|
NSƯT Hòa Bình (đầu tiên bên trái) trong đợt lưu diễn tại CHLB Đức, người đứng bên cạnh là giáo sư Trần Văn Khê |
Tôi đã được nghe nói nhiều về yếu tố "nhất thanh" của NSƯT Hòa Bình (Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn), về câu hát Nam: "Lịu địu tay bồng, tay ẵm/Vói trông người biển thẳm, non cao" (Hộ sanh đàn), chỉ với hai chữ "lịu địu" mà chị diễn tả cả nỗi vất vả, gian khó ngày càng chất chồng lên nhân vật. Nghe tôi nhắc lại nhận xét đó, chị cười: "Vì vương mang gánh nghĩa gánh tình/(Cho nên) Phải lịu địu tay bồng, tay ẵm". Có lẽ đúng là do mình vương mang nhiều quá, nên bây giờ vẫn cứ lịu địu…".
1.
Cuộc đời đã giúp tôi gắn bó với nhiều vùng đất khác nhau - chị mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Quê ở thôn Kim Long (Hương Trà, Huế), nhưng chị lại sinh ra tại Thanh Hóa, khi ba mẹ đang trên đường tập kết ra Bắc. Lớn lên trên đất Bắc, nhưng lại trưởng thành trong nghề nghiệp ở Bình Định. Có lẽ là cơ duyên, khi những mảnh đất mà chị sinh ra và gắn bó đều là đất Tuồng. Sống trong hơi ấm nghệ thuật của Khu Văn công Mai Dịch từ ngày còn trong nôi, nên Hòa Bình đến với nghệ thuật tuồng từ rất sớm. 13 tuổi, chị đã thành công với vai Trần Quốc Toản (Trần Quốc Toản ra quân) trong thời gian đang theo học lớp trung cấp nghệ thuật đào tạo tại chỗ của Đoàn Tuồng Liên khu V. Tại đây, chị đã được các bậc thầy như NSND Ngô Thị Liễu, NSƯT Trương Thị Minh Đức, NSND Nguyễn Nho Túy, NSND Nguyễn Lai truyền dạy….
Chị kể: "Hồi đó, vóc dáng tôi còn khá nhỏ chứ chưa đến nỗi như bây giờ, nên cô Ngô Thị Liễu hướng tôi vào các vai kép con. Đây chính là những vai ruột của cô. 60 tuổi, cô Liễu hãy còn nổi tiếng với các vai kép con. Được cô trực tiếp truyền dạy, rồi được thử sức nhiều, nên tôi diễn khá vào các vai loại này. Trong thời gian đi học là Quách Hải Thọ (Bao Công tra án Quách Hòe), còn vai Trần Quốc Toản là vai tốt nghiệp. Ra trường, lại liên tiếp vào các vai Bé Hoa (Sư già và em bé), Kupơ (Nắng soi dòng suối Păng Pơi)". Sau NSND Ngô Thị Liễu, NSƯT Kim Cúc cũng là một người thầy để lại nhiều ảnh hưởng. NSƯT Kim Cúc vốn rất thành công trong các vai đào bi. Với người thầy này, Hòa Bình lại tiếp tục định hình phong cách biểu diễn qua các vai đào bi.
Thành tích của NSƯT Hòa Bình
- Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn quốc với vai công chúa Ngọc Hân trong vở Quang Trung đại phá quân Thanh (1980)
- Giải A Tiếng hát Tuồng hay toàn quốc (1982)
- Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn quốc với vai Nguyễn Thị Minh Khai trong vở Sáng mãi niềm tin (1990)
- Được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú năm 1993. |
Thấy tôi có vẻ chú ý đến tấm ảnh nhỏ, cũ kỹ, lúc chị hãy còn là một cô bé đang đứng tập hát, có người ngồi đệm đàn, chị bảo: "Đấy là mẹ tôi. Nếu những người thầy đã truyền dạy cho tôi nhiều về nghệ thuật biểu diễn, thì mẹ lại có ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Là một nhạc công đàn thập lục của Đoàn Tuồng Liên khu V nên mẹ rất hiểu, hát thế nào là hay, hát thế nào cho no nê, đầy đặn và chỉ bảo tôi nhiều. Nhưng cái chính vẫn là tình yêu với nghệ thuật. Tấm ảnh ấy là những kỷ niệm đã in đậm trong ký ức của tôi".
2.
"Sau năm 1975, tôi vào Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Hồi đó, lớp tụi tôi là thế hệ thứ hai, được "bẩy" lên để đóng cùng với các bậc thầy như Đình Bôi, Võ Sỹ Thừa. Giữa hai thế hệ này, về kinh nghiệm, kỹ thuật biểu diễn lẫn sự nhạy cảm nghề nghiệp khá cách xa nhau. Vậy là phải lao vào tập luyện, lăn lộn trên sàn diễn để "bám" theo các cụ thôi. Nhờ đó mà tôi trưởng thành, vào được những vai đào lớn". Là một nữ diễn viên tài, sắc vẹn toàn, lúc này, Hòa Bình thành công trong các vai đào chính và định hình được tên tuổi của mình trong lòng những người yêu tuồng. Những vai đào bi được chị phát huy và thành công với: Ái Nương (Trần Bình Trọng), Chị Ngộ (Chị Ngộ), Lan Anh (Hộ sanh đàn), Trại Ba công chúa (Ngũ Hổ bình Tây), Loan Dung (Lý Phụng Đình), công chúa Ngọc Hân (Quang Trung đại phá quân Thanh), Sơkuntơla (Nàng Sơkuntơla)… Giọng hát mượt mà, truyền cảm vốn có, kỹ thuật xử lý điêu luyện các luyến láy, cộng với khả năng múa đẹp, cũng như xử lý điêu luyện những trình thức biểu diễn độc đáo của nghệ thuật hát Bội truyền thống là những yếu tố đưa chị đến thành công.
Nhưng không chỉ có vậy. Đằng sau những thành tích tưởng chừng gặt hái dễ dàng ấy, là bao nỗ lực, phấn đấu. Chị kể: "Hồi NSND Đàm Liên vào Bình Định tập huấn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, mình tập bê, lăn trên sàn gỗ. Kết thúc buổi tập, hai đầu gối thấy đau đau, nhìn xuống mới biết là đôi chân rớm máu từ khi nào rồi".
- Theo chị, điều gì là quan trọng với một diễn viên nghệ thuật truyền thống, không phải như một người bắt chước sao cho thật giống các thầy, mà là một sự sáng tạo ở trong từng vai diễn? - Tôi hỏi.
- Cái chính là người diễn viên phải nắm được tư tưởng tác giả muốn gửi gắm qua vai diễn và nhập thân vào vai diễn đó, để diễn với tất cả tâm lực mình. Vai Lan Anh (Hộ sanh đàn) chẳng hạn. Không ít nghệ sĩ đã thể hiện thành công. Lúc mới phục hồi vở này tôi cũng cảm thấy là mình thể hiện tương đối được. Rồi cứ ỷ y như vậy. Phải đến hồi, NSƯT Ngọc Cầm vào và trực tiếp truyền dạy vai này, tôi mới giật mình: mình còn hổng nhiều quá. Trước hết là kiến thức văn học. Hổng cái này nên không hiểu được thật sâu tư tưởng mà tác giả gửi gắm vào đó. Chẳng hạn, lớp cuối, khi Lan Anh gặp lại chồng, tác giả dùng ngôn ngữ rất hiện thực, sát cuộc sống, nhưng những câu hát nam vẫn rất mẫu mực. Phải diễn thế nào để vừa có cái bề thế, mực thước của tuồng truyền thống, nhưng vẫn toát lên tư tưởng của tác giả là rất khó. Bên cạnh đó là vũ đạo. Trước đây động tác chuyển của mình vẫn còn nhiều bối rối. Nhận ra như vậy, mình diễn trở đầy đặn hơn. Nhiều người cứ nói vui, diễn thành công vai này, Hòa Bình đáng tăng hai bậc lương.
3.
Hòa Bình là một nghệ sĩ sôi nổi, linh hoạt. Đối thoại với chị, bao giờ ta cũng bị cuốn hút vào sự sôi nổi ấy của một người nghệ sĩ hết mình với nghề, với nghiệp. Nhưng có lẽ, chỉ khi đứng trên sân khấu, chị mới bộc lộ hết tư chất của mình, một nghệ sĩ đầy đủ chất tuồng, sinh ra cho tuồng và đã theo tuồng bằng tất cả máu thịt của mình. Đã không ít lần xem chị diễn, và bị thuyết phục trước niềm say mê chân thành với nghệ thuật tuồng của chị, nên tôi "bật ngửa" khi một lần nghe chị tâm sự rằng "Có lúc, tôi tưởng phải bỏ nghề". Chị kể:
- Đó là vào những năm sau khi tôi sinh cháu đầu tiên (1980). Lúc này, mình với NSƯT Phương Thảo đang là hai nữ diễn viên trụ cột của Nhà hát. Rồi con nhỏ, rồi gia đình… Còn nhớ, đêm đầu tiên sau khi sinh được hai tháng đã phải gồng gánh theo đoàn đi diễn, mang cả con theo. Đêm đó vào vai Ngọc Hân, mới hát được mấy câu đã thấy chân tay rã rời. Mà lưu diễn hồi đó dài cả tháng rưỡi, hai tháng là thường... Có lúc tưởng phải bỏ nghề… Nhưng rồi hết vương mang này đến vương mang khác. Đêm nằm nghĩ mãi, cảm thấy mình không thể bỏ nghề này được. Đây đâu chỉ là nghề, mà với mình, nó đã như chuyện cơm ăn, áo mặc hằng ngày. Vậy là quyết tâm vượt qua và kết quả là đứng trên sân khấu đến giờ. Nhưng bận rộn nhất vẫn là thời kỳ trở thành đại biểu Quốc hội khóa X. Hồi này, mình phải làm việc gấp ba bình thường. Một năm 12 tháng thì đã mất 6 tháng đi ngoài đường trong khi công việc quản lý, làm nghệ thuật vẫn đảm nhận bình thường. Năm đầu tiên vô cùng bề bộn, có lúc thấy lúng túng. Nhưng nhờ vậy mà mình học được cách xử lý vấn đề, xử lý công việc khoa học hơn, đến chuyện quản lý, giao tiếp… Nói chung là như được học thêm một trường học nữa...
4.
Băn khoăn lớn nhất vẫn là tìm thế hệ kế cận cho Nhà hát. Tôi nói vui: "Thế hệ các chị, phải nhờ "bẩy" lên mà trưởng thành, thì nay, sao chị không "bẩy" lớp trẻ lên?"- Thay vì trả lời trực tiếp, chị kể: "Cách đây ít lâu tôi có nghe NSND Đình Bôi hát câu hát của Trương Phi trong Cổ Thành. Cụ thể hiện sống động quá, chỉ bằng lời hát mà có cả giận dữ, sự xót xa, rồi tâm trạng buồn bã, âu sầu. Dường như, cụ đặt cả tâm lực vào lời hát. Vậy mà nay, không ai kế tục được ông trong nhân vật đó. Tiếc! Càng quý nghề càng thấy tiếc. Nhiều đêm không ngủ được. Đã gắn bó với nghề này từ máu thịt, ai không cảm thấy trăn trở?".
. LÊ VIẾT THỌ
|