Để lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa thực sự hoành tráng, trang trọng
17:33', 24/10/ 2003 (GMT+7)

Mùa xuân năm Giáp Thân - 2004, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức Lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2004). Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Bình Định và cả nước nói chung. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Bình Định cũng như các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh đã và đang tích cực triển khai những công viêïc chuẩn bị cho lễ hội…

* Từ bước khởi động tích cực

Hai con voi… giả tại Lễ hội 210 năm

Ngay từ những tháng đầu của năm 2003, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành chức năng, nhất là Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) tỉnh, đã có kế hoạch chuẩn bị cho lễ hội nhằm ôn lại truyền thống quật khởi của phong trào nông dân Tây Sơn và tinh thần bách chiến bách thắng của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung, góp phần động viên, giáo dục các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Bên cạnh đó, thông qua lễ hội, BTC lễ hội muốn giới thiệu tiềm năng du lịch của Bình Định và Bảo tàng Quang Trung nói riêng. Dự kiến, tham dự lễ hội sẽ có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành của Trung ương và một số tỉnh, thành: Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Phú Yên, Gia Lai, Tiền Giang, Hội đồng hương Bình Định tại Hà Nội và TP. HCM… Bởi vậy, yêu cầu đề ra là lễ hội phải được tổ chức quy mô, hoành tráng, đúng tầm vóc của phong trào nông dân Tây Sơn và người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Vì thế, thời gian qua, có khá nhiều công việc đã và đang được các cơ quan liên quan triển khai, như: trùng tu, tôn tạo, nâng cấp một số di tích; giải tỏa nhà dân để xây dựng một số công trình phục vụ lễ hội; đúc tượng 9 văn thần, võ tướng Nhà Tây Sơn; chuẩn bị phim tài liệu về Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn; xây dựng kịch bản lễ hội; huy động lực lượng tham gia lễ hội; mời một số đơn vị nghệ thuật của các tỉnh, thành bạn phối hợp thực hiện chương trình của lễ hội…

* Đến những ý tưởng về một lễ hội lớn

Quang cảnh Lễ hội kỷ niệm 210 năm

Theo kịch bản, chương trình của lễ hội sẽ diễn ra tại địa điểm chính: Bảo tàng Quang Trung, khu vực cầu Kiên Mỹ đến trước Bảo tàng và sân vận động Phú Phong (Tây Sơn), với nhiều nội dung, tiết mục phong phú, đa dạng. Có thể đơn cử như sau: Tại khuôn viên Bảo tàng Quang Trung, sáng ngày 25-1-2004 (tức ngày mồng 4 Tết Giáp Thân) sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian, như: thi đấu võ đài, thi đấu cờ tướng, thi Trạng nguyên, biểu diễn võ cổ truyền và biểu diễn nghệ thuật truyền thống… Buổi chiều cùng ngày, tại đây sẽ diễn ra lễ dâng hoa tại tượng đài Quang Trung và lễ dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. Tại khu vực từ cầu Kiên Mỹ đến trước Bảo tàng Quang Trung, tối ngày 25-1-2004 sẽ diễn ra chương trình văn nghệ với chủ đề "Mừng Đảng quang vinh - Mừng xuân thịnh vượng". Tiếp đó, tại khu vực sông Kôn (gần cầu Kiên Mỹ) sẽ diễn ra chương trình hát hò đối đáp và thả đèn hoa đăng trên sông. Riêng chương trình thả đèn hoa đăng trên sông, dự kiến sẽ có khoảng 5-10 chiếc thuyền và thả khoảng 2.000-3.000 chiếc đèn giấy ngũ sắc. Đáng lưu ý, tại khu vực nói trên, vào buổi tối cùng ngày sẽ diễn ra chương trình bắn pháo hoa khoảng 15 phút (từ 23 đến 23 giờ 15 phút).

Đặc biệt, sáng ngày 26-1-2004 (tức mồng 5 Tết Giáp Thân), tại sân vận động Phú Phong, lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ chính thức khai mạc. Đây là chương trình quan trọng nhất của lễ hội. Sau lễ khai mạc sẽ là phần hội với chủ đề "Hào khí Tây Sơn - Bản hùng ca trên quê hương Bình Định". Theo kịch bản, phần hội sẽ gồm 5 chương, với thời gian khoảng 1 giờ. 5 chương đó là: Chương I: Dựng cờ khởi nghĩa; chương II: Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế; chương III: Hành binh thần tốc - đại phá quân Thanh; chương IV: Khải hoàn - Đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu và chương V: Tiếp bước Quang Trung - Bình Định tiến vào Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước. Tham gia thể hiện sẽ có khoảng 1.800 nam nữ diễn viên, vận động viên của Sở TDTT, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Đoàn Dân ca kịch Bình Định, trường Trung học VH-NT tỉnh và một số đoàn nghệ thuật của tỉnh, thành bạn như Đoàn Nghệ thuật Cung đình Huế, Đoàn Nghệ thuật Đam San (ĐakLak)…

So với lễ hội kỷ niệm cách đây gần 5 năm (lễ hội kỷ niệm 210 năm), lễ hội lần này có phần độc đáo hơn. Nếu như ở lễ hội kỷ niệm 210 năm, Hoàng đế Quang Trung phải "cưỡi" voi… giấy, thì lễ hội lần này sẽ có 4 con voi thật đưa từ ĐakLak xuống. Ngoài ra, sẽ có khoảng 10 con ngựa…

* Và những hạn chế, khiếm khuyết

Như trên đã đề cập, có thể nói so với lễ hội kỷ niệm 210 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, lễ hội 215 năm có khả năng sẽ được tổ chức quy mô hơn. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi thấy kịch bản của lễ hội bộc lộ không ít những hạn chế, khiếm khuyết.

Về lịch sử, các tác giả viết kịch bản chưa nghiên cứu thấu đáo, chuẩn xác nên có sự "lầm lẫn" đáng tiếc. Có thể đơn cử một số đoạn: "…vào thế kỷ 18, xã hội Đại Việt phơi bày rõ tình trạng suy đồi chính trị của 2 tập đoàn phong kiến Lê Trịnh ở Bắc Hà và Cựu Nguyễn ở Nam Hà". Câu này lý ra phải viết: "…xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ 18 phơi bày… tập đoàn vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong…". Rồi những câu: "Triều đình chúa Nguyễn thối nát", "…lật đổ nền thống trị phản động của tập đoàn phong kiến triều Nguyễn". Đúng ra, những câu này phải viết: "Tập đoàn chúa Nguyễn thối nát", "…tập đoàn phong kiến chúa Nguyễn". Các tác giả viết: "Cùng với người khởi xướng phong trào là anh cả Nguyễn Nhạc và chú tư Nguyễn Lữ, ở tuổi 23, Nguyễn Huệ ngay từ đầu…". Về thứ bậc trong gia đình anh em Nhà Tây Sơn có nhiều nguồn sử liệu khác nhau. Chẳng hạn, vấn đề Nguyễn Huệ có mấy anh em? Nguyễn Huệ là thứ ba hay thứ bảy?… Còn, nếu đã coi Nguyễn Nhạc là lớn nhất nhà thì phải gọi là "anh hai" theo cách gọi của người Bình Định, chứ không thể gọi là "anh cả". Hoặc, không rõ từ nguồn sử liệu nào mà các tác giả "tả" lá cờ của triều đại Quang Trung là "cờ đỏ mặt trời vàng bay phấp phới…" (?) và yêu cầu những người đóng vai vệ binh phải "thực hiện chính xác theo hiệu lệnh nghi lễ triều đình Tây Sơn mừng chiến thắng" (?). Không chỉ có vậy, các tác giả viết kịch bản còn sai sót, "lầm lẫn" trong việc trích những nội dung câu nói, lời Hịch của Quang Trung. Chẳng hạn như Chiếu lên ngôi (trang 12) và Hịch của Quang Trung (trang 14)….

Chỉ còn khoảng vài tháng nữa là lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ chính thức khai mạc. Làm gì và làm như thế nào để lễ hội thực sự hoành tráng, trang trọng? Câu trả lời thuộc về BTC lễ hội, nhất là vai trò của Sở VH-TT Bình Định và những người được phân công xây dựng, viết kịch bản lễ hội. Theo chúng tôi, lễ hội chính là "bộ mặt của Bình Định". Vì vậy, các ngành được giao nhiệm vụ tổ chức lễ hội phải làm thế nào đó để mọi người hiểu đúng về Bình Định, với truyền thông "đất võ, đường văn".

. Viết Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Logo truyền hình: Chớ nên xanh đỏ quá  (23/10/2003)
2 gương mặt VĐV khuyết tật tiêu biểu của Bình Định   (21/10/2003)
Olympic Việt Nam hạ gục tuyển Hàn Quốc  (20/10/2003)
Phim truyền hình: Hàng ngoại lấn hàng nội  (17/10/2003)
Phạm Thị Ngãi: Tôi sẽ hết mình vì điền kinh Bình Định  (16/10/2003)
Người phụ nữ trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt   (14/10/2003)
Thêm Đức và Anh đoạt vé tới Bồ Đào Nha   (12/10/2003)
Hoài Huệ - Hồ Thu đôi bạn diễn tâm đắc   (10/10/2003)
Thị trường sách: Mảng màu sáng - tối   (09/10/2003)
"Biển và Tôi" - Thêm một vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng   (08/10/2003)
Bình Dương đoạt cúp vô địch  (08/10/2003)
Đội Tiền Giang sẽ tiếp tục gây bất ngờ?   (06/10/2003)
Cúp vô địch đã tuột khỏi tay Bình Định  (06/10/2003)
Nét đẹp ở một câu lạc bộ nghệ thuật   (05/10/2003)
Tìm "Sao Mai" cho sân khấu truyền thống   (03/10/2003)