Phim truyền hình: Hàng ngoại lấn hàng nội
16:16', 17/10/ 2003 (GMT+7)

Khán giả truyền hình đang bị "bội thực" phim Hàn Quốc, Trung Quốc (ảnh: T.G)

Phim Hàn Quốc và Trung Quốc hiện đang chiếm thế thượng phong trên các chương trình truyền hình. Để phim truyền hình Việt Nam đủ sức "trụ" với hàng ngoại, đâu phải chỉ là chuyện kinh phí?

* "Bội thực" phim Trung Quốc, Hàn Quốc

Phim Hàn Quốc và Trung Quốc hiện đang chiếm thế thượng phong trên các chương trình truyền hình. Đài Truyền hình Bình Định, buổi 10 giờ thì Cách cách lấy chồng, sang buổi 18 giờ đã thấy Hiệp khách hành và buổi tối lại là Song Yến biệt ly. Rồi Tình huynh đệ, Bộ ba. Đó là chưa kể CATV kênh tiếng Việt với bộ phim truyện Trung Quốc Tìm lại bản sắc. Các kênh của VTV cũng tràn ngập các bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Người xem chưa nguôi ngoai với Tây Hạ hoàng triều, Hán Vũ Đế, đã thấy Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Chuyện Thương Ưởng… Bật kênh nào cũng thấy phim Trung Quốc, Hàn Quốc. Một khán giả truyền hình nói: "Những bộ phim truyền hình của các nước này tương đối hấp dẫn, đi vào những vấn đề của đời sống. Nhưng xem quá nhiều, bật kênh nào cũng thấy, bị nhét hết bộ phim này đến bộ phim khác, đâm ra "bội thực". Xem ra, bạn trẻ hôm nay hiểu lịch sử Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc còn nhiều hơn lịch sử và văn hóa Việt Nam cũng là điều dễ hiểu".

Cách đây 5 năm, khi truyền hình chỉ phát sóng 8 tiếng, để đáp ứng đúng yêu cầu của Chính phủ là thời lượng phát sóng phim Việt Nam phải đạt 50%, Hãng phim Truyền hình Việt Nam đã gồng mình sản xuất phim đáp ứng yêu cầu. Tất nhiên, chất lượng phim truyền hình Việt Nam khi đó cũng chỉ ở mức có vài bộ phim tàm tạm. Nay thì Đài Truyền hình Việt Nam phát 3 kênh, mỗi kênh 18 tiếng/ngày. Theo ông Khải Hưng, Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình, trả lời phỏng vấn Vietnamnet thì để đạt chỉ tiêu 50% nói trên, cần phải sản xuất một lượng phim 2.000 tập/năm. Đây là một con số khổng lồ và với thực lực hiện nay, không thể đáp ứng được vì hiện nay Hãng phim Truyền hình Việt Nam chỉ sản xuất được 300 tập phim/năm.

Chiếu phim nước ngoài là giải pháp tất yếu, nhưng điều đáng nói là lại chiếu quá nhiều phim Trung Quốc và Hàn Quốc. Phân bổ phim một cách hợp lý, có sự điều tiết liều lượng phim hay của nhiều quốc gia khác nhau trong các chương trình truyền hình là việc cần làm ngay trong khi chờ đợi sự tăng tốc của điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam.

* Để hàng nội đủ sức "trụ" với hàng ngoại

Cứ giả sử, bây giờ phim truyền hình Việt Nam đáp ứng với nhu cầu số lượng thì với chất lượng như hiện nay có thu hút được khán giả? Những bộ phim ngùng ngoằng, với những tình tiết và cốt chuyện không có gì mới, quá nhàm chán với người xem. Phim lịch sử, mảng chúng ta rất thiếu hiện nay, Đêm hội Long Trì còn chấp nhận được, đa số quá tệ. Nếu cứ sản xuất ra những bộ phim như vậy, thì có lẽ thà xem phim Trung Quốc, Hàn Quốc còn hơn! 

Trước đây, khi phim truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc chưa tràn ngập truyền hình thì khán giả đã đặt câu hỏi về sự yếu kém của phim truyền hình Việt Nam. Nguyên nhân được những người sản xuất phim truyền hình khi đó đưa ra là kinh phí. Đây là một cách đổ lỗi khá tiện lợi. Đến nay, nhiều năm đã trôi qua, số lượng phim truyền hình được sản xuất không ít, nhưng chất lượng vẫn chưa khá hơn. Một lần nữa, khán giả lại được những người sản xuất phim truyền hình khuyên là hãy nhẫn nại chờ đợi. Nhưng chờ đến bao giờ?

Một trường quay chuẩn sẽ là điều kiện tối cần cho sản xuất phim, phim truyền hình lẫn điện ảnh. Điều này càng có ý nghĩa với phim truyền hình nhiều tập, phim lịch sử. Nhưng hiện nay, với phim một tập, những bộ phim truyền hình Việt Nam cũng rất ít phim hấp dẫn. Cùng với việc có trường quay, thì một loạt vấn đề khác đặt ra cũng không kém phần cấp bách, đó là chất lượng kịch bản, đạo diễn và diễn viên. Hãng Phim Truyền hình Việt Nam cần đào tạo được những diễn viên truyền hình bài bản, một lực lượng nghệ sĩ lồng tiếng chuyên nghiệp và những gương mặt độc quyền. Bên cạnh đó, xã hội hóa sản xuất phim truyền hình cũng là một biện pháp cần tính đến không chỉ nhằm nâng cao chất lượng mà cả số lượng phim truyền hình được sản xuất.

. K.N

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phạm Thị Ngãi: Tôi sẽ hết mình vì điền kinh Bình Định  (16/10/2003)
Người phụ nữ trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt   (14/10/2003)
Thêm Đức và Anh đoạt vé tới Bồ Đào Nha   (12/10/2003)
Hoài Huệ - Hồ Thu đôi bạn diễn tâm đắc   (10/10/2003)
Thị trường sách: Mảng màu sáng - tối   (09/10/2003)
"Biển và Tôi" - Thêm một vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng   (08/10/2003)
Bình Dương đoạt cúp vô địch  (08/10/2003)
Đội Tiền Giang sẽ tiếp tục gây bất ngờ?   (06/10/2003)
Cúp vô địch đã tuột khỏi tay Bình Định  (06/10/2003)
Nét đẹp ở một câu lạc bộ nghệ thuật   (05/10/2003)
Tìm "Sao Mai" cho sân khấu truyền thống   (03/10/2003)
Trần Minh Quang và những kỷ niệm về SEA Games   (03/10/2003)
Bình Định, Cần Thơ vào bán kết  (02/10/2003)
Bảng B vẫn chưa ngã ngũ  (01/10/2003)
Chủ nhà đã giành chiến thắng  (30/09/2003)