Chậu kiểng cổ trong thị trường mới
17:4', 24/11/ 2003 (GMT+7)

Chậu cổ được bày bán ở đường Trần Phú, Quy Nhơn

Chậu kiểng cổ Việt Nam (được sản xuất trong khoảng 100 năm trở lại đây) đang được ưa chuộng. Lái Thiêu, Nam Định, Bát Tràng là những "tên tuổi" được nhắc đến nhiều nhất.

Đứng đầu bảng hiện nay là chậu Lái Thiêu (Bình Dương) với sự đa dạng mẫu mã và kích cỡ, các họa tiết trang trí thường gặp: đắp nổi mặt nền, hình vẽ gồm hoa quả, lá cây, hình thoi lát chả… Kế đến là chậu Nam Định với lối thể hiện thủy mặc bằng kỹ thuật in: cò, hạc, cảnh núi non, chùa chiền (sơn thủy, tùng đình)… Hàng Nam Định có phong cách diễn đạt, chất liệu (đất sét) màu men rất giống với men sứ Trung Quốc xưa, nếu không rành rất dễ nhầm lẫn. Tiếp theo nữa là chậu Bát Tràng với nghệ thuật đắp nổi, nền da rạn, thường đặc tả bằng bút vẽ trước khi tráng men, như một bức tranh hoàn chỉnh với các điển tích: Ngư ông đắc lợi, Tô Vũ chăn dê… Và sau cùng là chậu Sông Bé sản xuất trước thập kỷ 70 ở miền Nam với các chi tiết hoa văn cùng màu sắc mạnh mang dáng dấp châu Âu (loại chậu nhỏ); hình vẽ mô tả sinh khí lao động nông nghiệp, miền quê thanh bình…

Chị Diệu Hồng, một người bán chậu cổ ở Quy Nhơn cho biết: "Các loại chậu của Lái Thiêu được thu gom từ khắp các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ rồi tập kết tại TP HCM để phân phối cho bạn hàng các tỉnh. Thị trường phía Bắc hút rất mạnh nhóm hàng này vì người Hà Nội rất thích các loại đôn, chậu (đủ bộ) của Lái Thiêu. Những món đẹp nhất, không có khuyết tật được tuyển kỹ lưỡng dành xuất đi Hồng Kông, Singapore, Đài Loan. Một năm tôi có khoảng 10 chuyến hàng, mỗi chuyến vài mươi chậu. Chủ yếu là hàng giá thấp, phù hợp với túi tiền của giới chơi kiểng ở tỉnh Bình Định. Tùy màu sắc, hoa văn và kích cỡ… chúng có giá từ 150.000 đến 400.000đồng/chậu. Loại chậu cổ chạm nổi công phu, họa tiết tinh xảo, màu ngọc rất đẹp (để phân biệt, thị trường gọi là chậu Tàu) có giá 1.000 USD/chậu thì không thể mua nổi". Anh D. ở Phước Lộc (Tuy Phước) cho biết thêm: "Tôi gom hàng gồm chậu, đôn và bán chủ yếu cho bạn hàng phía Bắc. Số lượng trong những năm qua là rất lớn, nguồn gom chính là từ các huyện trong tỉnh. Có thể nói hiện nay ở tỉnh Bình Định không còn hàng tốt nữa…"

Trong vô vàn kiểu dáng chậu thì chậu có hình lục giác, bát giác, tròn tai bèo luôn được giới bonsai chọn trước. Và chậu thường đi kèm với đôn. Một chậu bát giác đặt trên một đôn có cùng màu sắc và men thuốc là… "đúng bài". Các loại chậu được làm từ đất sét tinh khiết (cao lanh), phủ bên ngoài một lớp men rồi nung ở nhiệt độ khoảng 1.2000C, khiến đất sét bị "thủy tinh hóa", trở nên trong mờ và không bị thấm nước. Một tay chơi kiểng cổ tiết lộ bí quyết thẩm định giá trị của một chiếc chậu cổ: "Đất (trong lòng chậu hoặc dưới đáy, chỗ không tráng men) là một yếu tố để nhận dạng, biết tuổi của chậu. Đất của chậu 100 năm tuổi không thể nào giống với đất của chậu vừa được sản xuất cách đây 30 năm. Nhìn men thuốc cũng biết được nhiều điều thú vị!".

Trên thị trường, chậu kiểng cổ không nhiều, nên các "tay chơi" đôi khi cũng sẵn sàng chấp nhận đồ phục chế. Anh Xuân Lộc ở đường Biên Cương (Quy Nhơn) là người chuyên phục chế đồ sành sứ bị sứt mẻ. Trong 25 năm hành nghề, anh đã phục chế, sửa chữa hàng ngàn món đồ có giá trị cao. Anh nói: "Giống như hội họa, muốn tạo màu ngọc, ta có thể lấy xanh lá cây pha với trắng, và cũng như điêu khắc, trầm họa (khắc chìm) hay phù họa (khắc nổi), ta đều làm động tác chạm trước bằng xi-măng để vá lại chỗ bể của chậu. Tiếp theo, dùng bột đá hoặc bột trít để líp mặt giữa cũ và mới rồi có thể dùng dụng cụ sơn của thợ sơn… mặt đồng hồ để chấm dứt công đoạn này. Kế đến là phủ men. Men thuốc là một loại "keo" do tôi tự chế tạo từ hóa chất tổng hợp cộng với acid… Và sản phẩm phục chế của tôi, nhiều năm qua đã được thị trường chấp nhận".

Một cây kiểng đẹp cần phải được đặt trong một chiếc chậu tương xứng. Cây càng đẹp thì chậu càng phải quý. Đây là nguyên tắc của giới chơi cây kiểng, nên thị trường chậu kiểng cổ luôn sôi động.

TRẦN HOÀNG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tháp Chăm ở Bình Định: Trùng tu không kịp với xuống cấp  (23/11/2003)
Bảo tàng Quang Trung sẽ có diện mạo mới   (21/11/2003)
Lượt về tranh vé với dự EURO 2004: "Trật tự" đã được vãn hồi   (20/11/2003)
Lý Đức và Vũ Bích Hường rước đuốc trong lễ xuất quân  (19/11/2003)
HLV Dương Ngọc Hùng: Mùa bóng 2003 để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp nhất   (18/11/2003)
Đoàn thể thao VN sẽ tham dự SEA Games 22 với 1.008 cán bộ, HLV, VĐV   (17/11/2003)
Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ ngã ngựa   (16/11/2003)
Chuyến tập huấn tại Thái Lan của đội Bình Định: Cuộc thử nghiệm thành công   (14/11/2003)
Bảo tồn tuồng cổ: một cách đặt vấn đề tích cực  (13/11/2003)
"Sơn Hậu" lên truyền hình  (12/11/2003)
Như Thành bị cấm thi đấu 5 năm, Việt Thắng và Trung Tuấn: 3 năm  (12/11/2003)
Bổ sung Như Thuật vào đội tuyển U.23 Việt Nam   (11/11/2003)
Chelsea giành chiến thắng vang dội trước Newcastle   (10/11/2003)
Bài chòi cổ: hồn ở đâu bây giờ?  (09/11/2003)
Tu bổ, tôn tạo cụm tháp Dương Long: Liệu có làm mới di tích ?   (06/11/2003)