Trương Thị Minh Đức - cô đào thanh sắc vẹn toàn

NSND Trương Thị Minh Ðức quê ở Phước Thuận - Tuy Phước. Bà gia nhập làng nghệ thuật tuồng từ năm 14 tuổi và sớm nổi tiếng với các vai Phương Cơ, Kỷ Lan Anh, Trại Ba, Ðào Tam Xuân. Minh Ðức và Hồng Thu là cặp đào thuộc thế hệ thứ 2 của sân khấu tuồng Bình Ðịnh, sau đào Dần và đào Ngọ ở Phù Cát (trước đây phụ nữ hầu như không tham gia sân khấu tuồng, vai nữ do diễn viên nam đóng giả), cặp đào hát tài danh Minh Ðức- Hồng Thu nổi tiếng suốt một dọc miền Trung, được nhiều gánh hát lúc bấy giờ săn đón, chào mời.

Cuộc đời của người nữ nghệ sĩ dưới chế độ phong kiến (trước 1945) thật lắm nỗi truân chuyên, nhiều khi Minh Ðức tưởng như phải đoạn tuyệt với nghề tuồng, mặc dù bà rất yêu nghề. Cách mạng đã "đổi đời" cho Minh Ðức. Năm 1952 Ðoàn tuồng LHV được thành lập, bà được mời về đoàn và ngay lập tức trở thành một trong những cô đào chính của đoàn. Ðặc biệt với vai Chị Ngộ trong vở tuồng cùng tên - một người phụ nữ nông dân có hoàn cảnh rất đau thương bời sự áp bức của bọn cường hào ác bá. Bằng giọng hát điêu luyện và khả năng diễn xuất tuyệt vời, Minh Ðức đã để lại trong lòng khán giả Nam – Ngãi - Bình - Phú và cả khán giả miền Bắc một dấu ấn đậm đà.

Năm 1954, Minh Ðức tập kết cùng đoàn tuồng LKV. Trong suốt nhiều năm làm diễn viên chính của đoàn (1952 - 1967) bà đã diễn thành công tất cả các loại vai nữ từ đào chiến đến đào thương, được nhiều nghệ sĩ lão thành của đoàn khen ngợi, được các nghệ sĩ đàn em kính trọng và học tập.

Những năm tháng xa quê hương, công tác tại Ðoàn tuồng LKV ở miền Bắc, bà luôn yêu mến, đùm bọc anh em nghệ sĩ đồng hương Bình Ðịnh; nhiều người xem bà như người em gái thân thương; nhiều người rất tôn quý và mến yêu chị Minh Ðức đã hết lòng giúp đỡ, chăm sóc, chẳng những về nghệ thuật mà ngay cả trong cuộc sống.

Với tài năng xuất sắc và có nhiều đóng góp cho cách mạng, cho nghệ thuật, Minh Ðức được Nhà nước truy phong danh hiệu NSND năm 1983.

Thúy Vi

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trò chuyện với tác giả "Cô gái vót chông"  (28/02/2003)
Hồn gỗ  (28/02/2003)
Kết thúc cuộc thi ảnh nghệ thuật Bình Định quí III-2002  (28/02/2003)