|
Tháp Dương Long |
Cụm tháp Chăm Dương Long (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn) đang chuẩn bị được trùng tu. Tuy nhiên, việc tu bổ, tôn tạo có dẫn đến nguy cơ làm mới di tích này hay không? Việc sử dụng nhựa cây bời lời làm chất kết dính cần được khẳng định về mặt khoa học.
Đến thời điểm chúng tôi viết bài này, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có công văn, trong đó, nhất trí về cơ bản với dự án bảo tồn, tôn tạo nhóm tháp Chăm Dương Long. Theo ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh, nếu không có gì thay đổi, dự án này sẽ được khởi công vào năm 2004 với tổng kinh phí hơn 8,9 tỉ đồng.
Theo phương án được lựa chọn trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án bảo tồn, tôn tạo nhóm tháp Chăm Dương Long của Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), bước đầu sẽ xác định khuôn viên di tích; đồng thời, tiến hành khảo cổ học một phần diện tích xung quanh nhằm thu được những thông tin cần thiết cho công tác bảo tồn, tu bổ. Sau khi các tháp đã được gia cố kết cấu, bảo tồn, tái định vị và phục hồi thì tiến hành khảo cổ học toàn bộ, bảo vệ phế tích, tôn tạo cảnh quan... Ngoài việc ngăn chặn sự xuống cấp của di tích, sẽ phục hồi di tích khi đủ căn cứ khoa học. Các thành phần phục hồi và nguyên gốc được xử lý chống phong hóa sẽ giúp di tích bền vững hơn trước các tác nhân gây hại.
Phương án tôn tạo
Về tổng thể: Đào thám sát xác định tường bao và tổng thể hoàn chỉnh của di tích, khai quật khảo cổ học khu vực xung quanh các tháp phục vụ tu bổ phục hồi, khai quật khảo cổ học lấy tư liệu phục vụ công tác thiết kế tu bổ, phục hồi. Có thể phục hồi mặt bằng. Xử lý các hiện vật thu được, gia cố bảo vệ các phế tích được phát lộ. Dọn dẹp mặt bằng di tích, tôn tạo cảnh quan, xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ phát huy giá trị di tích.
Về chi tiết: Ưu tiên hàng đầu việc bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc và thực hiện các công việc sau: gia cố lại chân tháp và gia cường nền móng chống lún; làm sạch mặt tường tháp và diệt cây cỏ nấm mốc, xử lý vết nứt và neo giữ các mảng tưởng sạt lở, trùng tu tái định vị các chi tiết kiến trúc, tu bổ phục hồi phần nền tháp và các mặt bằng mặt đứng kiến trúc, bảo vệ các thành phần chưa có đủ căn cứ phục hồi và xử lý chống phong hóa bề mặt cho các tháp.
(Nguồn: Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Bảo tồn, tôn tạo nhóm tháp Chăm Dương Long) |
Chất kết dính dự kiến sử dụng để tôn tạo các tháp là nhớt cây ô dước hoặc cây bời lời. Theo đó, các tháp sẽ được xây thành hai phần: phần lõi và phần vỏ, có câu nối nhau. Phần lõi gạch được mài phẳng, có lớp vữa mỏng liên kết; phần vỏ tháp có các viên gạch khóa hình thang cân hoặc hình vuông. Trong đó, gạch phần vỏ được mài phẳng và dùng phương pháp mài chập, có chất kết dính hữu cơ (nhớt cây bời lời, ô dước), trộn với keo nhôm và keo sắt.
Điều khiến nhiều người băn khoăn là liệu kỹ thuật khối xây mài chập và chất kết dính thực vật có phải là kỹ thuật sử dụng để xây tháp cổ của người Chăm hay không? Đến nay, vẫn chưa có ý kiến kết luận cuối cùng về vấn đề này. Hơn nữa, với các cụm tháp khác nhau, có thể được sử dụng những vật liệu khác nhau. Vật liệu nhựa dầu rái nóng trộn với vôi sò, chứ không phải nhớt ô dước trong xây dựng tháp Porome (Ninh Thuận) là một ví dụ. Hơn thế, chất kết dính Bời lời hiện vẫn chưa được công nhận là vật liệu xây dựng được sử dụng đại trà, tức là chưa có tính pháp lý để sử dụng.
Trong văn bản thẩm định dự án ngày 7-10-2003 của Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ cũng lưu ý: cần phân tích kỹ hơn nguyên nhân gây nứt tháp để xác định phương án kỹ thuật xử lý chính xác; việc dùng cây bời lời làm chất kết dính và dùng keo đèn khò tác động vào mặt ngoài của tháp cần được khẳng định về mặt khoa học. Còn ông Văn Trọng Hùng khẳng định: "Đây chỉ mới là dự án, còn khi thiết kế và đi vào thực tế thi công, chỉ khi nào vật liệu này được công nhận về mặt khoa học, bằng văn bản của cơ quan thẩm quyền thì mới được sử dụng trong tu bổ di tích".
Một băn khoăn khác là "công nghệ truyền thống" vốn đã được Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng sử dụng trùng tu tháp cổ Bình Thạnh (Trảng Bàng- Tây Ninh). Đã có ý kiến cho rằng việc trùng tu tháp cổ Bình Thạnh là vô căn cứ khoa học, xâm phạm đến giá trị nguyên bản và vẻ đẹp của di tích. Liệu tháp Dương Long có rơi vào tình trạng như vậy hay không? Chúng tôi đặt câu hỏi này với ông Văn Trọng Hùng và được giải thích: "Sẽ hoàn toàn không có chuyện trùng tu như làm mới di tích. Tại Dương Long, cũng áp dụng giải pháp xây mảng tường mới trùng tu thụt vào so với mảng tường nguyên gốc như đã áp dụng tại cụm tháp Bánh Ít để có tính phân biệt về thời gian".
Sự cẩn trọng trước khi tiến hành bất cứ một công việc nào có liên quan đến di tích, là hoàn toàn cần thiết. Nếu chỉ xây mới một ngôi tháp thì chỉ một cá nhân cũng đã thực hiện được như đã xảy ra tại Đà Nẵng. Còn để bảo tồn một di tích, giữ được tính nguyên gốc của nó, những thẩm định khoa học là hết sức cần thiết, nếu không muốn biến đồ thật thành đồ giả.
. LÊ VIẾT THỌ
|