|
Tháp Cánh Tiên (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Trong số các kiến trúc cổ Chămpa hiện còn trên đất Bình Định, tháp Cánh Tiên có một vị trí khá đặc biệt. Tháp nằm ở trung tâm thành Đồ Bàn – kinh đô Vijava của vương quốc Chămpa xưa, ngày nay thuộc xã Nhơn Hậu huyện An Nhơn. Vào cuối thế kỷ XIX các học giả người Pháp đặt tên cho ngôi tháp này là "tháp Đồng" – một trong những tháp Chăm đẹp của Bình Định.
Tháp Cánh Tiên là một công trình kiến trúc phục vụ tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm cổ. Theo các nhà nghiên cứu, tháp có niên đại tương đối sớm – khoảng thế kỷ XII sau công nguyên và là ngôi tháp tiêu biểu cho phong cách kiến trúc tháp Chăm ở Bình Định. Như các ngôi tháp điển hình khác của phong cách kiến trúc Bình Định, tháp Cánh Tiên được xây trên một gò đất cao, nổi bật về tính hoành tráng, với những khối hình lớn gây ấn tượng từ xa, tất cả các chi tiết kiến trúc của nó hợp lại như đưa tháp vươn cao lên với những tầng mây đang bay trên bầu trời, vì vậy người dân địa phương đặt cho tên gọi là "tháp Cánh Tiên".
Ngoài những giá trị về mặt lịch sử, tháp Cánh Tiên còn nằm ở một vị trí khá thuận lợi cho việc tham quan du lịch, nằm cách đường quốc lộ 1A khoảng 1.500m, trong khuôn viên thành Hoàng Đế xưa. Với tầm quan trọng của một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như vậy, trong đề án trùng tu tôn tạo di tích của Sở VHTT, ngày 20 và 21 tháng 9-2002 Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Đức tại thành phố Hồ Chí Minh đã cử ông Marcus Hass, Tùy viên Văn hóa và Thương mại ra khảo sát di tích và làm việc với UBND tỉnh, Sở VHTT và Bảo tàng Tổng hợp, thông báo phía Cộng hòa Liên bang Đức sẽ tài trợ 100.000 Euro cho dự án trên cùng với vốn đối ứng của tỉnh Bình Định.
Để công việc trùng tu – tôn tạo di tích được tiến hành thi công từ năm 2004 đến hết năm 2005, vừa qua, được sự nhất trí của UBND tỉnh, Sở VHTT đã mời Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng – Bộ Xây dựng vào thực địa khảo sát, đo vẽ kỹ thuật, nắm chắc các số liệu về thực trạng của di tích, tiến hành lập dự án khả thi cho công tác trùng tu – tôn tạo di tích. Vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Bộ VHTT đã tổ chức họp Hội đồng khoa học của Bộ và các ngành chức năng của Trung ương xem xét dự án nêu trên. Về cơ bản lãnh đạo Bộ và Hội đồng khoa học của Bộ thống nhất phê duyệt dự án với tổng số vốn trên 3 tỉ đồng. Trong nguồn kinh phí này có vốn của Cộng hòa Liên bang Đức, vốn đối ứng của tỉnh và huy động các nguồn tài trợ khác.
Hội đồng khoa học và lãnh đạo Bộ VHTT đánh giá cao sự hợp tác quốc tế trong việc trùng tu di tích ở tỉnh Bình Định và coi việc trùng tu tôn tạo di tích tháp Cánh Tiên là cần thiết và cấp bách để bảo vệ tuổi thọ của di tích. Tuy nhiên cần phải nêu rõ thêm việc sử dụng chất kết dính (nhớt bời lời và ô dước) trong việc mài chập gạch tạo khối xây. Vì vậy hội đồng thống nhất kết luận trong việc trùng tu các di tích tháp cổ, cho phép dùng cả vật liệu truyền thống lẫn hiện đại (như xi măng v.v…). Đối với tháp Cánh Tiên cho phép phục dựng lại các mảng hoa văn, phù điêu giống như cũ (dựa trên phép đăng đối và tư liệu lịch sử để lại). Song trong quá trình trùng tu cần ghi niên đại mới và cũ, nhất thiết phải tuân thủ qui tắc trùng tu di tích, tôn trọng tuyệt đối những phần còn lại của di tích, không làm mới di tích mà chỉ trùng tu những chỗ đã xuống cấp và hư hỏng. Bộ VHTT sẽ có văn bản chính thức phê duyệt dự án nêu trên trong thời gian gần nhất, để công việc trùng tu được thuận lợi, trả lại dáng vẻ hoành tráng cho di tích tháp Cánh Tiên.
HỮU THỌ
(Bảo tàng Tổng hợp tỉnh)
|