Người phụ nữ trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt
16:15', 14/10/ 2003 (GMT+7)

Tảo tần đời mẹ (ảnh: Phạm Văn Chai)

Mỗi khi hướng về cội nguồn dân tộc, ta lại nhớ tới sự tích mẹ Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, đẻ ra trăm con. Dân tộc Việt gồm nhiều dân tộc anh em có nguồn gốc từ đó. Mẹ Âu Cơ như một biểu tượng bất tử về cội nguồn sự sống vật chất và tinh thần của thời hình thành người Việt trên dải đất này. Và nghĩa đồng bào cũng từ tích ấy mà ra.

Trong tâm thức người Việt Nam luôn luôn hiện diện hình ảnh người phụ nữ. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt thật sự là một hiện tượng đặc biệt trong đời sống tinh thần, tâm linh... Có thể nói, việc thờ phụng anh hùng lịch sử, danh nhân văn hóa và bách nghệ tổ sư thể hiện rõ bản sắc văn hóa và sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt. Tục thờ nữ thần vốn có ngọn nguồn lịch sử, đã phản ánh truyền thống coi trọng các bà mẹ, phản ánh vị trí cao cả của phụ nữ nước ta trong chế độ phụ quyền trong gia đình Việt Nam đã xác lập từ lâu.

Chân dung các Mẫu, các vị nữ thần được ngưỡng mộ thờ cúng mang dáng dấp của một nữ nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đất nước như Bà Trưng, Bà Triệu... Trải suốt mấy ngàn năm lịch sử, trong dân gian Việt Nam đã sản sinh và tồn tại những vị thần linh thuần gốc Việt, trong số ấy có bốn vị được tôn là Tứ Bất Tử. Họ gắn liền với sự trường tồn, bất tử của dân tộc. Đó là Thần Tản Viên, Cậu bé làng Gióng, Chử Đồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh, trong đó có một gương mặt nữ thần.

Tứ Bất Tử tiêu biểu cho những tấm gương sáng chói của một dân tộc khẳng định sự tồn tại của mình. Dân gian đã hình tượng hóa những biểu tượng, sự tích tiêu biểu, sinh động, thiêng liêng, nửa hư nửa thực mà rất gần gũi trong ý thức về dân tộc.

Một Tản Viên (tức Sơn Tinh) biết chọn đê điều làm biện pháp giữ gìn ấm no; một Cậu bé làng Gióng tiêu biểu cho tinh thần chống giặc ngoại xâm của bao thế hệ xưa nay và Phù Đổng tượng trưng cho sức mạnh tiềm tàng vượt bậc, chiến công kỳ diệu, đức tính chí công vô tư... Rồi Chử Đồng Tử tự tạo hạnh phúc cho chính mình. Nhưng trường hợp của nữ thần Liễu Hạnh thật độc đáo. Tương truyền, Liễu Hạnh là công chúa của Ngọc Hoàng, thác sinh vào nhà họ Lê từ thời Thiên Hựu (1557). Theo luật trời, tiên xuống trần phải có thời hạn, nhưng Liễu Hạnh đã không chịu theo. Hai lần hết hạn là hai lần nàng nhất quyết đòi được sống cuộc sống trần gian. Nàng chu du khắp nơi, trêu ghẹo người này, gia ơn kẻ khác, đàm đạo với văn nhân, kết hôn với danh sĩ, giúp dân trừ nạn. Liễu Hạnh là biểu tượng cho sức sống giải phóng, ý thức tự do và lòng nhân đạo của phụ nữ. Chất Việt trong bà rất rõ. Đó là tâm hồn nhân văn sâu lắng, biểu hiện ở sức sống quật cường và tâm hồn nghệ sĩ. Liễu Hạnh được tôn vinh là Thánh Mẫu vì những lẽ đó; phụ nữ Việt Nam tự hào với Bà Trưng, Bà Triệu nhưng với Liễu Hạnh, họ thấy gần gũi hơn.

Trong tâm thức sâu xa của dân Việt, cả nước là đại gia đình chung huyết thống như tích Âu Cơ cho thấy. Gia đình nào cũng có người chủ là mẹ chứ không phải ông cha. Luân lý phụ quyền là của Nho giáo chứ nào phải của dân Việt. Mẹ sinh ra con cái, nuôi dưỡng rèn luyện, chăm sóc con. Không phải chỉ sinh vật mà cả vật vô tri cũng có mẹ. Có mẹ Đất, mẹ Núi, mẹ Nước, mẹ Lúa... trong kho thần thoại của 54 dân tộc Việt Nam này. Dựa vào các mẹ ấy là cách đem lại sự yên ổn, thanh bình, yêu thương.

Người phụ nữ, vì vậy, đã có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Việt. Chế độ phong kiến với những giáo điều ràng buộc người phụ nữ theo tam cương, ngũ thường, "Phụ nhân nan hóa", "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" hay "Trăm đứa con gái không bằng cái d... con trai", ngay đến tế lễ, rước xách cũng là đàn ông đã đành, có nơi còn giữ lệ căng màn, quây rạp không cho phụ nữ lai vãng, bén mảng đến gần để tránh "ô uế" nơi linh thiêng? Nhưng ngược đời thay, ngay chính nơi đó lại thờ các nữ thần.

Tục thờ nữ thần, tục thờ Mẫu còn sống động đến ngày nay. Đó là các bà Mẫu thuộc Tam phủ, Tứ phủ trên cơ sở thờ các nhiên thần (thần biểu trưng cho lực lượng tự nhiên): Mẫu Thoải (Mẹ nước), Mẫu Cửu Thiên (Mẹ chín tầng trời), Mẫu Thượng Ngàn (Mẹ của núi ngàn). Về sau có thêm Mẫu Liễu Hạnh (cõi nhân gian) ở thế kỷ XVI. Đó còn là bà Mẹ xứ sở Pô Nưgar ở miền Trung của đồng bào Chăm, Bà chúa Ngọc ở Huế, Bà chúa Tiên ở Nha Trang, Bà chúa Xứ ở Tây Nam Bộ...

Hội chùa Dâu mở hằng năm tại trung tâm Phật giáo đầu tiên ở nước ta hồi thế kỷ thứ III, IV... ở 5 làng thuộc tổng Dâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (thuộc khu vực thành Luy Lâu xưa). Hội chùa Dâu gắn liền với việc thờ phụng năm nữ thần thờ ở 5 chùa thuộc tổng Dâu. Đó là Pháp Vân (vị thần chủ trì Mây), Pháp Vũ (vị thần chủ Mưa), Pháp Lôi (vị thần chủ Sét), Pháp Điện (vị thần chủ Chớp) tục gọi là Tứ Pháp. Các vị thần ấy chủ trì những lực lượng tự nhiên mà cư dân nông nghiệp cổ rất sùng bái, vì có liên quan đến việc cung cấp nước cho nghề trồng lúa nước. Tứ Pháp được đưa vào nhà chùa nhưng thực chất là các vị thần người Việt cổ.

Có thể nói, người phụ nữ Việt Nam đã có mặt và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình văn hóa của dân tộc Việt... Hiện nay, chủ trương của Nhà nước về việc trao tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" chính là tiếp nối với tiến trình văn hóa tốt đẹp của dân tộc đối với người phụ nữ.

. Trần Xuân Toàn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thêm Đức và Anh đoạt vé tới Bồ Đào Nha   (12/10/2003)
Hoài Huệ - Hồ Thu đôi bạn diễn tâm đắc   (10/10/2003)
Thị trường sách: Mảng màu sáng - tối   (09/10/2003)
"Biển và Tôi" - Thêm một vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng   (08/10/2003)
Bình Dương đoạt cúp vô địch  (08/10/2003)
Đội Tiền Giang sẽ tiếp tục gây bất ngờ?   (06/10/2003)
Cúp vô địch đã tuột khỏi tay Bình Định  (06/10/2003)
Nét đẹp ở một câu lạc bộ nghệ thuật   (05/10/2003)
Tìm "Sao Mai" cho sân khấu truyền thống   (03/10/2003)
Trần Minh Quang và những kỷ niệm về SEA Games   (03/10/2003)
Bình Định, Cần Thơ vào bán kết  (02/10/2003)
Bảng B vẫn chưa ngã ngũ  (01/10/2003)
Chủ nhà đã giành chiến thắng  (30/09/2003)
Chưa có ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch  (29/09/2003)
Bất ngờ qua lượt trận đầu tiên  (28/09/2003)