Kiến trúc đền tháp Chămpa: Những giai điệu bí ẩn
16:37', 5/11/ 2003 (GMT+7)

Tháp Cánh Tiên

Các vua Chămpa do lòng mộ đạo thường xây dựng nhiều đền tháp dâng lên các thần linh mỗi khi lên ngôi, khi cần thể hiện uy quyền thiêng liêng của mình. Và những nghệ sĩ Chămpa vô danh đã trải lòng mình trên những bức phù điêu, trên những pho tượng thần... Tôn giáo, vương quyền và nghệ thuật đã cộng hưởng thành một bản hòa tấu đến nay còn làm ngây ngất con người mỗi khi đứng trước các ngôi tháp cổ.

1

Đền tháp của người Chăm là những công trình kiến trúc mang tính thờ tự. Người Chăm thường trang trí trên thân tháp các tượng, các phù điêu vê thần linh như rắn thần, chim thần, thủy quái. Tại các khám, trán cửa, trụ cửa tháp thường đặt thần tượng Brahma, Visnu, Siva, Dvarapalla… Nhiều mẫu trang trí, tượng thần đã cho thấy nghệ thuật điêu khắc của người Chăm đã đạt trình độ rất cao. Hình tượng bầu sữa bằng đá căng tròn xếp vòng khép kín trên chỏm tháp Dương Long - Tây Sơn (Bình Định) biểu hiện ca tụng người mẹ, ca tụng chế độ mẫu hệ còn sâu nặng ở xã hội người Chăm cổ là một ví dụ.

Người Chăm theo Ấn Độ giáo nhưng trong các đền tháp hiếm khi xuất hiện đủ cả ba vị thần tối cao: Brahma, Visnu và Siva. Siva là thần hủy diệt nhưng cũng là thần sáng tạo, một động lực sinh tồn vĩ đại của vũ trụ được người Chăm sùng bái nhiều hơn. Thần tượng Siva ở người Chăm được thể hiện ở nhiều hình thái khác nhau. Thần Siva Trà Kiệu (thế kỷ V) cao lớn đồ sộ như một lực sĩ. Thần Siva Khương Mỹ (thế kỷ VII - VIII) đang say đắm trong điệu múa Tandaba, điệu múa vũ trụ với ý nghĩa "lối đi đến giải thoát". Đến thần Siva ở Bình Định (thế kỷ XI - XII) lại ngồi xếp bằng, tay lần tràng hạt thể hiện đức từ bi bác ái...

Biểu hiện thần linh rất phổ biến và được tôn thờ trong nhiều tháp Chăm là linga (dương vật) và yoni (âm vật). Người ta coi cột dương vật (linga) là biểu tượng của thần Siva. Kết hợp linga là yoni làm nên phần mặt bệ thờ hoàn chỉnh được coi là sự hòa nhập âm dương làm nên biểu tượng sáng tạo sinh sôi của thần Siva.

2

Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện còn 8 cụm tháp với 14 ngôi tháp lớn nhỏ (trừ Hòn Chuông ở Núi Bà là chưa thể nghiên cứu) hầu hết trong lòng các ngôi tháp đều không còn vật thờ nào. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu ý nghĩa tôn giáo của từng ngôi tháp, chức năng của nó. Song dựa vào ngôn ngữ điêu khắc của những hiện vật còn lại; so sánh phong cách nghệ thuật, khảo sát thống kê và phân tích những hiện vật nằm rải rác xung quanh tháp, các cổ vật Chăm còn lưu giữ trong đền chùa người Việt ở gần đó, trong các bảo tàng... người ta có thể phỏng đoán ý nghĩa tôn giáo của từng ngôi tháp. Ví dụ như pho tượng lá Linga đặt trước cổng chùa Thiên Trúc (Phước Hòa - Tuy Phước) cách tháp Bình Lâm khoảng chừng 100 mét chính là đồ thờ xưa của tháp Bình Lâm và có thể cho rằng Bình Lâm xưa là đền thờ Linga của thần Siva. Đầu thế kỷ XX khi một học giả người Pháp tên là H.Parmentier đến tháp Phước Lộc (hay còn gọi là Phú Lốc, Thốc Lốc; thuộc xã Nhơn Thành huyện An Nhơn) nghiên cứu, ông đã chỉ tìm được bên trong tháp một mảnh bệ vỡ bằng đá vốn hình tròn, được trang trí hình lá sen và ông đã giả thiết đó là mảng vỡ của một Linga.

Tháp Cánh Tiên nằm ở vị trí trung tâm thành Đồ Bàn (Nhơn Hậu - An Nhơn). Nếu lấy tháp làm tâm thì xung quanh là các phế tháp: thập Tháp, tháp Mẫm, cụm Nhạn Tháp. Bên trong khu vực thành Đồ Bàn hiện nay vẫn còn hai con voi đá và hai con sư tử đá. Các nhà nghiên cứu cho rằng tháp Cánh Tiên có vị trí như một kiến trúc núi thiêng trung tâm của đô thành Đồ Bàn xưa. Về khía cạnh tôn giáo, tháp Cánh Tiên có vị trí gần giống như đền núi Bayon nằm giữa đô thành Ăngco Thom của vương triều Ăngco ở Campuchia cùng thời và rất có thể kiểu kết cấu của đô thành Ăngco Thom đã ảnh hưởng tới các vua chúa Champa khi xây dựng đô thành Vijaya.

Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX các học giả người Pháp đã phát hiện tại cụm tháp Bánh Ít (Tuy Phước) có rất nhiều tượng và phù điêu như tượng Siva bằng đá, những tượng nhỏ bằng đồng, một tượng thần Ganesa (hình người đầu voi - con trai thần Siva), một tượng nữ thần Uma (vợ Siva), một thượng Brahma 5 đầu 10 tay bằng đồng. Giữa năm 2002, trong lần đào khai quật để sưu tầm, tìm dữ liệu cơ sở cho việc trùng tu tháp Bánh Ít, Đoàn khảo cổ học của Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã phát hiện rất nhiều hiện vật trong đó có một số mảnh tượng Linga. Nhưng cũng như hồi đầu thế kỷ, đến nay vẫn chưa ai tìm thấy dù chỉ một dòng bia ký hoặc sử liệu nào nói về khu đền tháp Chăm nổi tiếng này. Dù vậy với số lượng tượng, phù điêu tìm thấy tại đây cho ta có nhiều cơ sở để phỏng đoán "định hướng Siva giáo" của khu tháp này.

Cụm tháp Dương Long (3 tháp) nằm trên ngọn đồi Dương Long thuộc hai xã Tây Bình và Tây An (trước kia là xã Bình An) huyện Tây Sơn. Cùng những phế tích hiện còn xung quanh cho biết Dương Long xưa kia là một quần thể kiến trúc rất lớn. Do tiếp thu kiểu tháp Khơme, hình dáng kiến trúc tháp Dương Long giống những đền thờ Ăngco, nhiều tác phẩm điêu khắc đá được sử dụng vào trang trí xung quanh tháp rất lớn, đó là những hình khì, Gajasimha (đầu voi mình sư tử), sư tử, hình người nhỏ, quái vật Kala, rắn, thủy quái Macara, voi. Năm 1985 đã phát hiện nơi đây hàng chục tác phẩm điêu khắc như tượng thần Brahma, chim thần Garuda (vật cưỡi của thần Visnu). Điều đó có thể nói lên rằng khu tháp Dương Long là đền thờ Ấn Độ giáo. Ba ngôi tháp Dương Long là 3 ngôi đền thờ 3 vị thần tối cao: Brahma, Visnu và Siva.

Tháp Thủ Thiện nằm trên cánh đồng làng Thủ Thiện (Bình Nghi -Tây Sơn) là di tích chỉ có một ngôi tháp, thế nhưng những hiện vật điêu khắc tìm thấy ở Thủ Thiện lại chứng tỏ tính phức tạp về mặt thờ phụng của ngôi tháp này. Một trong những hiện vật kỳ lạ nhất trong nghệ thuật điêu khắc cổ Chămpa được phát hiện trong lòng tháp Thủ Thiện là tường hậu phía trên của một bàn thờ đã mất. Trên tường hậu trang trí hai đầu thủy quái Macara. Đứng trên cổ mỗi Macara là một hình phụ nữ. Phía trên hai hình phụ nữ đứng là mười hình thiên nữ. Đầu thế kỷ XX linh mục Escalere sưu tầm được ở Thủ Thiện một pho tượng Phật cổ rất có giá trị về nghệ thuật.

3

Đa số các tháp Chăm ở Bình Định đều thờ thần Siva - chúa tể của các vị thần. Nhiều giả thuyết còn cho rằng đây không chỉ là đền thờ các thần mà còn là nơi an nghỉ, là lăng mộ của các vị vua hoặc những nhân vật quan trọng trong hoàng tộc Chămpa như một sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền trong xã hội Chăm xưa. Nhìn chung các tháp được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tôn giáo tâm linh của cộng đồng cư dân người Chăm sinh sống. Trong quá trình hội nhập, văn hóa tháp Chàm là một trong những tinh hoa văn hóa, bản thân từng ngôi tháp đã thể hiện tinh lực, tài hoa góp phần tạo nên một nền văn hóa độc đáo tỏa sáng, là một bộ phận di sản văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

. HỒ THÙY TRANG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thay đổi lịch thi đấu môn bóng đá nam tại SEA Games 22   (04/11/2003)
Trưởng đoàn thể thao các nước đều hài lòng   (03/11/2003)
Tượng vườn và vườn tượng   (02/11/2003)
Đội Bình Định tập huấn ở Thái Lan   (31/10/2003)
Vì vương mang gánh nghĩa tình   (29/10/2003)
Khởi động dự án bảo tồn tôn tạo nhóm tháp Dương Long   (27/10/2003)
Để lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa thực sự hoành tráng, trang trọng   (24/10/2003)
Logo truyền hình: Chớ nên xanh đỏ quá  (23/10/2003)
2 gương mặt VĐV khuyết tật tiêu biểu của Bình Định   (21/10/2003)
Olympic Việt Nam hạ gục tuyển Hàn Quốc  (20/10/2003)
Phim truyền hình: Hàng ngoại lấn hàng nội  (17/10/2003)
Phạm Thị Ngãi: Tôi sẽ hết mình vì điền kinh Bình Định  (16/10/2003)
Người phụ nữ trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt   (14/10/2003)
Thêm Đức và Anh đoạt vé tới Bồ Đào Nha   (12/10/2003)
Hoài Huệ - Hồ Thu đôi bạn diễn tâm đắc   (10/10/2003)