19 giờ tối 5-12, SEA Games 22 chính thức khai mạc
17:48', 5/12/ 2003 (GMT+7)

Các vận động viên, ca sĩ tập luyện cho lễ khai mạc SEA Games 22.

Sau buổi lễ thượng cờ 11 nước tham dự SEA Games 22 diễn ra vào lúc 9 giờ sáng 4-12 tại quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình, tối 5-12, vào lúc 19 giờ, SEA Games 22 sẽ chính thức khai mạc trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình do Nghệ sĩ nhân dân Chu Thúy Quỳnh làm tổng đạo diễn. Chương trình được bắt đầu bằng những thước phim tài liệu về chặng đường phát triển thể thao Việt Nam. Lễ khai mạc chính thức bắt đầu lúc 19 giờ với màn biểu diễn dù bay, rước cờ SEA Games và quốc kỳ của 11 nước tham dự. Tiếp theo là phần diễu hành của 11 đoàn thể thao tham dự SEA Games 22, nghi thức khai mạc, lễ rước cờ, kéo cờ SEA Games, lễ rước đuốc và đốt đuốc, tuyên thệ của vận động viên, trọng tài…

Phần hội với chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng có sự tham gia của 4.000 diễn viên, nghệ sĩ, sinh viên học sinh chia làm 3 phần: phần 1 mang tên "Đất Rồng Tiên" giới thiệu hình ảnh, đất nước con người Việt Nam; phần 2 "Hợp tác vì hòa bình" thể hiện thành phố Hà Nội, thành phố vì hòa bình và phần 3 mang tên "ASEAN đoàn kết, hướng tới tương lai" thể hiện màn tạo hình sống động những nét đặc sắc nền văn hóa của các nước trong khu vực Đông Nam Á và cuối cùng là bài hát chính thức SEA Games 22 "Vì một thế giới ngày mai" do 22 ca sĩ nổi tiếng của cả nước tham gia biểu diễn.

NSND Chu Thúy Quỳnh cho biết, lễ khai mạc SEA Games 22 sẽ là màn trình diễn của các khối người. Do đó, chương trình sẽ không thể hiện các nhân vật huyền thoại hoặc lịch sử bằng người diễn cụ thể mà kết hợp với màn hình nước (cao 18 m, rộng 40 m, thể hiện các hình ảnh tĩnh, động - chữ...) và video có độ phân giải cao. Bên cạnh đó, sân cỏ cũng được phủ kín bằng những tấm nhựa màu trắng sữa kèm theo sự chuyển động của sóng nước, mây và hoa lá...

Âm nhạc của lễ khai mạc không thực hiện theo phương thức lắp ghép, chắp nối các bài hát đã có sẵn mà là một tác phẩm khí nhạc hoàn chỉnh mang phong cách giao hưởng. Trong nền nhạc giao hưởng trầm hùng sẽ là tiếng vọng của cồng chiêng, của đàn tre, đàn đá, đàn thuyền, của tiếng sáo vi vu, tiếng đàn bầu đằm thắm, tiếng mõ trâu lốc cốc điểm xuyết. Phần âm nhạc này do các nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, An Thuyên và Nguyễn Quang Vinh thực hiện.

Chương trình lễ khai mạc SEA Games 22 được chuẩn bị khá công phu từ hơn 3 tháng nay, chắc chắn sẽ tạo nên những bất ngờ thú vị cho mọi người đồng thời gây ấn tượng mạnh đối với các nước bạn bè tham dự đại hội thể thao lớn nhất khu vực lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.

. Theo SGGP, VnExpress

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Huấn luyện viên Dương Ngọc Hùng và kỷ niệm về SEA Games   (05/12/2003)
U23 Việt Nam sẽ thắng!   (05/12/2003)
Dư luận quốc tế nói về trận Việt Nam - Thái Lan   (02/12/2003)
Thể thao Bình Định với những đóng góp tại SEA Games 22   (01/12/2003)
Malaysia và Myanmar giành thắng lợi   (30/11/2003)
Trên 5,1 triệu chữ ký ủng hộ đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 22   (28/11/2003)
Cháy vé xem SEA Games   (27/11/2003)
Đội tuyển Olympic VN đã chốt danh sách chính thức dự SEA Games 22  (26/11/2003)
Đội tuyển Việt Nam trước giờ xung trận tại SEA Games 22   (25/11/2003)
Chậu kiểng cổ trong thị trường mới   (24/11/2003)
Tháp Chăm ở Bình Định: Trùng tu không kịp với xuống cấp  (23/11/2003)
Bảo tàng Quang Trung sẽ có diện mạo mới   (21/11/2003)
Lượt về tranh vé với dự EURO 2004: "Trật tự" đã được vãn hồi   (20/11/2003)
Lý Đức và Vũ Bích Hường rước đuốc trong lễ xuất quân  (19/11/2003)
HLV Dương Ngọc Hùng: Mùa bóng 2003 để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp nhất   (18/11/2003)