|
Một cảnh trong Sơn Hậu vừa được ghi hình. (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Mới đây, Nhà hát Tuồng Đào Tấn phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Định đã ghi hình lại vở Sơn Hậu, vở tuồng nổi tiếng vào bậc nhất của hát bội Việt Nam. Có thể nói, nhắc đến hát bội không thể không nhắc đến Sơn Hậu. Điều đáng nói hơn, động thái này được ấp ủ trong một dự định dài hơi hơn của Nhà hát Tuồng Đào Tấn: ghi hình vào đĩa VCD những tác phẩm cổ điển của sân khấu hát bội.
Đạo diễn Hoàng Ngọc Đình, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn, khẳng định: "Công việc này, chí ít, theo tôi có ba ý nghĩa: trước hết là chúng ta bảo tồn vốn cổ, những tác phẩm mẫu mực của nền kịch hát dân tộc. Sau nữa, đây là dịp để các diễn viên trẻ có thể học hỏi thêm về nghề nghiệp, từ những vở diễn, vai diễn được xem là mẫu mực. Đồng thời, cũng là cơ hội để chúng ta kiểm tra lại dàn kịch mục. Với những vở diễn dùng nhiều tiếng Hán thì cần dịch ra, cho dễ hiểu hơn, phổ cập hơn với khán giả. Làm được việc này, chính là đưa hát bội tiếp cận gần hơn với thế hệ khán giả hôm nay. Hơn thế, khi đã có những đĩa ghi hình đạt chất lượng, mới có thể nghĩ đến việc phổ biến, giới thiệu tinh hoa sân khấu hát bội với bạn bè không chỉ ở trong nước".
Ngoài Sơn Hậu, nhiều vở diễn khác: Tam Nữ Đồ Vương, Đào Phi Phụng, Hộ Sanh Đàn… cũng đang rất cần được bảo lưu như vậy. Tuy nhiên, cái khó nhất ở đây bao giờ cũng là ở vấn đề "đầu tiên". Hiện nay, kinh phí duy nhất để có thể thực hiện được công việc này là khoản "đổ đầu" bốn, năm chục triệu một năm để phục hồi lại các vở diễn cũ. Với khoản kinh phí "bó chân bó tay" như vậy, thì thật khó để tiến hành một kế hoạch bảo tồn thật sự dài hơi. Ngay cả với vở Sơn Hậu này, cũng là nhờ đã được phục hồi lại từ năm 2001 và lần này, để ghi hình lại, chỉ cần một thời gian ngắn tập dượt.
Cũng theo đạo diễn Hoàng Ngọc Đình, thời điểm hiện nay, nếu chúng ta không tiến hành ngay việc dựng và ghi hình lại những vở như Sơn Hậu thì chỉ một, hai năm sau, chưa chắc chúng ta đã làm được. Ông giải thích: "Hầu hết dàn diễn viên của Nhà hát đã ở đầu bốn. Diễn viên trẻ thì chưa kịp trưởng thành. Hơn nữa, với các vở diễn, các vai được xem là mẫu mực như thế này, chưa có kinh nghiệm, chưa lăn lộn nhiều với nghề, trải mình trên sàn diễn, thì chưa đủ tầm để "vào" được các vai diễn này".
Bên cạnh đó, với những vở hát bội mẫu mực, cổ điển, Nhà hát đều mời các NSND như Võ Sỹ Thừa, Đình Bôi cố vấn, đóng góp ý kiến và nếu có thể, sẽ tham gia những vai diễn thích hợp. Còn nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn giúp Nhà hát chỉnh lý kịch bản sao cho dễ tiếp cận hơn với công chúng. Nếu không làm từ hôm nay, chắc gì thế hệ sau đã có những lời góp ý như vậy.
Bởi vậy, theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, việc bảo tồn vốn cổ, cụ thể là phục hồi và ghi hình những vở diễn mẫu mực, cổ điển của sân khấu hát bội có ý nghĩa vô cùng quan trọng. "Đây là công việc chúng ta phải làm, làm được cái gì thì làm, không nên chờ đợi" - ông khẳng định.
Bên cạnh việc bảo tồn vốn cổ bằng việc ghi hình lại các vở diễn mẫu mực, cũng cần nhắc đến một nỗ lực khác: Biên khảo một công trình gồm những tác phẩm của Đào Tấn và những tài liệu về cụ Đào. Công việc này đang được nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn tiến hành. Công trình biên khảo Đào Tấn (ba tập) là kết quả của nỗ lực đó. Công trình này đã cung cấp một cách đầy đủ và chính xác về sự nghiệp nghệ thuật của Đào Tấn, nhà hoạt động nghệ thuật sân khấu lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỷ XIX. Và lớp trẻ hôm nay, những người yêu thích nghệ thuật hát bội của dân tộc đã có trong tay một nguồn tư liệu đầy đủ, chân xác về sự nghiệp nghệ thuật của Đào Tấn nói chung và tuồng hát bội của cụ Đào nói riêng.
Bằng vào kết quả của những nỗ lực như vậy, chúng ta đã có cơ sở để hy vọng rằng, trong một tương lai không xa nữa, kho tàng nghệ thuật hát bội của dân tộc sẽ được bảo lưu một cách đầy đủ, chân xác, khoa học và lớp trẻ hôm nay có điều kiện để tiếp cận và hiểu thêm về vốn quý của nền nghệ thuật dân tộc.
. LÊ VIẾT THỌ |