Logo truyền hình: Chớ nên xanh đỏ quá
15:49', 23/10/ 2003 (GMT+7)

Trong sự phát triển chung của các phương tiện thông tin đại chúng nước nhà những năm gần đây, truyền hình Trung ương và các địa phương cũng đã có những bước tiến khá dài, ngày càng đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của người xem. Tuy nhiên trong cách thể hiện của các đài truyền hình của ta có một điểm rất đáng được xem lại. Đó là cái logo của các đài đang được sử dụng.

Bắt đầu là từ sáng kiến của Đài Truyền hình Việt Nam với logo gồm ba chữ VTV có đủ ba màu đỏ, xanh lơ và xanh sẫm kèm theo một chữ số cũng màu đỏ rực ở cuối để chỉ kênh chương trình, rồi lần lượt đến hàng mấy chục đài truyền hình địa phương trong cả nước (trừ Đài PTTH Hà Nội) cũng theo mô típ đó mà bắt chước theo y xì xì. Cá biệt có đài còn đưa thêm vào logo cả những hình ảnh mang ý nghĩa như là một biểu tượng của địa phương mình. Như đài Hà Tây là hình ba ngọn núi của đỉnh Ba Vì, ở dưới còn vắt thêm dải lụa Hà Đông; Đài Huế là hình cố đô Huế, Đài Bình Định là tượng vua Quang Trung đang cưỡi ngựa vung gươm ra trận...

Có một cảm nhận chung là hình như đài nào cũng cố gắng để cho logo của đài mình được to hơn, nhiều màu sắc hơn và đậm đà hơn để đập vào mắt người xem được nhiều hơn. Điều đó khiến cho logo của các đài truyền hình từ Trung ương đến các địa phương đều trở nên màu mè, rườm rà xanh đỏ một cách rất… "nhà quê" (Chẳng là trong dân gian ta từ lâu đã có câu "xanh xanh đỏ đỏ chứng tỏ nhà quê").

Mục đích của sự xuất hiện logo là để nhằm chỉ một điều có ý nghĩa như là thương hiệu, nhãn hiệu hoặc là dấu hiệu của một sản phẩm, một tổ chức, đơn vị. Với các đài truyền hình, logo cũng không nằm ngoài mục đích ấy. Vì thế mà hầu như tất cả các đài truyền hình trên thế giới đều tạo cho mình một logo để bắn lên góc màn hình khi phát sóng, nhằm báo cho người xem biết họ đang xem đài của nước nào, của hãng truyền hình nào. Tuy nhiên, cũng hầu như là logo của tất cả các đài truyền hình nổi tiếng, ra đời đã từ rất lâu ở những nước văn minh trên thế giới đều có chung một đặc điểm là màu trắng mờ, nhỏ và đơn giản. Chẳng hạn như đài Nga, đài Trung Quốc, đài BBC của Anh, đài CNN của Mỹ; hoặc các kênh truyền hình HBO, Star MOVIES, DISCOVERY… của hãng UBC, kênh TV5 của Pháp, kênh DW của Đức… tất cả đều như thế. Đó là chưa nói đến chuyện sự màu mè rực rỡ, rườm rà một cách không cần thiết của các logo truyền hình của ta sẽ góp phần làm phân tán sự chú ý của người xem; và sự thiếu tính thẩm mỹ (mà những người làm ra nó cứ tưởng là có tính thẩm mỹ lắm) sẽ tạo nên sự phản cảm cho người xem; có lúc còn vì to và rườm rà quá đã làm che bớt mất hình ảnh trên tivi.

Đã qua rồi cái thời phải có một cái logo thật to, thật màu mè đậm đà trên màn ảnh để mọi người biết đó là đài truyền hình của mình, là mình cũng có đài truyền hình như ai (mà thực ra là chẳng giống ai).

Ở đời, cái gì mà không hợp lý thì nên sửa lại cho hợp lý; cái gì còn lại của sự ấu trĩ thì hãy nhanh chóng bước qua nó để có thể hòa nhập với sự hiện đại của thế giới, trong đó có cả những cái logo của các đài truyền hình ở nước ta từ đài Trung ương đến đài địa phương.

Mấy lời mạo muội như trên xin được bộc bạch cùng các nhà đài.

. Hà Tùng Sơn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
2 gương mặt VĐV khuyết tật tiêu biểu của Bình Định   (21/10/2003)
Olympic Việt Nam hạ gục tuyển Hàn Quốc  (20/10/2003)
Phim truyền hình: Hàng ngoại lấn hàng nội  (17/10/2003)
Phạm Thị Ngãi: Tôi sẽ hết mình vì điền kinh Bình Định  (16/10/2003)
Người phụ nữ trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt   (14/10/2003)
Thêm Đức và Anh đoạt vé tới Bồ Đào Nha   (12/10/2003)
Hoài Huệ - Hồ Thu đôi bạn diễn tâm đắc   (10/10/2003)
Thị trường sách: Mảng màu sáng - tối   (09/10/2003)
"Biển và Tôi" - Thêm một vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng   (08/10/2003)
Bình Dương đoạt cúp vô địch  (08/10/2003)
Đội Tiền Giang sẽ tiếp tục gây bất ngờ?   (06/10/2003)
Cúp vô địch đã tuột khỏi tay Bình Định  (06/10/2003)
Nét đẹp ở một câu lạc bộ nghệ thuật   (05/10/2003)
Tìm "Sao Mai" cho sân khấu truyền thống   (03/10/2003)
Trần Minh Quang và những kỷ niệm về SEA Games   (03/10/2003)