiều sôi động.

* Nhưng đường nào để sách về miền xa?

Tuy nhiên, thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, lại không nằm trong chiến lược kinh doanh của các nhà sách tư nhân. Do vậy, phục vụ nhu cầu của bạn đọc ở khu vực này, chỉ còn trông chờ vào vai trò của Công ty Sách và Thiết bị Bình Định, một doanh nghiệp Nhà nước. Hiện nay, Công ty này có 15 cửa hàng sách trong toàn tỉnh, thì chỉ riêng Quy Nhơn đã chiếm tới 5 cửa hàng. Trong ba huyện miền núi của tỉnh, chỉ mỗi huyện Vân Canh là có cửa hàng sách, hai huyện còn lại là Vĩnh Thạnh và An Lão không có cửa hàng sách. Ông Huy cho biết: "Trước đây, An Lão cũng có cửa hàng những do lượng sách bán ra quá lèo tèo, lãi thu không đủ trả lương cho nhân viên bán hàng, nên chúng tôi phải đóng cửa, chưa củng cố lại được". Với cửa hàng sách tại huyện Vân Canh cũng chủ yếu là phục vụ vì thu cũng chưa đủ bù chi. Bình quân, cửa hàng này chỉ bán khoảng 9-10 triệu đồng/tháng, chủ yếu vẫn là sách giáo khoa và một số ít sách thiếu nhi.

Tại các cửa hàng sách ở thị trấn các huyện mà chúng tôi có dịp ghé qua, phần lớn vẫn là bán sách giáo khoa cho học sinh và một ít bản sách khoa học - kỹ thuật, chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp. Còn lại, sách văn học - nghệ thuật và các loại sách phục vụ bạn đọc đại chúng rất ít ỏi, đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu là sách cũ.

Ngoài hệ thống cửa hàng sách trên đây, Công ty này còn có 190 đại lý trong toàn tỉnh, trong đó, mỗi huyện có 15 đến 25 đại lý. Tuy nhiên, đây là các đại lý sách giáo khoa. Bởi vậy, trong 2,7 triệu bản sách mà Công ty phát hành/năm thì chỉ 11%, tương ứng với khoảng 300.000 bản, thuộc các loại sách phục vụ nhu cầu đại chúng, còn lại là bán sách giáo khoa. Con số 11 % này cũng chủ yếu tập trung ở 5 cửa hàng tại thành phố Quy Nhơn. Một cán bộ làm công tác phát hành của Công ty giải thích: "Một cuốn sách vài chục ngàn đồng, người dân bình thường còn chưa dám bỏ tiền ra mua, nói chi đến người dân vùng sâu, vùng xa".

Sách về vùng sâu, vùng xa, do vậy, chỉ trông vào con số ít ỏi những bản sách tài trợ cho thư viện các trường tiểu học, phổ thông cơ sở ở miền núi hàng năm. Năm 2003, con số này là 33 tên sách, mỗi tên 6 bản cho 42 trường trên địa bàn tỉnh.

Nếu sự sôi động của thị trường sách ở Quy Nhơn là điều đáng mừng thì sự im lìm của thị trường sách nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa rất đáng lo ngại. Những chính sách, giải pháp nhằm đưa sách đến được với người dân ở các vùng xa thành thị là điều các nhà hoạch định chính sách nên tính đến, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nơi đây.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Biển và Tôi" - Thêm một vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng   (08/10/2003)
Bình Dương đoạt cúp vô địch  (08/10/2003)
Đội Tiền Giang sẽ tiếp tục gây bất ngờ?   (06/10/2003)
Cúp vô địch đã tuột khỏi tay Bình Định  (06/10/2003)
Nét đẹp ở một câu lạc bộ nghệ thuật   (05/10/2003)
Tìm "Sao Mai" cho sân khấu truyền thống   (03/10/2003)
Trần Minh Quang và những kỷ niệm về SEA Games   (03/10/2003)
Bình Định, Cần Thơ vào bán kết  (02/10/2003)
Bảng B vẫn chưa ngã ngũ  (01/10/2003)
Chủ nhà đã giành chiến thắng  (30/09/2003)
Chưa có ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch  (29/09/2003)
Bất ngờ qua lượt trận đầu tiên  (28/09/2003)
Cúp bóng đá Hoàng Đế Quang Trung lần thứ 3 chắc chắn sẽ sôi động   (26/09/2003)
Cúp vô địch có ở lại Bình Định?   (26/09/2003)
Minh Mính, Văn Dũng - Hai cầu thủ đầu tiên của Bình Định thi đấu cho nước ngoài   (24/09/2003)