|
HLV Dương Ngọc Hùng (giữa) và chiếc Cúp vô địch Cúp quốc gia 2003 |
Báo Sài Gòn Giải phóng thể thao số ra ngày 18-11-2003 đã đăng bài giao lưu giữa ông Dương Ngọc Hùng, HLV trưởng đội bóng đá Bình Định, với bạn đọc cả nước về chuyện nghề nghiệp và những tâm sự xung quanh việc đào tạo thủ môn. Bình Định điện tử xin trân trọng giới thiệu lại cùng bạn đọc bài viết này.
- Khó khăn và thuận lợi, niềm vui và nỗi buồn khi anh là cầu thủ và hiện tại là HLV khác nhau như thế nào? (ĐỖ THÙY DIỄM TRANG 137/1 Lê Văn Thọ, Phường 11 Q.Gò Vấp TPHCM)
+ Niềm vui và nỗi buồn từ cầu thủ cho đến HLV ở cương vị nào cũng giống nhau, nhưng nó phụ thuộc vào từng thời điểm về trách nhiệm của mình cho đội bóng mà mình đang tham gia. Nếu là cầu thủ thì trong tập luyện phải cố gắng rèn luyện học hỏi những người đi trước để nâng cao trình độ, trong thi đấu phải ý thức sự thành công của đội bóng, luôn tập trung cùng đồng đội để giành được kết quả tốt nhất - đó là niềm vui, còn sai lầm bản thân mình để sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả của đội bóng là nỗi buồn sẽ nhắc nhở cần rút kinh nghiệm nhằm sửa đổi những điểm yếu của mình. Còn trong vai trò HLV, trách nhiệm sẽ nặng nề hơn, phải tìm hiểu cầu thủ của mình, điểm yếu cũng như điểm mạnh, để từ đó có những giáo án phù hợp thích ứng từng cầu thủ. Niềm vui khi thành công cùng với cầu thủ của mình trong thi đấu, còn thất bại sẽ là trách nhiệm của mình không truyền đạt được ý đồ thế trận cho cầu thủ của mình hiểu được.
- Chú từng là thủ môn nổi tiếng miền "đất võ", vậy chú và thủ môn hiện tại của Bình Định có sử dụng… võ thuật để bảo vệ khung thành không? Sự cổ vũ của cổ động viên Bình Định có nét đặt sắc gì so với các địa phương khác? Khi còn là cầu thủ, chú có tâm trạng và sự chuẩn bị gì khi bắt quả phạt đền? (TRẦN CHÍ NHÂN 96/39 Lý Thường Kiệt, khóm 5 - Cà Mau)
+ Võ thuật chỉ bảo vệ con người cũng như rèn luyện để có sức khỏe mà thôi, còn trong bóng đá người thủ môn phải có quá trình luyện tập, có tố chất năng khiếu bẩm sinh để trở thành thủ môn chứ không thể đưa môn võ vào. Tất cả các cầu thủ Bình Định dù ngoại hay nội đã khoác áo thi đấu đều nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo của vùng đất của người anh hùng Tây Sơn, để từ đó có sự quan tâm của các vị lãnh đạo và nhất là các cổ động viên. Dù trong tập luyện và thi đấu thành công hay thất bại, cổ động viên Bình Định lúc nào cũng nhiệt tình sẵn sàng cổ vũ giúp đỡ. Còn tâm trạng của tôi khi làm thủ môn thực hiện bắt quả phạt đền là cần phải tìm hiểu nhanh chân sút có thường xuyên sút phạt đền không, điểm mạnh và yếu cầu thủ đó ở chỗ nào để có sự chuẩn bị. Nhờ vậy, tâm lý của tôi vững vàng hơn trong khung thành.
- Anh trở thành thủ môn trong hoàn cảnh nào? Và có gặp khó khăn gì từ một thủ môn chuyển sang công tác huấn luyện? Anh rời vai trò huấn luyện thủ môn quốc gia vì lý do gì? Sau khi đã thành công khi đào tạo được thủ môn giỏi như Văn Cường, Minh Quang, anh có ý định và tâm huyết mở trường dạy đào tạo thủ môn sau này của Bình Định hay các tỉnh thành khác không? (LÊ THỊ KIM HƯƠNG 78 Hùng Vương, Sa Đéc – Đồng Tháp)
+ Từ nhỏ tôi đã chọn vị trí thủ môn rồi. Năm 1978 tham gia giải học sinh TP Quy Nhơn, qua giải tôi được tuyển lên đội tuyển Nghĩa Bình vào năm 1979 để chuẩn bị cho giải A1 tức là giải chuyên nghiệp hiện nay. Trong thời gian luyện tập và thi đấu, tôi đã có ý tưởng là theo nghề HLV sau này, nên thời điểm đó tôi luôn ghi chép những giáo án của các HLV giỏi trong nước cũng như nước ngoài. Còn về công tác huấn luyện, tôi cũng không gặp khó khăn khi thị phạm những động tác cho cầu thủ ở vai trò tiền đạo vì bên cạnh tôi có những trợ lý giỏi hỗ trợ cùng với các cầu thủ nòng cốt.
Sáu năm trời tham gia huấn luyện thủ môn đội tuyển quốc gia, tôi cần phải nhìn lại để tập trung cho tỉnh nhà khi mà lứa đào tạo thủ môn kế thừa vẫn còn thiếu hụt lực lượng, như thủ môn Văn Cường đã 37 tuổi vẫn còn phải theo đội thi đấu. Hiện tại, tôi rất bận rộn ở đội Bình Định trong công tác huấn luyện, nhưng trong thâm tâm tôi có dự định tương lai sẽ mở trường đào tạo thủ môn không riêng gì ở Bình Định mà mở rộng đón nhận cầu thủ các tỉnh thành toàn quốc.
- Trong tương lai có ai là thủ môn mà trở thành HLV thành đạt như anh hoặc hơn anh không? Ngay bây giờ anh đã ngắm được ai chưa? (ĐẶNG MINH HÂN, B7 khu cư xá Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai)
+ Trên thế giới cũng có nhiều HLV giỏi xuất thân từ thủ môn, còn tại Việt Nam thì cho đến thời điểm hiện nay, tôi đánh giá cao HLV phó Nguyễn Hồng Phẩm của đội Ngân hàng Đông Á sẽ là HLV giỏi sau này.
- Ông đã huấn luyện tuyển chọn cầu thủ như thế nào? Để có hai thủ môn tài đức vẹn toàn là Văn Cường và Minh Quang, ông đã làm việc như thế nào? (TRẦN VĂN CHẨN, 12 Hoàng Đức Tương, Phường 4, Q.11 TPHCM)
+ Để trở thành thủ môn, trước hết cần có một thể hình khá tốt cộng với tố chất không thể thiếu là dũng cảm và phản xạ thật tốt, yêu thích với vai trò thủ môn của mình. Nguyễn Văn Cường luôn học hỏi cố gắng cho bằng thầy và hơn thầy, Minh Quang cũng vậy - luôn học hỏi những kinh nghiệm của những người đi trước. Trong tập luyện phải có sổ tay ghi nhận những tình huống mình làm được và chưa được khi có sự sai sót, luôn chú ý quan sát thủ môn đội bạn, học hỏi điểm mạnh và quan trọng nhất là cái tâm của mình phải trong sáng, thi đấu trung thực thì thành công của một thủ môn không phải là khó.
- Là HLV xuất thân từ thủ môn, vị trí khi thất bại người ta luôn đặt vấn đề thủ môn là nguyên nhân trước tiên, vậy cần phải làm gì để giữ được phong độ lâu dài để là lá chắn tin cậy của đội bóng? (TRẦN VĂN CHINH, Điện lực Vĩnh Long- tỉnh Vĩnh Long)
+ Nếu muốn trở thành thủ môn có phong độ ổn định lâu dài thì trước hết luôn luôn luyện tập cho bản thân mình có một sức khỏe bền bỉ, không thuốc lá, không uống rượu và thi đấu với một tinh thần trong sáng để đồng đội có niềm tin cùng hỗ trợ đem lại hiệu quả cao nhất cho đội bóng.
- Theo chú, sự thành công của HLV là gì? Yếu tố nào đem đến thành công. Chú là người nhiều năm gắn bó với bóng đá thì kỷ niệm nào đẹp nhất đối với HLV như chú hiện nay? (NGUYỄN VĂN QUÝ, Xã Long Hiệp - Bến Lức – Long An)
+ Để đem đến sự thành công thì bản thân người HLV phải yêu nghề, luôn học hỏi đàn anh đi trước và phải biết nhìn nhận điểm yếu của mình để sửa đổi. Phải tạo được phong cách có uy tín để các cầu thủ trẻ noi theo. Kỷ niệm đẹp nhất của chú hiện nay là thành công khi đội Bình Định đứng hạng 4 giải VĐQG và vô định Cúp QG ở mùa bóng 2003.
- Có HLV giỏi thì có cầu thủ giỏi như Văn Cường và Minh Quang, có phải nhờ sự huấn luyện của anh không? Trong thời kỳ còn là thủ môn, anh ngại tiền đạo VN nào nhất? Nếu trong đội bóng có một số cầu thủ trụ cột dính dáng đến tiêu cực, anh có dám cắt bỏ không? Đội tuyển U-23 thi đấu SEA Games trên sân nhà, trong khung thành không phải là học trò của anh mà là thủ môn Thế Anh, vậy anh có lời khuyên gì cho thủ môn chơi thành công nhất cho tuyển VN? (ĐẶNG MINH KHUÊ, 166 liên tỉnh 5, Phường 6, Q.8 TPHCM)
+ Nếu thầy giỏi thì sẽ có trò giỏi, nhưng điều đó phụ thuộc vào sự nỗ lực chính bản thân của cầu thủ đó, chỉ có chăm chỉ luyện tập ham học hỏi thì sẽ có thành công sau này. Khi còn là thủ môn, tôi không ngại bất cứ một tiền đạo nào cả, chỉ tập trung cho một trận đấu, nếu đối phương có những chân sút nguy hiểm, thì người thủ môn luôn nhắc nhở đồng đội của mình theo sát để hạn chế tầm hoạt động của đối phương. Nếu anh ta là ngôi sao trong đội bóng, là trụ cột chính của đội mà có vấn đề tiêu cực thì bản thân tôi không ngần ngại loại bỏ ngay cho dù thực lực của đội không được mạnh. Tôi cũng từng có thời gian huấn luyện cho thủ môn Thế Anh tại Malaysia, SEA Games 21 và thời điểm hiện nay anh ta là thủ môn hoàn thiện nhất. Tôi chỉ có lời khuyên là Thế Anh hãy tự tin, bình tĩnh, cố gắng thể hiện hết khả năng của mình vì sau lưng em là hàng triệu trái tim VN đang mong chờ em thành công trong vai trò của mình.
. Theo SGGP thể thao