Bài chòi cổ: hồn ở đâu bây giờ?
17:13', 9/11/ 2003 (GMT+7)

Phóng sự của LÊ VIẾT THỌ

Một tiết mục bài chòi cổ.

Nghệ nhân bài chòi cổ chính là chứng nhân của một thời đoạn trong lịch sử phát triển của ca kịch bài chòi (CKBC), tích tụ những tinh hoa của nghề. Vậy mà nay, họ đang mất dần.

* Nghệ nhân: người ở đâu?

Nếu chỉ nhìn vào thực lực hiện nay của Đoàn CKBC Bình Định thì câu hỏi trên đây của chúng tôi hẳn thừa. Với hàng trăm đêm biểu diễn một năm. Năm nào cũng có những vở diễn mới ra đời và đoạt giải thưởng này nọ. Hơn nữa, sự tiếp nối về thế hệ phần nào đã là minh chứng cho sự phát triển bền bỉ và đang dần trưởng thành của ngành CKBC.

Tuy vậy, vốn chẳng có lấy một lịch sử sinh thành dài lâu và bền bỉ như các bộ môn nghệ thuật kịch hát dân tộc khác, CKBC mới chỉ thác sinh trong tâm hồn của người Bình Định ngót nghét một thế kỷ nay, nên bên cạnh những nỗ lực tìm kiếm hướng sáng tạo mới làm giàu cho CKBC, tìm về với cội nguồn bài chòi cổ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Về với bài chòi cổ, chính là để đúc rút lấy những tinh anh từ truyền thống, làm giàu thêm vốn hành trang, tiếp tục những sáng tạo mới. Và trong cuộc trở về ấy, việc trân trọng vốn quý văn hóa phi vật thể hiện đang được lưu giữ bởi những nghệ nhân hôm nay có tầm quan trọng đặc biệt.

Chúng tôi lần tìm gặp những người nghệ nhân dân gian ấy. Vượt qua một con dốc dài lởm chởm đá núi, nằm trong một con hẻm ngoằn ngoèo, lên tận lưng chừng núi, chúng tôi tìm gặp nghệ sĩ Lý Ngọc Mai. Căn nhà toen hoẻn, trơ gạch mộc, chênh vênh nơi sườn núi của bà hôm nay, cũng được chắt chiu từ mồ hôi sau từng đêm diễn. "Mất ba năm vừa xây vừa tích cóp mới được chừng này. Mỗi năm tôi xây một đoạn, rồi bỏ đấy, sang năm đi hát có tiền về xây tiếp. Bây giờ thì cũng gọi là tạm ổn rồi" - bà nói.

kể rằng, bà đã có hơn 40 năm lăn lộn với nghệ thuật truyền thống. Kỷ niệm về thời thơ nhỏ, với bà, là hình ảnh người cha, cụ Lý Chấn, với chiếc khăn vắt vai, hô - hát bài chòi. 14 tuổi, bà đã đứng chân trên sân khấu, nhưng là sân khấu hát bội. Rồi một lần, được nghe lại câu bài chòi trên, những làn điệu tự tuổi thơ, tưởng đã ngủ quên, bỗng bừng thức dậy. Và bà đâm ra mê say học bài chòi từ bạn diễn, thậm chí bỏ ngang cả việc làm bầu đoàn hát bội Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn), để chuyển hẳn sang bài chòi. "Tui chỉ giỏi "ăn cắp" nghề. Anh em diễn, mình xem, nhập tâm; ngày một ít, "ăn cắp" riết rồi cũng thành nghề" - bà nói vậy.

Ký ức của bà, dường như vẫn chưa phai nhòa kỷ niệm về những ngày tháng lăn lộn trên sàn diễn, lang thang theo những đoàn bài chòi nghiệp dư, đi khắp các huyện trong tỉnh, ra các tỉnh lân cận, để diễn. Đó là vào những năm 90, những gánh hát bài chòi không thể cưu mang được những người nghệ sĩ nặng lòng với nghề, dần trở nên teo tóp. Gặp vận bĩ, bài chòi cổ tưởng như khai tử ngay trên đất sinh. "Đến địa phương nào cũng phải xin từng ít một để có tiền diễn. Có ngày cả đoàn chỉ được vài chục ngàn đồng, diễn viên được 7.000-8.000 đồng/người. Những hôm trời mưa, không diễn được, đoàn không có cả tiền thuê xe về. Có năm, 23 tháng chạp mới về đến nhà, còn mỗi bộ đồ đang mặc trên người. Nghĩ lại vẫn còn thấy sợ". Cái đận ấy cũng qua đi, nhưng những nghệ sĩ vẫn không thể nương vào câu hát để sống, họ chỉ còn neo lại với câu hát bằng tình yêu đích thực với nghề. "Đấy! Cái nghiệp này nó gắn với mình như thế, hỏi làm sao mà bỏ đứt ngang được" - bà Mai kết luận.

Nghệ sĩ Lệ Liễu (Trần Thị Xuân Mai), lại khác. Con đường đến với nghiệp bài chòi, với bà, như đã được vạch sẵn. 13 tuổi, bà lên sân khấu… ăn tiền thiên hạ; 16 tuổi trở thành đào chính. Có điều kiện thuận lợi, bà lập đoàn, làm bầu hát. Năm 1955, bà thành lập đoàn bài chòi Thanh Tân, diễn tung hoành vài năm rồi tan; năm 1982 lại ra mắt đoàn bài chòi Tân Thanh - thành phố Quy Nhơn, cũng chỉ vài năm tung hoành. "Có những tháng, không diễn được, để nuôi diễn viên, tôi phải bán cả ngôi nhà đi để lấy tiền" - bà kể, không giấu nổi vẻ tự hào. Rồi ngay cả lúc không có điều kiện thành lập đoàn, bà chấp nhận lay lắt diễn để sống và tồn tại bằng nghề.

* Dưỡng nuôi thế hệ tiếp nối

Có thể khẳng định: khi chưa có trường, lớp đào tạo bài bản như hiện nay, nghệ nhân dân gian chính là lực lượng đào tạo nên những thế hệ sau này của CKBC. Bản thân những nghệ nhân hiện còn cũng được truyền nghề từ những người thầy, cũng là nghệ nhân như vậy.

Nghệ sĩ Lệ Liễu tâm sự, bà được truyền nghề từ năm 8 tuổi, khi tham gia vào đoàn đồng ấu thôn Chánh Hữu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát. Bà kể: "Những người thầy hồi đó như thầy Ba Quyền, thầy Cửu Dị, thầy Bốn Phước… ai cũng thương, mà cũng thật nghiêm với đám học trò. Chỉ tập thôi, diễn không nhập, lơ mơ là ăn gậy, phun máu đầu ngay. Nghiêm là vậy, nên bọn tôi hồi đó, chú tâm tập, luyện từng câu hát, từng động tác. Câu bài chòi, cứ thế, ăn vào máu thịt. Vất vả bao nhiêu, cũng chẳng thể bỏ câu bài chòi".

Còn với ông Nguyễn Thành Sung, nguyên Trưởng đoàn Dân ca Kịch Bình Định, chẳng hạn, thì những kiến thức đầu tiên về CKBC ông học được từ những người thầy: ông Dư Gành, ông Sính… "Năm tôi lên bảy tuổi, tôi đã biết hô bài chòi và giọng hô khá tốt. Ông già tôi thấy có vẻ có năng khiếu mới nhờ cậy những người thầy đó, lúc đó là bầu hát đang ngụ lại tại nhà, truyền nghề cho" - ông tâm sự. Nhờ sự truyền nghề tận tâm ấy, ông bắt khá mau chóng với những làn điệu bài chòi cổ và để rồi nổi danh trong làng CKBC với giọng hát điệu xàng xê khá đặc biệt. Nghe ông hát, ông nhả nhịp một, rồi xàng xê lụy, xàng xê thượng… những nét luyến tròn, ngọt mà rõ chữ, mới thấy rằng người hát phải khổ công mới luyện được như vậy.

Những nghệ nhân dân gian lớp trước như ông Sáu Điệt, bà Nhảy, ông Đáng… đã lấy cái tâm huyết của cả một đời làm nghề ra truyền dạy để rồi: "thu lại rất ít niềm vui" - nói như NSƯT Nguyễn Kiểm. "Rất ít niềm vui vì họ dành cho nó cả tâm huyết, cả cuộc đời nhưng chính vì đặt quá nhiều kỳ vọng để rồi khi số học trò theo đuổi nghiệp này ngày càng ít, số thành đạt như mong muốn của mình thì lại còn ít hơn nữa thì không khỏi chạnh buồn" - NSƯT Nguyễn Kiểm giải thích.

Lớp nghệ nhân ấy gắn bó với nghề cũng bởi một niềm kỳ vọng: trao truyền cho thế hệ sau những giá trị của CKBC truyền thống, của bài chòi cổ. Nhưng kỳ vọng thì cũng chỉ là kỳ vọng, còn thế hệ tiếp sau, có bảo lưu được những giá trị xưa hay không, lại là chuyện khác.

* Trước khi quá muộn

Vậy nhưng, không chỉ các nghệ nhân lớp trước, ngay cả các nghệ nhân lớp sau đang ngày càng thưa vắng. Mỗi năm, mỗi tuổi, tre già mà măng chưa mọc. Và sự thưa vắng của họ trở thành một nỗi xót xa khi mà sự vắng bóng đó đồng nghĩa với sự biến mất của những vốn quý, của những kinh nghiệm tích lũy trong cả cuộc đời làm nghệ thuật. Một phần vốn quý ấy, họ đã trao truyền cho thế hệ sau, nhưng nói như một nghệ sĩ lớp sau: "Làm sao mà học hết cái tinh, cái thần của các cụ được".

Một nét luyến của điệu xàng xê không mấy ai học được, một tiếng nhị không mấy ai theo kịp… đành mất dần. Và nhà trường hiện đại hôm nay dù có cố gắng cách nào thì cũng không thể truyền cho học sinh những ngón "bí kíp" như thế.

Dẫu hiện nay, CKBC đã tiến rất nhiều trên cái nền bài chòi cổ, nhưng nghệ nhân chính là chứng nhân của một thời đoạn trong lịch sử phát triển của bộ môn, tích tụ những tinh hoa của nghề. Nắm giữ một vốn di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá. Với quan niệm như vậy thì hơn 40 nghệ nhân, diễn viên hiện còn của Câu lạc bộ bài chòi cổ dân gian Bình Định (được thành lập vào năm 1998), là vàng mười quý giá. Hồ Ngọc Tùng, Lệ Liễu, Lý Ngọc Mai, Nguyễn Thị Minh Đức, là bốn giọng ca vàng của bài chòi cổ Bình Định còn lại. "Nghệ sĩ được tập hợp, có đất diễn để sống và trụ lại bằng nghề; quan trọng hơn, bài chòi cổ được lưu giữ" - đó là tâm huyết của NSƯT Phan Ngạn, Chủ nhiệm CLB. "Chúng tôi đã có chỗ để tựa lưng" - đó là tâm sự của một diễn viên.

Nghệ nhân còn, dẫu không nhiều. Vở diễn còn, chỉ chưa được khai thác hết. Vậy tại sao chúng ta không mời các nghệ nhân đến dạy tại các trường nghệ thuật, đào tạo diễn viên bài chòi? Tại sao không xúc tiến thành lập đoàn thể nghiệm với thành phần là các nghệ nhân? Hát xẩm đã làm rồi, ca trù cũng có nhiều cố gắng đào tạo thế hệ thứ năm, tại sao bài chòi không làm?

Làm sao cho câu bài chòi cổ không vùi chôn dưới lòng đất. Làm sao cho người già nằm xuống, câu hát bài chòi cổ còn kịp trao truyền cho người trẻ. Để rồi từ trong lòng nhân dân, người sinh thành và dưỡng nuôi những làn điệu bài chòi ấy, người ta có thể tựa vào câu hát mà vợi đi phần nào cái vất vả, gian truân của những đời người. Phạm vi của một CLB không thể thực hiện được điều ấy.

Một lớp thế hệ nghệ nhân bài chòi cổ lại sắp qua đi, để lại cho lớp trẻ bơ vơ như người đang đứng giữa ngã tư đường. Một sự đãi ngộ, một sự trân trọng đúng mức với nghệ nhân hiện còn, để câu hát bài chòi cổ kịp trao truyền lại cho thế hệ sau là cần lắm thay.

. L.V.T

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tu bổ, tôn tạo cụm tháp Dương Long: Liệu có làm mới di tích ?   (06/11/2003)
Kiến trúc đền tháp Chămpa: Những giai điệu bí ẩn   (05/11/2003)
Thay đổi lịch thi đấu môn bóng đá nam tại SEA Games 22   (04/11/2003)
Trưởng đoàn thể thao các nước đều hài lòng   (03/11/2003)
Tượng vườn và vườn tượng   (02/11/2003)
Đội Bình Định tập huấn ở Thái Lan   (31/10/2003)
Vì vương mang gánh nghĩa tình   (29/10/2003)
Khởi động dự án bảo tồn tôn tạo nhóm tháp Dương Long   (27/10/2003)
Để lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa thực sự hoành tráng, trang trọng   (24/10/2003)
Logo truyền hình: Chớ nên xanh đỏ quá  (23/10/2003)
2 gương mặt VĐV khuyết tật tiêu biểu của Bình Định   (21/10/2003)
Olympic Việt Nam hạ gục tuyển Hàn Quốc  (20/10/2003)
Phim truyền hình: Hàng ngoại lấn hàng nội  (17/10/2003)
Phạm Thị Ngãi: Tôi sẽ hết mình vì điền kinh Bình Định  (16/10/2003)
Người phụ nữ trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt   (14/10/2003)