Tượng vườn và vườn tượng
16:51', 2/11/ 2003 (GMT+7)

Vườn tượng danh nhân tại Quy Hòa

Không gian đô thị ngày một chật hẹp hơn khi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Đi tìm màu xanh, bóng mát để hít thở không khí trong lành, thư giãn sau thời gian lao động căng thẳng là nhu cầu không thể thiếu đối với người dân thành phố. Không gian nơi công cộng, công viên, trường học… cần gắn với những công trình nghệ thuật để giáo dục truyền thống về các danh nhân văn hóa, lịch sử, anh hùng dân tộc. Và như vậy, vai trò của tượng vườn càng tỏ ra quan trọng.

Một trong năm di tích được UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa thế giới ở nước ta là kinh đô Huế. Ở đây những đền đài, lăng tẩm có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật cao. Lăng tẩm triều Nguyễn có chung một mô - típ trang trí ngoại thất. Lăng Minh Mạng là một trong những lăng có mô hình hoàn thiện nhất kết hợp kiến trúc, điêu khắc hài hòa với thiên nhiên. Tượng vườn ở các lăng tẩm Huế sống mãi với thời gian, nó ghi dấu một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Tượng các văn thần, võ tướng triều Nguyễn như một biểu tượng của giai đoạn lịch sử, được tạc theo phong cách tả chân, tỉ lệ theo kích thước của người thật, bền vững với chất liệu vôi trộn lẫn mật ong. Bên cạnh hình tượng Ngựa đá, một hình tượng tượng vườn khác cũng được người xưa sáng tạo rất tài tình, đó là con Nghê. Hình tượng Nghê biểu trưng cho quyền lực của Vua.

Tượng vườn thành phố Huế xưa buồn và trầm mặc như những cơn mưa dai dẳng khi đông về, làm mềm lòng khách vãng lai, nhưng nó lại in đậm dấu ấn thời gian, góp phần làm nên di sản văn hóa mà không nơi nào có được. Tượng vườn thành phố Huế hôm nay mang sắc màu hiện đại, giàu tính sáng tạo, nó hội tụ của những tinh hoa đất nước và một số điêu khắc gia quốc tế. Các nhóm tượng được xây dựng ở khu vực bến Văn Lâu, bên dòng Hương Giang. Các tác giả đến đây dự trại sáng tác và lưu lại tác phẩm (đây là điểm nổi bật trong giao lưu và hội nhập với thế giới). Rất tiếc là có một số tác phẩm làm bằng chất liệu không bền vững, đã bị hỏng vì thời tiết khắc nghiệt của đất cố đô. Tượng vườn của bà Điềm Phùng Thị đậm đặc phong cách Á đông, độc đáo trong ý tưởng chữ viết tượng hình – hiện đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc của dân tộc. Bên cạnh Điềm Phùng Thị còn nhiều tác giả có vườn tượng cá nhân. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng có đến 2 vườn tượng (ở thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh). Đại diện cho những công trình của tập thể tác giả có thể kể đến Khu du lịch Đầm Sen ở thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói đây là một khu vui chơi, giải trí mà con người cải tạo thiên nhiên để phục vụ lại con người rất hoàn chỉnh, trong đó tượng vườn đóng vai trò đáng kể.

Ở Bình Định, khách du lịch đến Bệnh viện phong và da liễu Quy Hòa, sau khi chiêm ngưỡng những kiến trúc nhà ở độc đáo, có thể dừng chân ở vườn tượng danh nhân ngành y thế giới, do tác giả Nguyễn Đình Việt thể hiện. Với bút pháp tả chân, tác giả đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho khách du lịch đến tham quan về một loại hình nghệ thuật ngoài trời.

Điều đáng mừng là ở Bình Định, các trường phổ thông: Hùng Vương, Quang Trung, Nguyễn Thái Học, Lê Hồng Phong đã xây dựng tượng chân dung các danh nhân văn hóa, lịch sử dân tộc gắn với tên trường, nhằm mục đích giáo dục truyền thống cho học sinh. Tuy nhiên, việc thực hiện còn tự phát, có trường hợp xây dựng xong mới xin phép đặt tượng, hoặc không xin phép cơ quan quản lý dẫn đến chất lượng nghệ thuật không đảm bảo như trường hợp của 2 trường THPT Tăng Bạt Hổ và THPT Phan Bội Châu (đều ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) mà Báo Bình Định từng lên tiếng.

Được biết, Bình Định có đề án quy hoạch Trung tâm du lịch Ghềnh Ráng, trong đó có Đồi danh nhân. Thiết nghĩ việc đặt tượng các danh nhân văn hóa cần xây dựng quy hoạch ngay từ các đồ án thiết kế của quy hoạch đô thị để bảo đảm các nguyên tắc chung.

Tôi rất tâm đắc với đề xuất của điêu khắc gia Trần Tuy (trong bài viết "Cảm xúc qua chuyến đi Ý" đăng trên tạp chí Mỹ Thuật số 82, của Hội Mỹ thuật Việt Nam): "Nên chăng, trong quy hoạch xây dựng các khu phố mới cần bố trí các quảng trường hoặc các khu nghỉ chân vừa phải để tạo nên các tượng tròn có quy mô không lớn, vừa phù hợp với không gian, vừa thuận với tầm nhìn. Qua đó, sự cảm thụ nội dung và hình thức của người xem với tượng sẽ dễ dàng, trọn vẹn hơn".

. Họa sĩ NGUYỄN CHƠN HIỀN

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đội Bình Định tập huấn ở Thái Lan   (31/10/2003)
Vì vương mang gánh nghĩa tình   (29/10/2003)
Khởi động dự án bảo tồn tôn tạo nhóm tháp Dương Long   (27/10/2003)
Để lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa thực sự hoành tráng, trang trọng   (24/10/2003)
Logo truyền hình: Chớ nên xanh đỏ quá  (23/10/2003)
2 gương mặt VĐV khuyết tật tiêu biểu của Bình Định   (21/10/2003)
Olympic Việt Nam hạ gục tuyển Hàn Quốc  (20/10/2003)
Phim truyền hình: Hàng ngoại lấn hàng nội  (17/10/2003)
Phạm Thị Ngãi: Tôi sẽ hết mình vì điền kinh Bình Định  (16/10/2003)
Người phụ nữ trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt   (14/10/2003)
Thêm Đức và Anh đoạt vé tới Bồ Đào Nha   (12/10/2003)
Hoài Huệ - Hồ Thu đôi bạn diễn tâm đắc   (10/10/2003)
Thị trường sách: Mảng màu sáng - tối   (09/10/2003)
"Biển và Tôi" - Thêm một vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng   (08/10/2003)
Bình Dương đoạt cúp vô địch  (08/10/2003)