Ðội tuồng đồng ấu của Nhà hát Tuồng Ðào Tấn đã hình thành từ hai năm nay. “Nghệ sĩ “của đội là con của các nghệ sĩ trong nhà hát, tất cả đều say mê môn nghệ thuật truyền thống này…
Hôm nay, đội sẽ diễn trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân (trích trong vở Trần Quốc Toản của tác giả Nguyễn Kim Hùng) để Đài truyền hình quay phim. Không khí náo nức và sôi nổi. Các diễn viên trong đội đã đến từ sớm và chờ đến lượt các cô, chú trong nhà hát hóa trang cho. Buổi diễn diễn ra nghiêm túc như bất cứ buổi diễn của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nào. Tất cả đều diễn hết mình, với sự say mê, náo nức. Câu hát, điệu múa, cách diễn có thể hãy còn non nớt, nhưng cái đọng lại là ý nghĩa của vấn đề khi điệu hát tuồng đi vào thế hệ mầm non.
Gọi là thế hệ mầm non, hay gọi đúng với tên gọi của đội: đội tuồng đồng ấu, bởi tất cả “nghệ sĩ” này đều đang trong tuổi ăn, tuổi lớn. Ðội có 11 thành viên thì đã có 4 - 5 em học lớp 1. Những em lớn tuổi nhất cũng chỉ 14 - 15 tuổi. Non về tuổi đời, non cả về thời gian học nghệ thuật, bởi các em chỉ mới tập hát và diễn từ hè năm 2001 đến nay. Vốn là con em các nghệ sĩ trong nhà hát, những câu hát, làn điệu đã nhiễm vào các em từ những ngày chập chững bên cánh gà sân khấu. Và rồi năng khiếu và niềm thích thú ấy được bộc lộ từ trong phong trào văn nghệ thiếu nhi của nhà hát. Khi được các nghệ sĩ nhà hát chọn để thành lập đội, các em háo hức đăng ký vào. Có em bề ngoài khá nhỏ con nên không được chọn vào đội nay thấy các bạn tập vui quá, nằng nặc xin vào. Một tháng đầu để các em nhập vai, hát đúng làn điệu, với hai nghệ sĩ hướng dẫn: NSƯT Phương Thảo và NSƯT Tuyết Mai, thật sự là một cuộc vật lộn. Tuổi nhỏ, sự tiếp nhận vai diễn đã khó, nhưng với bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng còn khó khăn hơn. Nhiều hôm, tập hát cho các cháu mà các cô khản cả giọng. Tuy nhiên, được cái vốn là “con nhà nòi”, tắm mình trong không khí nghệ thuật từ bé, các em tiếp cận khá nhanh - NSƯT Phương Thảo, một trong hai người hướng dẫn chính của đội, tâm sự: “ Các em tỏ ra rất say mê, không bỏ buổi tập nào. Nhiều em như Lê Na, Thu Hiền, Bích Nga, Thái Anh… rất có năng khiếu- NSƯT Phương Thảo cho biết thêm. Quần áo phục trang được phụ huynh tự may, Nhà hát chỉ có thể hỗ trợ thêm một số phương tiện, còn lại là do đội tự thân vận động. Nhưng không phải vì thế mà đội lơ là chuyện tập luyện. Từ ngày đầu đến nay, đội vẫn tập đều và đã bắt đầu lên sàn diễn phục vụ. Ngoài các lần thu truyền hình, đội còn biểu diễn phục vụ các bạn đồng lứa vào các ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu hay biểu diễn tại Câu lạc bộ Sân khấu truyền thống của Nhà hát. Những tiếng hát còn non nớt, những điệu bộ tuy hãy còn lúng túng, nhưng niềm say mê thì không kém bất cứ nghệ sĩ nào những diễn viên nhỏ tuổi này lúc nào cũng được khán giả ủng hộ nhiệt tình.
Và với trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân, dài tổng cộng đến hơn 30 phút, những diễn viên nhỏ tuổi này diễn khá thành công. Lê Na, dù chỉ mới học lớp 5 nhưng không chỉ diễn khá, hát hay mà còn múa đẹp và vào vai Trần Quốc Toản thì như nhận xét của các nghệ sĩ chuyên nghiệp là khá hay và toàn diện. Màn múa kiếm của các em nhỏ tuổi nhất đội trong vai nghĩa quân cũng khá ấn tượng.
Từ mô hình này, mở ra cho chúng ta những gợi ý về việc đưa sân khấu truyền thống đến với thiếu nhi. Không chỉ khơi dậy ý thức tự hào của các em, những hoạt động này sẽ giúp các em hiểu và yêu về những môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc và quê hương. Riêng với đội tuồng đồng ấu, theo NSƯT Phương Thảo, thời gian tới sẽ cố gắng truyền thụ tiếp cho các em một số trích đoạn khác. Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay là tiếp tục duy trì và củng cố đội. Như chúng tôi được biết, cách đây hơn 10 năm, một số con em các nghệ sĩ nhà hát cũng đã từng được tập hợp và diễn một số trích đoạn tuồng. Tuy nhiên, sau đó, nhóm này không còn tiếp tục được duy trì. Mong sao đội tuồng đồng ấu hiện nay tiếp tục phát triển. Biết đâu, trong số những “nghệ sĩ” nhỏ tuổi này hôm nay, lóe sáng tài năng, trở thành người kế thừa ngày mai của nhà hát.
Lê Viết Thọ |