Tháp Chăm ở Bình Định: Trùng tu không kịp với xuống cấp
16:22', 23/11/ 2003 (GMT+7)

Tháp Đôi sau khi được trùng tu

Bình Định là địa phương đang sở hữu một số lượng tháp Chăm nhiều nhất so với các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ: 7 tháp và cụm tháp. Tất cả các tháp đều đã hư hỏng nặng trong khi công việc trùng tu thì không thể làm nhanh hơn được nữa.

* Hiện trạng

Ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Bình Định đưa ra một bức tranh toàn cảnh về các tháp Chăm ở Bình Định như sau: "Trừ tháp Đôi đã trùng tu xong và tháp Bánh Ít đang trong giai đoạn hoàn thiện, số tháp còn lại đều xuống cấp nghiêm trọng, cần phải được trùng tu". Dù vậy, ông Hùng vẫn tỏ ra lạc quan: "Để hạn chế tốc độ xuống cấp của các tháp, chúng tôi đã cố giữ chúng bằng mọi cách trước khi Bộ Văn hóa Thông tin bắt tay vào trùng tu". Tuy nhiên, phần cửa chính, cửa phụ ở các tháp Chăm của Bình Định hiện nay, hoặc là sụp hoàn toàn như tháp Thủ Thiện, Phú Lốc, hoặc sụp một bên như tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên. Hầu như toàn bộ các tượng trong tháp đều bị lấy cắp. Trên thân các tháp hiện nay, cây cối đã mọc um tùm, rễ cây xuyên qua vách tháp làm cho một số viên gạch rơi ra khỏi tháp. Trong số các tháp xuống cấp thì tháp Thủ Thiện "nghiêm trọng" hơn cả. Vòm cửa chính của tháp này không còn nữa, phần chân của cửa vòm cũng không còn, bị lở sâu vào thân tháp trên 1 mét. Riêng tháp Phú Lốc, ngoài các cửa chính bị sạt lở, các đai đá và những chi tiết trang trí cũng bị "rụng" gần hết. Cụm tháp Dương Long - cụm tháp đẹp và quy mô nhất hiện nay ở Bình Định cũng bị lở lói phần cửa tháp và sạt lở nhiều mảng tường trên thân tháp.

* Chống xuống cấp và trùng tu

Trùng tu tháp Chăm là công việc không hề đơn giản nên sự cẩn trọng trước loại di sản đặc biệt này là rất cần thiết. Tháp Đôi phải mất 6 năm mới trùng tu xong là vậy. Có thể xem đây là tốc độ "rùa bò" trong các công trình xây dựng. Những người làm công tác văn hóa ở Bình Định bắt đầu sốt ruột trước tốc độ chậm chạp, dù rất cần thiết này. Thế là, công việc "phủi nóng" cho các tháp Chăm bắt đầu. Họ không dùng tre hoặc giàn gỗ quá tạm bợ như Quảng Nam mà "chơi" luôn bằng gạch và sắt để kiềng lại những chỗ sắp rệu rã. Tuy có phần luộm thuộm đấy, song không thể làm khác hơn nếu như không muốn nhìn thấy tháp bị đổ. Cán bộ Bảo tàng Bình Định đã "sưu tầm" các loại hóa chất đặc biệt để diệt cây cỏ mọc trên thân tháp. Họ đã làm tất cả những gì có thể để giữ tháp và chờ trùng tu. Tuy nhiên, bình quân mỗi cụm tháp phải mất từ 4-6 năm mới xong nên thật khó có thể đưa ra cái mốc thời gian khi nào thì sẽ hoàn thành việc trùng tu các tháp Chăm ở Bình Định.

Lý giải cho sự chậm chạp này, ông Văn Trọng Hùng cho biết : "Trùng tu một tháp Chăm phải mất tiền tỷ, ví như tháp Dương Long chuẩn bị trùng tu vào năm tới mất 8,9 tỷ, song không phải chúng ta thiếu tiền nên làm chậm chạp mà do tính đặc thù của nó, không thể làm nhanh mà được". Còn ông Lý Văn Huân, người trực tiếp thi công công việc trùng tu các tháp Chăm hiện nay ở Bình Định thì quan niệm: "Làm sao đó, sau khi trùng tu, người ta vẫn thấy tháp "già" (nhưng đừng "chết"), tuyệt đối không cho tháp "trẻ" lại. Để đạt được tiêu chí trên, yêu cầu người thợ phải tuyệt đối trung thành với nguyên bản, phải thật chính xác trong việc chọn lựa vật liệu khi tu sửa. Yêu cầu cuối cùng là không nên suy diễn nếu như không biết chính xác vị trí đã bị hỏng là cái gì. Nếu bức tượng nào bị vỡ không còn nguyên vẹn thì chỉ dựng lại hình khối đúng nơi vị trí cũ chứ không được chạm khắc theo lối suy diễn. Chúng tôi luôn phải cẩn trọng từng ly từng tý với những chi tiết. Đó là lý do giải thích vì sao việc trùng tu các tháp Chăm lại quá rề rà như vậy".

Mỗi người đều có lý do rất chính đáng để lý giải cho sự chậm chạp trong việc trùng tu, trong khi thời gian và mưa nắng thì vẫn không ngừng tấn công vào các tháp.

TRẦN ĐĂNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bảo tàng Quang Trung sẽ có diện mạo mới   (21/11/2003)
Lượt về tranh vé với dự EURO 2004: "Trật tự" đã được vãn hồi   (20/11/2003)
Lý Đức và Vũ Bích Hường rước đuốc trong lễ xuất quân  (19/11/2003)
HLV Dương Ngọc Hùng: Mùa bóng 2003 để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp nhất   (18/11/2003)
Đoàn thể thao VN sẽ tham dự SEA Games 22 với 1.008 cán bộ, HLV, VĐV   (17/11/2003)
Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ ngã ngựa   (16/11/2003)
Chuyến tập huấn tại Thái Lan của đội Bình Định: Cuộc thử nghiệm thành công   (14/11/2003)
Bảo tồn tuồng cổ: một cách đặt vấn đề tích cực  (13/11/2003)
"Sơn Hậu" lên truyền hình  (12/11/2003)
Như Thành bị cấm thi đấu 5 năm, Việt Thắng và Trung Tuấn: 3 năm  (12/11/2003)
Bổ sung Như Thuật vào đội tuyển U.23 Việt Nam   (11/11/2003)
Chelsea giành chiến thắng vang dội trước Newcastle   (10/11/2003)
Bài chòi cổ: hồn ở đâu bây giờ?  (09/11/2003)
Tu bổ, tôn tạo cụm tháp Dương Long: Liệu có làm mới di tích ?   (06/11/2003)
Kiến trúc đền tháp Chămpa: Những giai điệu bí ẩn   (05/11/2003)